Các chuyên gia đều nhìn nhận phải tôn trọng, thực hiện nghiêm các quy định về người chưa thành niên phạm tội trong tố tụng. Đặc biệt, tất cả đều cho rằng xu hướng tố tụng tiến bộ là thay thế hình phạt tù bằng các biện pháp khác để tạo cơ hội giúp các em làm lại cuộc đời.
Phải có luật sư, người giám hộ
Theo thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM), phải thật cần thiết mới bắt tạm giam trẻ bởi môi trường trại giam không tốt cho các em, có khi còn đồng hóa và biến dạng nhân cách trẻ theo hướng xấu. Cạnh đó, cơ quan chức năng phải siết chặt hơn hai yếu tố bắt buộc là có luật sư, có người giám hộ trong quá trình tố tụng. Họ phải là người ngồi ngay bên cạnh trẻ khi lấy cung chứ không như trước nay là có hiện tượng người giám hộ có mặt ở phòng hỏi cung, có ký bản cung nhưng nội dung hỏi cung ra sao thì chỉ có điều tra viên và trẻ biết.
Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện Kiểm sát và Xét xử phúc thẩm VKSND Tối cao tại TP.HCM) nói cần quy định cho trẻ những mức hình phạt chiếu cố hơn. Thậm chí trường hợp nào nên tha được thì cứ mạnh dạn tha, không nên truy cứu bởi mục đích cuối cùng của pháp luật vẫn là giáo dục, tạo cơ hội cho các em hiểu ra lỗi lầm.
Xử rút gọn?
Ở giai đoạn xét xử, Thượng tá Lý Văn Ngộ (Phó Trưởng Công an quận 10, TP.HCM) bảo không cần phải lập tòa chuyên trách mà tòa nên áp dụng chế định xử án rút gọn đối với trẻ vị thành niên để vừa tiết kiệm thời gian giải quyết án, vừa đỡ phải cồng kềnh bộ máy.
Nên quy định cho trẻ những mức hình phạt chiếu cố hơn để giáo dục, tạo cơ hội cho các em hiểu ra lỗi lầm. Trong ảnh: Một phiên tòa có trẻ vị thành niên. Ảnh: HTD
Tuy nhiên, một kiểm sát viên VKSND TP.HCM lại nói với những trẻ vị thành niên ngang ngược, hư hỏng nặng thì phải cẩn trọng, không thể xử ào ào cho xong. Thẩm phán Phạm Công Hùng cũng cho rằng không nên áp dụng riêng chế định này với trẻ mà phải căn cứ vào tính chất vụ án để quyết định. Bởi lẽ án rút gọn chỉ được áp dụng khi hành vi phạm tội bị bắt quả tang, chứng cứ rõ trong khi không phải vụ nào liên quan đến trẻ cũng dễ dàng mà có nhiều vụ rất phức tạp.
Hạn chế tối đa phạt tù
Thẩm phán Nguyễn Thanh Tùng, Chánh án TAND tỉnh Bình Dương, cho rằng những quy định hiện nay đã khá đầy đủ nên khi xử trẻ vị thành niên, thẩm phán phải tuân thủ luật trước đã. Quan trọng nhất là tòa phải phân tích kỹ hoàn cảnh, động cơ phạm tội của trẻ để áp dụng hình phạt phù hợp.
Ông Tùng nói: “Nhiều năm xét xử hình sự, tôi biết có đứa hư, phạm tội chuyên nghiệp nhiều lần nhưng có những đứa động cơ phạm tội do bức bối tâm lý, túng quẫn khi bị gia đình lơ là, bỏ bê... Vì thế chúng ta phải tìm hiểu kỹ nguồn cơn của tội phạm khi mà chủ thể chỉ là một đứa trẻ, còn nhiều hạn chế về năng lực hành vi, ý thức. Quan điểm của tôi là đưa ra những bản án nhẹ cũng có thể giáo dục, răn đe”.
Cũng theo ông Tùng, ngay cả khi tuyên một bản án nhẹ, thẩm phán cũng phải suy xét nó có giúp trẻ cơ hội làm lại từ đầu hay vô tình lại tạo tác dụng ngược. Bởi lẽ khi tuyên án treo mà gia đình trẻ không quản lý, động viên, giáo dục, để trẻ phạm tội mới thì bản án tù treo của tòa sẽ được chuyển thành tù giam khiến trẻ phải gánh án nặng hơn. Vì vậy trước khi tuyên án, thẩm phán nên tìm hiểu gia cảnh của các em để ra phán quyết phù hợp.
Đưa vào trường giáo dưỡng
Kiểm sát viên Võ Văn Thêm nói tòa nên gia tăng việc đưa trẻ vào trường giáo dưỡng thay vì đưa vào nhà tù. Ông băn khoăn: “Tôi chưa thấy tòa nào tuyên đưa trẻ vào trường giáo dưỡng. Hình thức cải tạo không giam giữ cũng rất hiếm được áp dụng. Pháp luật có nhiều quy định khoan hồng, sao không áp dụng?”.
Đồng tình nhưng theo thẩm phán Phạm Công Hùng cần phải cải tạo lại hoạt động của các trường giáo dưỡng cho tốt hơn vì đây là chỗ tập trung các em có khiếm khuyết về tâm lý nên môi trường tập thể cũng tương đối phức tạp.
Luật sư Cao Minh Triết (Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang) cũng nói phạt tù trẻ là không nên bởi trẻ chưa phát triển hoàn thiện về tư chất, thể chất, chưa nhận thức được rõ ràng cái xấu, cái ác. Môi trường trong trại giam dễ khiến trẻ bị lôi kéo về con đường xấu. Tốt nhất là nên cho chúng hưởng không khí ít ngột ngạt hơn trong trường giáo dưỡng.
Án nặng chưa hẳn đã tốt Một thẩm phán TAND TP.HCM kể ông từng “đấu” nảy lửa khi vị đại diện VKS đề nghị phạt một cậu bé phạm tội trộm cắp chín tháng tù. Bởi lẽ sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, rồi ra tòa nhìn cậu bé, ông tin rằng em chỉ nhất thời phạm tội. Mặt khác, ông còn băn khoăn rằng liệu chín tháng tù đó có cải tạo được hay chỉ làm em hư hỏng thêm. Trẻ vị thành niên phạm tội phần nhiều là nạn nhân của gia đình, xã hội. Chúng cần được giúp đỡ để uốn nắn chứ bắt vào tù chưa hẳn đã hay. “Cán bộ tố tụng phải coi trẻ phạm tội như con cháu. Chúng ta không nên thiên kiến, định kiến, cũng không nên áp đặt suy nghĩ có tội thì phải đền tội. Có khi lúc xem hồ sơ thấy vậy nhưng diễn biến tại phiên xử lại khác. Ngoài ra, phải làm việc theo cái tâm và hãy thân thiện với trẻ, không việc gì phải có thái độ xử đến cùng, xử tới số” - kiểm sát viên Võ Văn Thêm đúc kết. Khoan hồng vì biết phục thiện Một lần tôi xử một học sinh cấp III gây tai nạn giao thông chết người. Sợ trễ giờ thi tốt nghiệp, em phóng xe máy đến trường, đụng phải một bà cụ băng qua đường. Tòa sơ thẩm phạt hai năm tù. Tìm hiểu, tôi biết rằng sau khi gây tai nạn, em bỏ buổi thi, bế bà cụ chạy thẳng vào bệnh viện cấp cứu, chăm sóc… nhưng rất tiếc là bà cụ không qua khỏi. Tôi thấy cần cho em một cơ hội nên cho hưởng án treo. Tới giờ, tôi chưa bao giờ hối tiếc về quyết định ấy. Thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM Hãy tìm hiểu gia cảnh Có lần chúng tôi xử một cậu bé trộm cắp xe máy của mẹ kế. Lúc nghiên cứu hồ sơ, tôi dự định tuyên từ sáu đến 12 tháng tù nhưng diễn biến tại phiên xử khiến tôi đổi ý định bởi không phải ngẫu nhiên mà cậu bé phạm tội. Mẹ mất sớm, cha lấy vợ hai, từ đó em bị bỏ bê, học hành đứt đoạn. Em phải tự thích nghi với cuộc sống và đó là nguyên nhân chính dẫn đến phạm tội. Lúc nghị án, hội đồng xét xử nghĩ một bản án tù có khi phản tác dụng vì em có thể cải tạo thành người tốt. Cuối cùng chúng tôi khoan hồng, chỉ phạt sáu tháng tù treo. Thẩm phán Nguyễn Thanh Tùng,Chánh án TAND tỉnh Bình Dương Bị cha mẹ lợi dụng Có một cậu bé thường bị cha mẹ bắt ra đứng lề đường giao heroin cho con nghiện. Khi cha mẹ bị bắt, em mới tám tuổi nên thoát tội. Sáu năm sau, em bị bắt cũng vì mua bán heroin. Trong phòng hỏi cung, cả tôi và luật sư đều ngỡ ngàng trước câu trả lời của em: “Chú bảo con phải làm gì để lấy cơm ăn khi ba má chỉ truyền lại cho con mỗi cái nghề buôn ma túy này”... Thú thật chúng tôi vừa thương thằng bé lại vừa giận cha mẹ em. Thời gian sau, tôi nghe thông tin em được TAND quận Bình Thạnh áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ, chỉ phạt chín tháng tù. Đại úy Lê Xuân Hòa, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM Ngặt nghèo số phận… Lần đó tôi bào chữa cho một cậu bé trong một phiên xử tại TAND quận 5. Em bị cha bỏ rơi từ nhỏ, 14 tuổi theo mẹ từ Trà Vinh lên TP.HCM kiếm cơm qua ngày. Hằng ngày mẹ đi làm mướn, em lang thang nhặt ve chai. Một lần em bị nhóm giang hồ dụ dỗ, ép cầm cây chặn nhóm người đang đánh bài trong công viên để chúng trấn lột. Em bị đề nghị phạt bốn năm tù về tội cướp tài sản nhưng hôm ấy tòa đã đồng cảm, chỉ phạt em bốn tháng tù. Luật sư Lê Văn Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM |
THANH TÙNG - PHAN THƯƠNG