Phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 20-11, đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) cho rằng dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực và đề xuất đưa dạy thêm trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện để quản lý chặt chẽ hơn.
Phải giải quyết được cái gốc của vấn đề
Thầy TB, giáo viên (GV) môn vật lý tại trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội, cho rằng học thêm là cần thiết với những học sinh (HS) có nhu cầu nâng cao kiến thức. Tuy nhiên, việc quản lý dạy thêm như thế nào để hạn chế tiêu cực là điều cần xem xét.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, nhìn nhận dạy thêm là một nhu cầu có thật trong xã hội. Qua dạy thêm, HS sẽ có kiến thức sâu hơn. Các em còn yếu sẽ có điều kiện bổ sung kiến thức. Về phần thầy cô, để thu hút HS họ sẽ phải nghiên cứu, đầu tư bài giảng một cách tốt hơn.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, cho biết thực tế hiện nay rất khó để cấm dạy thêm và học thêm.
Để loại bỏ được cái gốc của vấn đề này, ông Lâm cho rằng trước mắt, nhà trường phải quán triệt chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đó là giáo dục để phát triển phẩm chất và năng lực của HS chứ không phải dạy học theo kiểu “trả bài”, hay học “bài tủ” để có điểm cao.
Hiện Bộ GD&ĐT đang cải tiến giảm tải thi cử là một sự tiến bộ. Tuy nhiên, nhìn các nước trên thế giới sẽ nhận ra rằng nhiều nước không còn tổ chức các kỳ thi “cam go” nữa, họ đánh giá qua quá trình học tập trên ghế nhà trường. Khi áp lực thi cử như thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT… không còn nữa thì sẽ không còn chuyện dạy thêm, học thêm.
Còn nếu Việt Nam vẫn áp dụng nền giáo dục như hiện tại, đặt nặng áp lực thi cử và điểm số, bằng cấp thì rất khó để cấm tình trạng dạy thêm tràn lan, vì đó là nhu cầu thực tế.
“Nếu chúng ta cấm thì chắc chắn phụ huynh vẫn sẽ tìm cách cho con em đi học thêm, GV vẫn sẽ hoạt động lén lút” - ông Lâm nói.
Liên quan đến vấn đề trên, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm. Muốn “trị” vấn đề này thì phải tìm được ra đâu là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, đâu là trách nhiệm của gia đình và các bên liên quan.
Theo ông Vinh, việc thi kiểm tra, thi chuyển cấp… tạo nên một áp lực khủng khiếp, đó cũng là nguyên nhân đẩy cao nhu cầu học thêm. Ngoài ra, việc thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển ĐH cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề dạy thêm, học thêm.
Quản lý như thế nào?
Từ thực tế trên, ông Vinh cho rằng bản chất dạy thêm, học thêm không xấu vì nó là nhu cầu của HS có học lực yếu, HS có học lực khá và của GV.
Ông Vinh nhìn nhận đối với ngành giáo dục, nếu đưa việc dạy thêm vào loại hình kinh doanh có điều kiện thì Bộ GD&ĐT chỉ có thể ra cơ chế chính sách, còn việc quản lý phải do chính quyền và địa phương cùng chung sức vào cuộc.
Còn theo ông Nguyễn Văn Ngai, khi đã đề xuất dạy thêm là nghề kinh doanh có điều kiện nghĩa là sẽ phải đáp ứng những điều kiện theo quy định, chịu sự quản lý và thanh tra. Tuy nhiên, mỗi ngành nghề sẽ có đặc thù riêng, do đó các quy định phải phù hợp, tạo hành lang đảm bảo việc dạy thêm được quản lý chặt chẽ, phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng không nên đưa chuyện dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thay vào đó, cần phải giảm tải chương trình để HS không phải đi học thêm, đồng thời có cách quản lý việc dạy thêm để không có tình trạng chèn ép HS đi học thêm.
“Hiện nay thực trạng của vấn đề giáo dục vẫn là HS, người học học vì điểm số, vì thi cử chứ không phải học để phát triển bản thân. Chính vì vậy, nhà trường phải làm sao để HS sáng tạo, phát hiện và tìm tòi những vấn đề của cuộc sống và xã hội, phát triển bản thân. Có định hướng như vậy thì việc giáo dục mới có thể duy trì và phát triển lâu dài” - TS Nguyễn Tùng Lâm nhìn nhận.
Quy định dạy thêm ra sao?
Nguyên tắc dạy thêm không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa.
Các trường hợp không được dạy thêm gồm không dạy thêm đối với HS đã được nhà trường tổ chức dạy học hai buổi/ngày. Không dạy thêm đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Đối với GV đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với HS mà GV đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
(Theo Thông tư 17/2012 ban hành quy địnhvề dạy thêm, học thêm)