Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 19-4-2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ trong tình hình mới. Điểm đáng chú ý của chỉ thị này là việc Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tư pháp nghiên cứu sửa quy định theo hướng tăng nặng mức, hình phạt với người vi phạm nồng độ cồn hoặc mắc lỗi nhiều lần... Thêm vào đó, các đơn vị nghiên cứu bổ sung hình thức xử phạt lao động công ích, trừ điểm giấy phép lái xe; thu hồi giấy phép lái xe với người sử dụng, nghiện ma túy.
Mong sớm nghiên cứu
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết các chỉ đạo của Thủ tướng rất phù hợp với tình hình giao thông hiện nay. Vì vậy, tôi mong các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu từng vấn đề, xem xét quy định nào phù hợp với Việt Nam để lấy ý kiến của chuyên gia, người dân nhằm sớm áp dụng, ngăn chặn tình trạng tai nạn giao thông hiện nay.
Tại chỉ thị này, Thủ tướng cũng yêu cầu trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả hành vi vi phạm về giao thông phải được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng xuê xoa, bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức. Cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị.
Về quan điểm cá nhân, tôi băn khoăn việc tăng mức phạt, bởi hiện nay mức phạt của hành vi vi phạm nồng độ cồn đang khá cao. Thêm vào đó, thời gian vừa qua cơ quan chức năng nhiều lần sửa đổi quy định pháp luật theo hướng tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm giao thông. Do vậy, việc tăng lên tiếp cần nghiên cứu lấy ý kiến rộng rãi của người dân để tạo được sự đồng thuận cao.
TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị, cũng cho rằng chỉ đạo của Thủ tướng thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đến vấn đề ATGT. Tuy nhiên, tai nạn giao thông có nhiều nguyên nhân không chỉ bởi ý thức của người dân mà có cả trách nhiệm đến từ cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể ở đây là hạ tầng giao thông hiện nay của chúng ta còn hạn chế, tín hiệu đèn giao thông hoạt động không tốt, tổ chức giao thông nhiều điểm chưa hợp lý, điểm đen tai nạn giao thông ngày càng nhiều.
Theo ông Thủy, tại các TP lớn, tình trạng ùn tắc giao tăng cao nguyên nhân cũng do nhiều công trình công cộng như metro triển khai chậm, lòng đường và vỉa hè bị chiếm và đến nay TP Hà Nội và TP.HCM cũng chưa “giải” được... Từ đó khiến cho tai nạn giao thông luôn ở mức cao, vì thế không thể đổ hết lỗi cho người dân được.
Về đề xuất tăng mức phạt giao thông, đặc biệt là hành vi vi phạm nồng độ cồn, TS Thủy cho rằng chưa hợp lý, vì không phải tất cả tai nạn giao thông đều do người lái xe sử dụng rượu, bia. Cạnh đó, đời sống người dân hiện rất thấp, nếu phạt cao dẫn đến nhiều hệ lụy. “Đơn cử vừa qua người dân bỏ luôn cả xe máy vì mức phạt cao, điều này gây lãng phí vô cùng lớn. Tôi cho rằng nên điều chỉnh xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn theo hướng quy định một mức cụ thể nào đó, không thể cứ có nồng độ cồn là phạt như hiện nay” - TS Thủy nói.
Thủ tướng giao đơn vị liên quan nghiên cứu mức, hình phạt với người vi phạm nồng độ cồn hoặc mắc lỗi nhiều lần... Ảnh: PHI HÙNG |
Xử phạt lao động công ích khó khả thi
Về bổ sung hình thức xử phạt lao động công ích, TS Thủy cho rằng không phù hợp. Vì trước đây, pháp luật nước ta có quy định nhưng sau một thời gian thực hiện thấy tính khả thi và hiệu quả không cao, các biện pháp này không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay nên đã bãi bỏ.
Cạnh đó, mỗi ngày CSGT xử phạt hàng ngàn vụ người lái xe vi phạm nồng độ cồn, chẳng lẽ bắt hàng ngàn người đi lao động. Vậy những người đang làm việc trong các nhà máy cũng phải bỏ việc để đi lao động công ích, thế thì nền kinh tế Việt Nam sẽ đi về đâu…
Ngoài ra, quy định hình thức xử phạt “buộc lao động phục vụ cộng đồng” do cơ quan hành chính hay tòa án quyết định thì thực chất đều là hình thức bắt buộc lao động đã bị Liên Hợp Quốc cấm theo Công ước số 29 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mà nước ta là thành viên. Vì vậy, tôi cho rằng quy định này không hợp lý, thiếu tính khả thi.•
17% vụ vi phạm về nồng độ cồn
Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết quý I-2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 151.890 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 17% tổng vụ vi phạm), 472 trường hợp người lái xe dương tính với chất ma túy, 132.243 trường hợp chạy quá tốc độ cho phép... Cơ quan CSGT và CSĐT các cấp đã khởi tố 1.134 vụ, 1.332 bị can liên quan tai nạn giao thông. Kết thúc điều tra, chuyển VKSND truy tố 1.118 vụ, 1.186 bị can.
Theo đánh giá của Ủy ban ATGT Quốc gia, tình trạng tài xế vi phạm tốc độ, điều khiển xe chạy sai phần đường, làn đường cho phép... còn diễn ra khá phổ biến; hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe đã giảm sâu nhưng vẫn còn tồn tại.