Cử tri muốn biết bao giờ bỏ giấy chuyển viện, luật hóa dạy thêm

(PLO)- Đại biểu nhấn mạnh khi sửa Luật BHYT thì phải sửa theo hướng người có BHYT muốn khám chữa bệnh ở đâu cũng được, miễn phù hợp với tình trạng bệnh tật…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 20-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ năm, QH khóa XV. Các đại biểu (ĐB) QH đã đề nghị bỏ giấy chuyển viện đối với bệnh nhân khám chữa bệnh (KCB) BHYT, đồng thời đưa dạy thêm vào ngành kinh doanh có điều kiện…

Giấy chuyển viện loại nào cũng rất cần thiết

Theo ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), hiện công nghệ thông tin đã tiến bộ và việc liên thông các kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh khá thông suốt. Hiện nay, hơn 93% dân số Việt Nam đã có BHYT thì việc có thêm “barie đi xin giấy chuyển viện rất nên được bãi bỏ” để đẩy mạnh tiến trình thông tuyến thực chất hơn.

P2+3-DAO-HONG-LAN.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại phiên thảo luận ngày 20-11. Ảnh: QH

“Luật BHYT sắp tới phải sửa đổi để người có BHYT muốn KCB ở đâu cũng được, miễn phù hợp với tình trạng bệnh tật, chất lượng KCB, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc của người có BHYT” - ĐB đề nghị và nhấn mạnh phải coi đây là nội dung sửa đổi quan trọng nhất trong lần sửa đổi này.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay dù giải quyết giảm thủ tục, phiền hà cho người dân nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo sự bền vững của hệ thống y tế, tránh quá tải dồn lên một cấp nào đó.

Theo bà Lan, việc giải quyết vấn đề quá tải, qua nhiều đời bộ trưởng đã phải giải trình và tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã quy định các tiêu chí của cơ sở KCB được phân làm bốn cấp chuyên môn, kỹ thuật và luật mới có hiệu lực từ ngày 1-7-2024 sẽ phân thành ba cấp.

Việc này nhằm đảm bảo điều kiện các cấp nào được KCB ở mức độ nào. Trong đó vừa căn cứ vào khả năng đáp ứng của cơ sở, tình trạng của người bệnh để bố trí phù hợp.

P2+3-nguyen-anh-tri.jpg
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) tại phiên thảo luận ngày 20-11. Ảnh: QH

Với việc chuyển tuyến, bà Lan thông tin từ năm 2014 người bệnh phải chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên một cách tuần tự, tuy nhiên từ năm 2016 đã thông tuyến ở cấp huyện và từ năm 2021 đã thông tuyến toàn tỉnh.

“Vấn đề bây giờ là từ tuyến huyện có lên trực tiếp được tuyến Trung ương không, từ tuyến tỉnh có lên được tuyến Trung ương không? Việc chuyển tuyến này để đáp ứng yêu cầu KCB cho người dân nhưng cũng đảm bảo phù hợp với khả năng chữa bệnh của từng tuyến, tránh quá tải dồn hết lên tuyến trên” - bà Lan nói thêm.

Cũng theo bà Lan, việc chuyển tuyến được chia làm hai luồng gồm từ tuyến dưới lên tuyến trên nếu cơ sở không đáp ứng được yêu cầu KCB cho người dân; từ tuyến trên xuống tuyến dưới khi bệnh tật ổn định, đảm bảo công tác điều trị lâu dài. Tuy nhiên, để giảm thủ tục hành chính, Bộ Y tế sẽ tiếp thu và đang tập trung sử dụng việc chuyển tuyến điện tử, giải tỏa khó khăn cho người dân.

Liên quan đến việc có bỏ giấy chuyển viện không, bà Lan khẳng định vai trò giấy chuyển viện, tình trạng lịch sử điều trị cũng như bệnh án, dù là giấy hay điện tử cũng rất cần thiết.

Dạy thêm phải là nghề kinh doanh có điều kiện

Đề cập đến vấn đề dạy thêm, học thêm, ĐB Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) nhìn nhận gần đây tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học.

Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có quy định (Thông tư 17/2012) cụ thể nhưng hoạt động dạy thêm, học thêm vẫn biến tướng. Trong đó có hiện tượng giáo viên nhà trường lách luật mở thêm lớp, lộ đề kiểm tra ở lớp học thêm, bớt chương trình chính khóa để dạy ở lớp học thêm…

Tuy nhiên, theo ông Huy, hiện tượng này cũng cho thấy nhu cầu dạy thêm, học thêm là có thật và là nguyện vọng chính đáng, do vậy cần đưa vào quản lý chặt chẽ hơn để hoạt động này “lành mạnh, đi đúng quỹ đạo”.

ĐB Huy kiến nghị Bộ GD&ĐT khẩn trương sửa đổi các quy định liên quan để quản lý hiệu quả, sâu sát, thiết thực và hài hòa lợi ích của học sinh, phụ huynh và giáo viên. Đồng thời, siết chặt hơn chất lượng các giờ học chính khóa cũng như thay đổi tư duy thi cử và cởi trói bớt áp lực học hành.

Vị ĐB này cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT sớm tham mưu trình để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh nguyện vọng học tập ngoài nhà trường là một nhu cầu thực tế. Trong quá trình đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học, bộ đã có văn bản quy định kiểm soát việc học thêm, dạy thêm trong khuôn khổ nhà trường, đạo đức nhà giáo, quy tắc ứng xử, văn hóa học đường, thi học công vụ. Các quy định đã rất đầy đủ, tuy nhiên đối với môi trường ngoài nhà trường còn đang thiếu cơ sở pháp lý để điều tiết, giám sát, xử lý.

Quá trình sửa Luật Đầu tư, Bộ GD&ĐT đã gửi văn bản cho Thủ tướng, Ủy ban Kinh tế của QH và Bộ KH&ĐT đề nghị bổ sung dạy thêm, học thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện. “Tuy nhiên, không rõ lý do tại sao từ năm 2020, 2021 việc này không được chấp thuận. Tôi đồng tình với ý kiến của ĐB Nguyễn Văn Huy là cần đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học” - ông Sơn nói.

Về tình trạng giáo viên bớt kiến thức trên lớp để dạy thêm, ông Sơn đề nghị ĐB Nguyễn Văn Huy cung cấp thông tin tên, chức vụ, trường để bộ phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình xử lý.

Cha mẹ chưa yên tâm… nên tìm nhiều lớp học thêm cho con

Với 53.000 trường học trên cả nước, Bộ GD&ĐT cũng mong chính quyền địa phương phối hợp, kiểm soát việc dạy thêm, học thêm bên ngoài trường học. Phụ huynh cũng cần phối hợp với ngành giáo dục, bởi học thêm rất nhiều cũng một phần xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh.

Có cha mẹ thấy con học một ca chưa yên tâm, nghe đâu có thầy tốt lại chở con đến học một tối 3-4 ca hoặc thấy con mình chưa xuất sắc cũng chưa yên tâm. Đây cũng là nguyên nhân gây căng thẳng trong việc học của trẻ em.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT NGUYỄN KIM SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm