TỐ TỤNG VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN- BÀI 3:

Có nên xử lưu động?

Xung quanh chuyện này đang có ba luồng quan điểm khác nhau: Luồng quan điểm thứ nhất nói cứ xử lưu động bình thường để giáo dục, răn đe, phổ biến pháp luật. Luồng quan điểm thứ hai lại bảo phải tùy từng vụ mà cân nhắc. Luồng quan điểm cuối cùng cho rằng nên bỏ hẳn việc đưa người chưa thành niên ra xử lưu động vì cái lợi không bằng cái hại…

Cứ xử

Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (VKS và xét xử phúc thẩm VKSND Tối cao tại TP.HCM) nói bây giờ là thời đại công khai, dân chủ nên không có gì phải e ngại cả. Có xử lưu động những vụ như thế này mới giáo dục, hướng dẫn, răn dạy các đối tượng khác cùng địa phương. Chỉ trừ khi hành vi phạm tội của bị cáo dã man, trái thuần phong mỹ tục, đạo lý và phía nạn nhân yêu cầu thì mới không nên, còn bình thường thì cứ tiến hành.

Nguyên Phó Chánh án TAND huyện Phước Long (Bình Phước) Nguyễn Thị Hồng còn đề xuất nên tổ chức xử lưu động ở các trường học tại địa phương. Tòa án nên phối hợp với nhà trường thông báo rộng rãi cho các em học sinh và phụ huynh đến dự để thấy mà tránh. Theo bà, không gì giáo dục răn đe hiệu quả bằng trực quan của mỗi người khi hình ảnh phiên xử tác động trực tiếp tới họ. Hơn nữa, xã hội hiện tại tội ác lộng hành nhiều, cần phải tuyên truyền giáo dục mạnh hơn nữa.

Tùy vụ việc

Thận trọng hơn, Chánh án TAND tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Tùng nói phải xem xét vụ án cụ thể, hành vi phạm tội cụ thể khi quyết định xử lưu động. Với những trẻ ngỗ nghịch, chuyên quậy phá, phạm tội chuyên nghiệp, có tính nguy hiểm cao thì nên xử lưu động công khai để xã hội nhìn vào rút kinh nghiệm. Còn trẻ chỉ nhất thời phạm tội hoặc hoàn cảnh ngặt nghèo thì không nên. Trước đám đông trẻ sẽ không tránh khỏi khủng hoảng tinh thần, mặc cảm tâm lý, rất khó hồi phục về sau. Đưa ra xử lưu động không đúng, cái hại sẽ lớn hơn cái lợi.

Tán đồng, một thẩm phán TAND TP.HCM phân tích thêm: Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định cụ thể về việc xử lưu động trẻ vị thành niên mà chủ yếu do các tòa quyết định. Việc chọn lựa vụ nào để đưa ra xử lưu động rất quan trọng. Nếu chỉ có hành vi phạm tội nhỏ mà bị tòa lôi ra trước bàn dân thiên hạ thì chắc chắn tâm lý, tuổi thơ của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Có nên xử lưu động? ảnh 1

Việc xử lưu động các bị cáo tuổi vị thành niên như thế này còn có nhiều ý kiến khác nhau. Ảnh:HTD

Không nên

Cạnh hai quan điểm trên, nhiều người lại cho rằng không nên xử lưu động với các em dù hành vi phạm tội có nghiêm trọng cỡ nào đi nữa.

Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) nói thậm chí phải siết lại việc xử công khai các em tại trụ sở tòa và nên xử kín nhiều hơn. Theo ông, phần lớn trẻ tâm lý chưa ổn định, vẫn còn non nớt nên khi bị đưa ra bàn dân thiên hạ thì chúng sẽ sốc về tâm lý và có thái độ tự ti, mặc cảm sau này. Chúng sẽ nghĩ gì khi giữa một không gian rộng, bao nhiêu ánh mắt đổ dồn vào mình, soi mói rồi bàn luận đủ thứ? Đôi khi người đã thành niên còn không chịu được sự nhục nhã đó, huống chi trẻ chưa thành niên. Mặt khác, về nguyên tắc, chúng ta không thể mời trẻ em đến tham dự phiên xử. Khi đối tượng chính để răn đe giáo dục là người lớn thì cần gì phải đưa các em ra xử?

Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP.HCM) băn khoăn ở khía cạnh mức án khi xử lưu động thường sẽ cao hơn khi xử tại tòa. Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì ví xử lưu động cũng đồng nghĩa với việc đẩy thêm trẻ vào ngõ cụt vì tạo cho chúng cảm giác bị cô lập, luôn nghĩ rằng bản thân đã có sẹo. Đó cũng là mầm mống của thói xấu, của tội ác sau này. Có rất nhiều cách giúp chúng nhận thức sai lầm, sao cứ phải xử lưu động? Hơn nữa, cùng một tội danh, cùng hành vi... nhưng có thể trẻ này được xử bình thường, còn trẻ khác bị bêu ra và có thể phải lãnh án nặng hơn, liệu có còn công bằng?

