Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng lịch sử lập pháp từ 1945 đến trước khi ban hành BLHS 2015, chúng ta chỉ xử lý hình sự đối với những em ở lứa tuổi này nếu phạm phải tội rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, BLHS 2015 đã được sửa theo hướng mở rộng phạm vi xử lý hình sự đối với các em cả ở tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng khi thuộc ba tội danh là cố ý gây thương tích, hiếp dâm và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)
Bà Thủy không đồng tình với quy định tại BLHS 2015. “Lứa tuổi từ 14 đến dưới 16 thực chất chỉ là độ tuổi của những cháu học sinh lớp 8, lớp 9 đang ngồi trên ghế nhà trường. Do vậy những thay đổi của BLHS 2015 là những thay đổi rất lớn trong chính sách hình sự của Nhà nước ta theo hướng xử lý nghiêm đối với trẻ em” - bà Thủy nói.
Dẫn số liệu thống kê, bà Thủy cho biết trong ba năm từ 2014 đến 2016, trong phạm vi cả nước chỉ có 122 em bị truy tố về tội cố ý gây thương tích, tức là chia trung bình mỗi năm ở mỗi địa phương chỉ có một em ở độ tuổi này gây thương tích đến mức phải xử lý hình sự. Cả nước chỉ có chín em bị truy tố về tội hiếp dâm và hai em bị truy cứu về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
“Xử lý như BLHS 2015 là rất nặng cho trẻ em, gần như không có sự phân hóa giữa trẻ em và người lớn phạm tội. Độ tuổi 14 đến dưới 16 diễn ra nhiều nhất thay đổi về tâm sinh lý, tò mò, hiếu động, dễ bắt chước những điều mới lạ, hạn chế pháp luật...” - ĐB Bắc Kạn nhận định.
Cũng theo ĐB này, BLHS 2015 đã mở rộng phạm vi xử lý hình sự đối với các em đối với ba tội danh trên là không có sự phân hóa giữa trẻ em phạm tội và người lớn phạm tội. Người lớn trưởng thành có hành vi đánh nhau gây thương tích từ 11% bắt đầu bị Nhà nước xử lý hình sự, trẻ em suy nghĩ thiếu chín chắn, có hành vi đánh nhau gây thương tích từ 11% trở lên cũng phải bị xử lý TNHS như người lớn là không phù hợp với thông lệ thế giới.
“Xử lý đối với người chưa thành niên không nên bằng thái độ quá nóng, điều này không có nghĩa là chúng ta cưng chiều, dung dưỡng cho những vi phạm của trẻ em mà quan trọng là khi bắt tay xử lý những trường hợp này, chúng ta phải tự hỏi trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đến đâu đối với những vi phạm này và xử lý thế nào là đúng mức để các em có thể quay trở lại cuộc đời còn rất dài ở phía trước” - bà Thủy nói và đề nghị trình QH hai phương án để biểu quyết.
Tuy nhiên, về quan điểm cá nhân, bà Thủy cho rằng chỉ xử lý hình sự khi các cháu phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng như từ trước tới nay.
Trong khi đó, Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) không đồng tình với cả hai phương án quy định tại dự thảo. Theo ông Chính, phương án 1 chưa phù hợp với nguyên tắc xử lý và chính sách hình sự với người chưa thành niên phạm tội. Trong khi đó, phương án 2 cũng chưa lý giải được tại sao chọn những tội này mà không chọn tội khác. Ví dụ, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS về tội trộm cắp tài sản nhưng không phải chịu TNHS về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; hoặc phải chịu TNHS về tội khủng bố nhưng không phải chịu TNHS về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân?