Ngoài chuyện còn dở chưa làm được là nhà vệ sinh thì có vài chuyện hiếm hoi ngó ưng cái bụng mà có lẽ chưa có nơi nào giống cái xứ mệnh danh vùng đất “gạo trắng nước trong” này.
Từ chuyện vé đến chuyện vào sân
Chuyện này không lạ ở sân Cần Thơ nhưng với những nơi đội tuyển Việt Nam từng trải qua và du đấu thì rất lạ. Trận đấu sốt vé như thế mà phe vé chợ đen hổng có đất sống ở sân Cần Thơ. Tìm không ra được một “con quạ” nào lảng vảng “kiếm mồi” quanh khu vực sân, tất cả đều bị hốt sạch bất kể cầm trên tay ít nhiều để bán.
Lối vào cổng nhỏ hẹp vừa đủ một thân người nhưng tất cả bà con đều lịch sự trật tự xếp hàng đi vào cổng, không chen lấn xô đẩy, không móc túi và không luôn cả chuyện bày mưu “công thành... coi cọp”.
Đáng nể và dễ thương thật.
Khán giả miền Tây thật dễ thương trong sân bóng kỷ lục gần 50.000 khán giả. Chủ tịch Hội Cổ động viên VFS Trần Hữu Nghĩa(ảnh trái). Ảnh: KENH 14
Nụ cười...
Ở cái sân sức chứa cao nhất nước, mọi người đều cười với nhau hết sức vui vẻ.
Trẻ con cười vì được ông bà, cha mẹ dẫn đến sân cho xem đá bóng, khán giả cười trình vé cho lực lượng soát vé, anh bảo vệ cười với các cụ già... vì “Các ba, các má còn sung ghê sao không ở nhà coi tivi cho khỏe?”. Rồi lại cười, lại vui với ngày hội miền Tây...
Đúng là ngày hội bóng đá ở đây là vậy mà! Đâu đâu cũng đầy ắp tiếng cười...
Chuyện chai nước suối
Không hề cấm mang nước suối đóng chai vào sân. Có người xách cả túi “nửa chục Cái Bè” mang vào để đủ uống tới hết trận. Và hết trận thì.... không hề có một chai nước suối nào bị ném xuống sân. Khán giả Cần Thơ cuồng nhiệt thật và ai bảo họ không biết xem bóng đá. Thậm chí là họ ý thức từng cái chai nước để không làm phiền ban tổ chức và cũng không biến chai nước thành “vật lạ” ném xuống sân như các giám sát vẫn hay ví von khi có sự cố.
Chuyện cuồng nhiệt
Sân đông không chỗ chen chân, nóng chảy mỡ. Độ cuồng nhiệt không hề kém cạnh bất cứ sân bóng nào ở Việt Nam nếu không muốn nói là hơn hẳn.
Các sân miền Tây như Long An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cao Lãnh, Long Xuyên, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau... Miền Tây có bao nhiêu tỉnh, thành, bao nhiêu sân thì sân Cần Thơ lần đầu đón đội tuyển Việt Nam thi đấu có mặt đủ hết người hâm mộ ở các tỉnh đấy sân đấy kéo nhau về. Họ hò hét, tung hê và tự hào “Việt Nam... Việt Nam... Việt Nam...”. Họ sóng vang rền trên khắp khán đài. Có lúc mình mệt quá ngồi nghỉ thì nghe đâu đó giọng Nam Bộ: “Chú Hai ơi! Chơi sóng tiếp đi! Tiếp đi chú Hai!”. Tôi mệt thở không ra hơi thều thào kiểu cắc cớ: “Xin lỗi... Tui thứ... Ba, hổng phải thứ Hai...”. Lập tức nghe hưởng ứng: “Vậy thì chú Ba ơi! Tiếp đi, làm sóng tiếp đi chú Ba!”...
Cuồng nhiệt vui vẻ nhưng trật tự và rất khuôn phép. Họ ồn ào nhưng không tào lao bậy bạ...
So với nhiều sân khác thì rõ là có cần phải kèm pháo sáng thì mới biến nó thành chảo lửa đâu. Và thế là sóng người cứ rần rần với tiếng reo hò vui vẻ...
Miền Tây là vậy, Hai lúa là thế, Tư ếch cũng vậy mà Mười khó cũng nhiệt tình, hào hứng. Họ nói dễ gì có một trận đội tuyển quốc gia xuống đây đá nên có bao nhiêu chơi bấy nhiêu mà phải trật tự, phải khuôn phép...
Tan trận rồi mà vẫn rần rần với không khí miền Tây đón đội tuyển. Trên đường về ai cũng mệt nhưng vui. Giờ mới thấy cái câu này quả là không sai: “Cần Thơ gạo trắng nước trong. Ai đi tới đó lòng không muốn về”...
Không đâu bằng khán giả Cần Thơ Chủ tịch Hội Cổ động viên VFS Trần Hữu Nghĩa sau trận giao hữu Việt Nam - Avispa Fukuoka trên sân Cần Thơ đã chia sẻ những dòng tản mạn trên Facebook cá nhân. Tâm sự riêng với Pháp Luật TP.HCM, ông Nghĩa nói: “Tôi muốn chia sẻ điều ấy để các địa phương lớn vốn cứ tự hào thế này, thế nọ và là nơi đội tuyển thường xuyên thi đấu nhưng rõ ràng là họ cần phải học sân Cần Thơ ở tính phục vụ và trách nhiệm. Không ở đâu đáng khen bằng khán giả Cần Thơ mang cả chục chai nước vào nhưng không ném xuống sân...". |