Theo một chuyên gia, việc xử lưu động có mặt tích cực nhưng cần phải để ý thêm, nhất là trong quá trình chúng ta hội nhập đời sống quốc tế. Chúng ta cần quan tâm đến một số cam kết quốc tế như: “trong tất cả những hành động liên quan đến trẻ em dù là cơ quan phúc lợi xã hội, tòa án, nhà chức trách hành chính hay cơ quan lập pháp, những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu” (Điều 3 Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em ngày 20-11-1989).

Sẽ có hướng dẫn

Trả lời phỏng vấn Pháp Luật TP.HCM,Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế từng nói không thể cho rằng mọi trường hợp đưa người chưa thành niên phạm tội ra xử lưu động đều phản tác dụng, đồng thời cũng không có chuyện không được đưa người chưa thành niên phạm tội ra xử lưu động. Nhưng có một điều chắc chắn là đối với người chưa thành niên, tòa không bao giờ được đặt vấn đề xử lưu động để răn đe.

Theo ông Quế, người chưa thành niên từ 16 đến 18 tuổi (phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm) thì tùy trường hợp cứ xử lưu động bình thường. Còn từ 14 đến dưới 16 tuổi (phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng) thì dứt khoát không nên. Ông lý giải: Theo luật, trẻ dưới 16 tuổi không được tham dự phiên tòa nên tòa có xử lưu động cũng sẽ không có giá trị giáo dục được lứa tuổi này, chưa kể còn phản tác dụng. Vì vậy, ông sẽ kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xây dựng hướng dẫn cụ thể về trường hợp nào nên xử lưu động, trường hợp nào không để áp dụng thống nhất.

Một số vụ xử lưu động

Tháng 3-2010, tại UBND xã Nam Sơn (TP Bắc Ninh), TAND tỉnh Bắc Ninh đã xử lưu động, tuyên phạt Trần Văn Quý (17 tuổi) 18 năm tù, Đàm Văn Ngọc (16 tuổi) 14 năm tù về hai tội giết người, cướp tài sản. Ngoài ra, mỗi bị cáo phải bồi thường gần 43 triệu đồng và thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ nạn nhân.

Ngọc và Quý từng có tiền sự, tiền án về hành vi trộm cắp tài sản. Ngày 7-8-2009, Ngọc và Quý nhờ một người cùng thôn chở lên TP Bắc Ninh rồi thẳng tay sát hại nạn nhân để cướp xe máy.

Tháng 1-2010, TAND tỉnh Kon Tum đã xử lưu động tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, tuyên phạt ba bị cáo cùng tuổi 17 là Trần Thanh Tùng 17 năm tù, Mai Anh Dũng và Bùi Hữu Nghĩa mỗi người 16 năm tù về tội giết người (một bị cáo khác đã thành niên lãnh án tử hình).

Theo hồ sơ, năm 2009, các bị cáo đang ngồi nhậu thì mẹ Tùng gọi điện thoại nói có người đến đập phá nhà. Cả nhóm kéo đi trả thù và gặp nạn nhân H. dọc đường đi. Dù biết H. không liên quan đến việc quậy phá nhà Tùng nhưng các bị cáo vẫn nổi máu côn đồ dùng tuýp sắt và mũ bảo hiểm đánh chết nạn nhân rồi kéo nhau về tiếp tục uống rượu.

Tháng 11-2009, TAND thị xã Long Khánh (Đồng Nai) đã xử lưu động tại trụ sở UBND phường Xuân Thanh, tuyên phạt Lăng Quốc Việt (17 tuổi) một năm sáu tháng tù về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Do có mâu thuẫn với người khác, sau khi uống rượu, Việt đã dùng dao tự chế đuổi chém nạn nhân. Không chém được, Việt đã chém hai xe máy gây thiệt hại hơn 3 triệu đồng.

Trước đó, tháng 4-2009, TAND thị xã này cũng xử lưu động, phạt Dương Văn Hòa (15 tuổi) hai năm tù về hai tội trộm cắp tài sản, cướp tài sản.

Tháng 5-2009, TAND TP Tam Kỳ (Quảng Nam) đã xử lưu động, tuyên phạt Phạm Phú Quý (16 tuổi) 12 tháng tù về tội cướp giật tài sản. Theo hồ sơ, Quý vốn là một cậu bé hư hỏng, từng bốn lần ăn trộm xe đạp của người khác. Một hôm, Quý giật sợi dây chuyền của một người đi đường thì bị bắt.

Hoàn cảnh sống của trẻ vị thành niên phạm pháp: 38,8% cha mẹ làm nghề buôn bán; 52,4% gia đình bình thường; 4% chỉ sống với bố; 3,1% sống với cha mẹ kế.

“Mọi trẻ em bị công nhận đã vi phạm pháp luật hình sự, cách thức đối xử cũng phải tính đến lứa tuổi của trẻ em và tính đến điều đáng mong muốn là làm sao giúp các em tái hòa nhập xã hội.”

(Điều 40 Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em ngày 20-11-1989)

THANH TÙNG - PHAN THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm