TỐ TỤNG VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN - BÀI 4:

Lập tòa riêng cho trẻ em

Dù cán bộ tố tụng có hiểu biết về tâm lý trẻ, có kỹ năng, kinh nghiệm thì việc thành lập một tòa án riêng cho người chưa thành niên vẫn là điều cần thiết...

Trước đây đã từng có rất nhiều hội thảo, hội nghị bàn về tính cần thiết và lộ trình thành lập tòa án cho người chưa thành niên để hòa nhập công cuộc cải cách tư pháp. Thế nhưng đến nay mô hình này vẫn chưa được triển khai.

Cần cho các em

Thẩm phán Nguyễn Thanh Tùng (Chánh án TAND tỉnh Bình Dương) nói bản thân ông từng kiến nghị việc này từ lâu rồi. Theo ông, dù vẫn biết hiện tại khó thực thi song về lâu về dài thì không thể không có mô hình này. Chỉ đơn giản là việc tạm giam chờ ngày ra xét xử thì các bị can chưa thành niên vẫn phải giam chung với người lớn cùng vụ, dễ nảy sinh một hậu quả là trẻ sẽ học lóm những kinh nghiệm xấu của các can phạm khác. Chúng sẽ không có điều kiện để rèn luyện nhân cách mà thay vào đó là những mánh khóe, mưu mô nhằm chối tội, phản cung…

Một hội thẩm nhân dân TAND TP.HCM nói việc xử các em cùng trụ sở chung với người lớn là điều không hay và không nên. Trẻ là đối tượng đặc biệt nên quy luật tâm lý của trẻ không như người đã thành niên. Có thể giận dữ đó, chai lì đó nhưng cũng có thể sẽ cười nói ngay, bộc bạch ngay, nhận tội ngay... Do vậy, cũng như một đứa trẻ bình thường chưa đến tuổi lên lớp 1 thì phải học mẫu giáo, cần có một tòa án riêng cho trẻ vị thành niên. Ở đó, cán bộ tố tụng, luật sư... có kỹ năng, chuyên môn riêng để nắm được tâm lý, tình cảm của trẻ mà có hướng xử lý hợp lý.

Theo luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM), hầu hết các nước đã có tòa chuyên trách cho người chưa thành niên và hoạt động rất tốt thì tại sao chúng ta không làm. Tòa này sẽ tạo môi trường xét xử thân thiện, làm giảm sự cách biệt giữa hội đồng xét xử và bị cáo. Khi ấy việc xử kín hay công khai thì tòa xét tùy trường hợp nhưng phải tránh để trẻ có những ấn tượng không tốt về bản thân, cuộc đời, hay mặc cảm cho tương lai.

Lập tòa riêng cho trẻ em ảnh 1

Các bị cáo chưa thành niên vẫn phải giam chung và xét xử chung với các bị cáo cùng vụ. Ảnh minh họa: HTD

Tại hội thảo về việc thành lập tòa án cho người chưa thành niên hồi tháng 8-2008 do đại diện UNICEF tại Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học xét xử TAND Tối cao tổ chức, Phó Chánh án TAND TP.HCM Trần Văn Sự cũng đồng quan điểm là cần phải thành lập tòa chuyên trách này. Theo ông, chúng ta là nước thứ hai phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc nhưng đến nay vẫn chưa có tòa án dành cho trẻ vị thành niên, trong khi đó nhiều nước đã có từ lâu. Vì vậy, không có lý do gì để chúng ta trì hoãn việc thành lập tòa án này cả.

Chuyên môn hóa hơn

Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện Kiểm sát và Xét xử phúc thẩm VKSND Tối cao tại TP.HCM) và Thượng tá Lý Văn Ngộ (Phó Trưởng Công an quận 10, TP.HCM) cũng ủng hộ mô hình này.

Ông Thêm nói có chuyên môn hóa mới hiểu sâu được về tâm sinh lý của trẻ, từ đó có hướng xử lý thích hợp mà vẫn đúng pháp luật. Đồng thời, từ tòa chuyên trách này mà những hướng dẫn mang tính tổng kết mới để định hướng xét xử về sau. Còn theo ông Ngộ, khi mô hình tòa án khu vực hình thành thìquy mô xét xử sẽ mở rộng hơn, đồng nghĩa với việc lượng án với người chưa thành niên ngày càng nhiều nên cần phải có tòa chuyên trách.

Theo thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM), ở tuổi này nhận thức của trẻ chưa hoàn thiện, rất dễ dao động trước hoàn cảnh. Có thể khi ra tòa chung với người lớn, trẻ bị tác động khiến lời khai sai lệch nên khi đứng giữa phòng xử dành riêng cho mình, chúng sẽ cân bằng lại tâm lý. Tuy nhiên, tòa chuyên trách đòi hỏi cán bộ tố tụng phải có kiến thức tâm sinh lý trẻ em chuyên sâu mới hiệu quả. Kiến thức cán bộ tố tụng học được trước đó cũng nhiều nhưng đấy chỉ là nền tảng cơ bản, còn phải đào sâu nghiên cứu nhiều hơn nữa.

Luật sư Lê Văn Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) đặt câu hỏi: Việc xét xử ảnh hưởng đến tương lai của đứa trẻ, tại sao chúng ta lại không chăm chút, cẩn trọng? Hãy lập một phiên tòa mà ở đó cách trang trí, bố trí các vật dụng gợi mở sự thân thiện; hội đồng xét xử như những người bạn, người thân của trẻ, vì mục đích cuối cùng của chúng ta là giáo dục, cảm hóa chứ không phải trừng trị. Ngoài ra, tòa chuyên trách này còn phải chủ động phối hợp các cơ quan tố tụng khác, nhà trường, địa phương, đoàn thể… để tìm hiểu rõ hơn từng hoàn cảnh, nguyên nhân, động cơ phạm tội của trẻ.

Ba mô hình tòa chuyên trách

Trên thế giới hiện đang có ba mô hình tòa án cho người chưa thành niên:

- Mô hình an sinh phúc lợi hoặc phục hồi: Các phiên tòa luôn được xử kín để bảo vệ thông tin nhận diện của trẻ và cho phép những trẻ này khi trưởng thành có một lý lịch sạch. Thẩm phán đóng vai trò của một phụ huynh nghiêm khắc hơn là vai trò người bảo vệ quyền năng tố tụng.

- Mô hình trừng phạt: Mô hình này theo hướng tiếp cận cứng rắn, nhấn mạnh về trách nhiệm và hình phạt trước tình hình người chưa thành niên phạm tội gia tăng.

- Mô hình tòa gia đình: Xuất hiện trong vòng hai thập niên trở lại đây, mục đích là đưa tất cả vấn đề gia đình vào xử lý trong quá trình tố tụng và đội ngũ hỗ trợ dịch vụ xã hội. Điều này cho phép thẩm phán nhìn nhận đầy đủ hơn về những gì đang diễn ra trong gia đình của trẻ phạm tội, từ đó có thể thu thập thông tin và đưa ra biện pháp xử lý mang tính trị liệu ưu việt hướng vào cả gia đình lẫn bản thân trẻ phạm tội.

Xét xử trẻ vị thành niên ở các nước

Tại Nhật, Bộ Tư pháp vừa đệ trình lên Quốc hội dự luật xét xử các phiên tòa với trẻ vị thành niên để thay cho quy định cũ. Theo dự luật, phiên tòa xử trẻ vị thành niên phạm tội sẽ chỉ được tổ chức trong phòng rộng 25-35 m2 (bằng từ 1/6 diện tích phòng xử bình thường). Ngoài ra, dự luật cũng đề xuất cho phép nạn nhân và gia đình người bị hại tham dự phiên tòa xử trẻ vị thành niên phạm các tội giết người, gây tai nạn do lái xe nguy hiểm... Hiện các phiên tòa xử trẻ vị thành niên phạm tội ở Nhật chỉ có bị cáo, luật sư và người giám hộ cho bị cáo tham dự chứ không có công tố viên, nạn nhân hay gia đình người bị hại.

Tại Mỹ, mới đây trong phiên bỏ phiếu tín nhiệm với kết quả sát nút, Tòa án Tối cao Mỹ tuyên bố xử người vị thành niên án tử hình là vi phạm hiến pháp. Các thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ cho rằng đem hành quyết những người chỉ 15 hay 16 tuổi khi phạm tội là quá tàn nhẫn và bất thường, bị Hiến pháp Mỹ nghiêm cấm và dư luận quốc tế phản đối. Quyết định này sẽ giúp khoảng 70 tử tù dưới 18 tuổi đang chờ thụ án thoát khỏi cái chết.

Cách đây 16 năm, cũng chính Tòa án Tối cao Mỹ đã đồng ý cho xử tử hình các thiếu niên phạm tội giết người, biến Mỹ thành nước duy nhất trên thế giới cho phép hành quyết các thiếu niên dưới 18 tuổi. Việc này đã bị Quy ước của Liên Hiệp Quốc về quyền của trẻ em nghiêm cấm (Mỹ và Somalia không phê chuẩn quy ước này khi nó ra đời).

Tại Anh, cứ đủ 10 tuổi là một công dân phải chịu tội về hành vi phạm pháp của mình gây ra. Đây là mức định tội theo tuổi thấp nhất ở châu Âu.

Cách đây gần 20 năm, hai đứa trẻ Jon Venables và Robert Thompson (cùng 10 tuổi) đã bị Tòa án Preston (TP Merseyside, phía bắc nước Anh) tuyên mỗi đứa tám năm tù về tội giết một bé trai hai tuổi.

Tại Hàn Quốc, năm 2008, Tòa án Seoul đã phạt một trẻ vị thành niên mắc bệnh chậm phát triển 10 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em. Tòa cũng phạt cha mẹ cậu bé 16.000 USD vì lỗi buông lỏng quản lý con cái. Chánh án phiên xử cho biết em này hay coi phim khiêu dâm rồi bắt chước những gì đã học được để làm trò đồi bại với một bé gái bảy tuổi trong cùng khu phố.

Ở Hàn Quốc, khi trẻ phạm tội hiếp dâm, tòa án sẽ buộc phụ huynh phải chịu phạt tiền vì nếu được chăm sóc tốt, ăn học đến nơi đến chốn thì có thể trẻ sẽ không phạm tội.

THANH TÙNG - PHAN THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm