Pháp luật hình sự có những quy định riêng mang tính nhân đạo dành cho người chưa thành niên ở các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử nhưng nhiều chuyên gia cho rằng như thế vẫn chưa đủ.
Theo luật, có hai yêu cầu cơ bản khi điều tra người chưa thành niên phạm tội là bắt buộc phải có người giám hộ và có luật sư tham gia ngay từ đầu. Những năm trước vẫn hay xảy ra chuyện cơ quan điều tra vi phạm các quy định trên khiến hồ sơ bị trả hoặc bản án bị hủy. Gần đây, sai sót này đã dần được hạn chế nhưng nhiều chuyên gia vẫn cho rằng nên thay đổi mô hình điều tra hiện nay đối với người chưa thành niên bởi họ chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần như người trưởng thành.
Phải hiểu tâm sinh lý trẻ
Theo một cán bộ điều tra Công an TP.HCM, nếu chưa hiểu hết tâm sinh lý của người chưa thành niên thì việc điều tra sẽ không chuẩn. Dù là người trong ngành nhưng nhiều khi đọc các bản cung, ông không thấy giống trẻ vị thành niên khai mà là... cán bộ khai! Ông dẫn chứng: Làm sao trẻ có thể biết, sử dụng thuần thục những từ ngữ như “hành vi”, “âm hộ”, “giao cấu”... được mà khai. Rồi những thuật ngữ khoa học chính xác tuyệt đối thì sao trẻ hiểu được mà trình bày.
Thượng tá Lý Văn Ngộ, Phó Trưởng Công an quận 10 và Đại úy Lê Xuân Hòa, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an quận Bình Thạnh, đều khẳng định việc nắm bắt tâm sinh lý các em khi điều tra là rất cần thiết. Vì vậy, cơ quan điều tra thường chọn những điều tra viên có kinh nghiệm, hiểu tâm lý nhất để lấy lời khai các em. Dù rằng khi được đào tạo trong trường cảnh sát, từng điều tra viên đã được học tâm lý học tội phạm, tâm lý trẻ vị thành niên nhưng theo hai ông nếu có điều kiện, ngành công an vẫn nên mở các lớp bồi dưỡng thêm kỹ năng cho các điều tra viên.
Một góc phòng điều tra thân thiện với trẻ em (mẫu) tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hà Nội.
Lập phòng hỏi cung thân thiện?
Gần hai năm trước, lần đầu tiên ở nước ta, Công an TP Hà Nội cùng Công an tỉnh Lào Cai đã lập khóa tập huấn mẫu kỹ năng điều tra các vụ án liên quan đến trẻ vị thành niên theo mô hình phòng điều tra thân thiện.
Như tên gọi, trong phòng này từ màu sơn đến bố cục không gian đều khác so với các phòng hỏi cung bình thường. Trong phòng có sách báo, tạp chí, đồ chơi, ghế nằm, tủ lạnh với đầy đủ hoa quả, nước ngọt... Khi hỏi cung, các điều tra viên không ngồi đối diện với các em mà ngồi sau những tấm kính một chiều. Các em sẽ không nhìn thấy cán bộ điều tra nên sẽ thoải mái hơn khi trả lời câu hỏi.
Nhiều chuyên gia đánh giá cao mô hình phòng điều tra thân thiện vì thể hiện tính nhân văn đối với người chưa thành niên. Tuy nhiên, Trung tá Trà Văn Lào, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp, lại không cho rằng mô hình này có thể giúp ích như một liệu pháp tâm lý. Theo ông, thời gian dành cho việc hỏi cung chỉ khoảng một tiếng mỗi lần thì không cần trang bị nhiều thứ như vậy. Rồi sở thích, tính cách của mỗi em mỗi khác nên chúng ta không thể sử dụng vật dụng để chiều theo ý của từng em. Hơn nữa, trẻ em phạm tội ngày càng nhiều nên nếu lập những phòng hỏi cung riêng như vậy thì sẽ rất tốn kém và mất thời gian không cần thiết... Do đó, chỉ cần điều tra viên hiểu và nắm vững tâm lý của các đối tượng nhí thì việc lấy lời khai sẽ dễ dàng.
Đại úy Lê Xuân Hòa cũng băn khoăn rằng cần phải bàn bạc kỹ càng hơn trước khi triển khai mô hình này. Ông lo ngại nguy cơ một số em lần đầu bị hỏi cung bị hoảng loạn, có thể dùng những vật dụng trong phòng gây hại cho chính các em, điều tra viên hay người giám hộ. Vì vậy, dù phòng hỏi cung có theo mô hình nào thì vấn đề an toàn và tính nghiêm minh của pháp luật vẫn phải đặt lên hàng đầu.
Lập tổ điều tra chuyên trách?
Nhiều người nói cần lập những tổ chuyên trách điều tra người chưa thành niên, gồm những cán bộ am hiểu tâm sinh lý trẻ. Theo Trung tá Trà Văn Lào, rất nên có bộ phận chuyên trách này để chất lượng các bản cung tốt hơn, việc điều tra được thuận lợi hơn. Không chỉ nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, điều tra viên còn có điều kiện lồng việc giáo dục ý thức trẻ ngay trong khi lấy lời khai.
Nhưng Thượng tá Lý Văn Ngộ và Đại úy Lê Xuân Hòa lại nhìn nhận với nhân lực và điều kiện cơ sở vật chất hiện tại của ngành công an thì chưa thể thực hiện được ý tưởng này. Theo hai ông, những quy định về hỏi cung và cơ chế pháp lý kèm theo hiện đã ổn, không cần điều chỉnh gì thêm. Điều cốt yếu là vận dụng đúng và thi hành tốt chúng trên cơ sở ý thức, trách nhiệm cao cùng thái độ làm việc tận tâm của các điều tra viên mà thôi.
Phải chuyên trách Theo tinh thần cải cách tư pháp, ngành tòa án sẽ thành lập tòa chuyên trách cho trẻ vị thành niên. Để thống nhất và đồng bộ, tôi nghĩ cơ quan điều tra, truy tố cũng phải theo hướng chuyên sâu về nghiệp vụ cùng tâm lý với trẻ. Chỉ có như vậy mới tạo sự trơn tru của các khâu trong suốt quá trình tố tụng. Dù điều kiện hiện nay chưa làm được nhưng trước sau cũng phải thành lập. Khi ấy Bộ luật Tố tụng hình sự sẽ được sữa đổi cho phù hợp. Thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM Tránh làm trẻ tổn thương Hiện Tổng cục Cảnh sát và tổ chức UNICEF tại Việt Nam đã có kế hoạch tổ chức tập huấn các kỹ năng cơ bản về điều tra các vụ án liên quan đến trẻ em để nâng cao kiến thức pháp luật quốc gia, pháp luật quốc tế. Các điều tra viên sẽ được giới thiệu quy trình, kỹ năng điều tra, xử lý theo hướng thân thiện mà vẫn bảo đảm pháp luật. Việc điều tra sẽ đáp ứng yêu cầu bảo vệ các quyền, lợi ích của trẻ em, tránh cho các em bị tái tổn thương, tạo điều kiện để thu thập chứng cứ, tài liệu chính xác nhất từ lời khai của các em. Có hiểu mới giúp trẻ phát triển Tháng 5-2008, đại diện UNICEF tại Việt Nam cùng Viện Khoa học xét xử TAND Tối cao từng tổ chức hội thảo bàn về vấn đề tố tụng đối với người chưa thành niên. Rất nhiều ý kiến cho rằng cán bộ tố tụng có am hiểu tâm sinh lý của trẻ em thì mới có cách giúp đỡ thông qua xét xử để cho trẻ phát triển toàn diện. Tại hội thảo, Phó Chánh án TAND TP.HCM Trần Văn Sự cũng bày tỏ lo ngại với tình hình lấy lời khai của công an với trẻ. Theo ông, chuyện điều tra viên hầm hầm, thậm chí đập bàn quát tháo sẽ làm các cháu hoảng loạn, nhiều khi khai sai sự thật. Không mời luật sư TAND tỉnh Hà Giang vừa hủy án sơ thẩm điều tra lại vụ nguyên hiệu trưởng Trường THPT Việt Vinh (huyện Vị Xuyên) Sầm Đức Xương mua dâm nữ sinh. Trong các lý do hủy án có cả lý do là không có luật sư ở giai đoạn điều tra, kiểm sát, xét xử sơ thẩm cho hai bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thúy, Nguyễn Thị Hằng (chưa thành niên). Hồ sơ vụ án thể hiện các cơ quan tố tụng huyện Vị Xuyên có ra quyết định mời luật sư cho Thúy nhưng thực tế không có chuyện này. Hồ sơ cũng không có biên bản về việc Thúy và người giám hộ từ chối mời luật sư trong giai đoạn điều tra, truy tố. Quên người giám hộ Giữa năm 2008, TAND tỉnh Gia Lai đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung một vụ hiếp dâm trẻ em do cả hai bị cáo đều là người chưa thành niên nhưng không có người giám hộ trong quá trình điều tra. Trước đó, Sang và Hiền cấu kết với nhau để hiếp dâm em H. (12 tuổi) khi em sang nhà chị của Sang chơi. Theo tòa, không chỉ các bản cung của Sang, Hiền không có chữ ký của người giám hộ mà lời khai của hai nhân chứng (một bị hạn chế năng lực hành vi, một chưa tới 10 tuổi) cũng không có người giám hộ. Ngoài ra, Sang và Hiền “đồng loạt từ chối luật sư” nhưng trong đơn cũng không có ý kiến của người giám hộ. |
THANH TÙNG - PHAN THƯƠNG