Có nhà nước pháp quyền thì chỉnh đốn Đảng mới bền vững

Hôm nay (11-12), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (PQXHCN) Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” cùng Thường trực Ban chỉ đạo sẽ chủ trì một hội thảo hẹp, tập trung lắng nghe ý kiến các chuyên gia về những vấn đề lý luận và thực tiễn của nhà nước PQXHCN Việt Nam.

Việc xây dựng chiến lược này được thực hiện trong lúc Đảng đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn (XDCĐ) Đảng. Từ đó, câu hỏi đặt ra là hoàn thiện nhà nước pháp quyền và XDCĐ Đảng có liên quan gì với nhau?

Báo Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn GS-TSKH Phan Xuân Sơn, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, về chủ đề này.

GS-TSKH Phan Xuân Sơn, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong cả hệ thống chính trị

. Phóng viên:Giáo sư có bình luận gì về công tác XDCĐ Đảng từ sau Đại hội XIII đến nay?

+ Ông Phan Xuân Sơn: XDCĐ Đảng ở nhiệm kỳ Đại hội XIII là một sự phát triển tiếp theo công cuộc XDCĐ mà Đảng phát động từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XI. Ba nhiệm kỳ liên tục, nội dung này được đặt lên rất cao trong chương trình toàn khóa, mà cụ thể là tại Hội nghị Trung ương 4.

Về cơ bản, công tác này vẫn phải xoay quanh việc uốn nắn các sai lầm, khuyết điểm trong quá trình thi hành điều lệ, cương lĩnh, nghị quyết, kết luận, quy định, quy chế của Đảng và pháp luật của Nhà nước nhưng nội dung, phương thức, cách làm thì có nhiều điểm mới.

Nếu ở khóa XI, cách làm chủ yếu kế thừa kinh nghiệm cuộc vận động XDCĐ Đảng theo Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, tổ chức đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình từ Bộ Chính trị, Ban bí thư trở xuống thì sang khóa XII, điểm nhấn là hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng bí thư làm trưởng ban. Lần đầu tiên có những ủy viên Bộ Chính trị cả đương chức, cả nghỉ hưu bị kỷ luật Đảng, thậm chí truy tố theo pháp luật. Rất nhiều ủy viên trung ương thuộc diện Bộ Chính trị quản lý và cán bộ thuộc diện Ban bí thư quản lý bị thi hành kỷ luật, xử lý theo pháp luật.

Sang khóa XIII, công tác XDCĐ Đảng vẫn tiếp tục được đẩy mạnh.

Về lời văn, ngay tiêu đề báo cáo chính trị đã mở rộng nhiệm vụ không chỉ XDCĐ Đảng mà cả hệ thống chính trị. Tách riêng nội dung xây dựng Đảng thì phạm vi giờ cũng rộng hơn, toàn diện hơn - “về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Trong đó lần đầu tiên đặt vấn đề “xây dựng Đảng về đạo đức”, với “đạo đức” ở vị trí rất cao, gắn liền với “chính trị, tư tưởng”.

Về thực tiễn thì từ sau Đại hội XIII đến giờ, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục không ngừng nghỉ, với việc phát hiện, xử lý hàng loạt cán bộ cao cấp, nhất là một loạt tướng lĩnh của lực lượng cảnh sát biển, đồng thời mở rộng sang mặt trận phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống (gọi tắt là tiêu cực).

So sánh công tác XDCĐ Đảng ở ba nhiệm kỳ gần đây nhất thì như vậy. Còn một cách tổng quát tính từ khóa XI đến nay thì điểm nhấn là Đảng đã thể chế hóa rất mạnh.

Lâu nay ta thường nói Nhà nước thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng bằng pháp luật. Nhưng hơn 10 năm qua, Đảng rất chú trọng công tác tự thể chế hóa chính các chủ trương, đường lối của mình. Chưa bao giờ trung ương ban hành nhiều quy định, quy chế rất cụ thể về XDCĐ Đảng như vậy. Đồng thời, các thiết chế của Đảng, nhất là của trung ương vận hành rất mạnh mẽ để thi hành nghiêm các quy định, quy chế ấy.

Đây là điểm rất khác so với trước đó.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Đợt xây dựng, chỉnh đốn Đảng lớn lao, toàn diện và hướng tầm xa

. Gắn XDCĐ Đảng với xây dựng hệ thống chính trị, vậy hệ thống chính trị ở đây được hiểu là thế nào?

+ Đảng là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị. Lâu nay ta mới chỉ tập trung XDCĐ hạt nhân ấy thôi, trong khi hệ thống là tập hợp nhiều phần tử, bộ phận có liên quan, tùy thuộc lẫn nhau trong một chỉnh thể thống nhất.

Hệ thống chính trị về mặt cấu trúc có bốn bộ phận. Bộ phận thứ nhất là các loại tổ chức, mà quy thuộc theo ba nhóm: Tổ chức Đảng, tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội (gồm MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội).

Bộ phận thứ hai là mối quan hệ qua lại giữa các tổ chức này. Mối quan hệ ấy duy trì nhiệm vụ, chức năng, vai trò để các tổ chức vận hành “đúng vai, thuộc bài” như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nói. Như thế, Đảng không làm thay Nhà nước mà Nhà nước cũng không vận hành như Đảng…

Bộ phận thứ ba là các cơ chế vận hành. Lâu nay ta hay nói về cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ nhưng thực ra còn nhiều cơ chế khác. Chẳng hạn, thể chế, pháp luật là một loại cơ chế để các tổ chức vận hành đúng chức năng, nhiệm vụ, vai trò. Rồi thông tin, tư vấn cũng là một loại cơ chế để các tổ chức tương tác, trao đổi với nhau, phản biện, giám sát lẫn nhau.

Bộ phận thứ tư là các nguyên tắc vận hành, mà hay nhắc đến là nguyên tắc tập trung, dân chủ; nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Rồi nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực thi quyền lực nhà nước.

Vậy thì nhiệm vụ XDCĐ lần này của Đảng là lớn lao, toàn diện và nếu thực hiện được thì sẽ triệt để hơn rất nhiều.

. Công cuộc XDCĐ Đảng, nhất là công tác phòng chống tham nhũng những năm qua được tiến hành rất mạnh mẽ. Nhưng giới học giả vẫn có lo ngại về tính bền vững, nếu không chú trọng các giải pháp mang tính pháp quyền. Quan điểm của ông thế nào?

+ Tôi chia sẻ với những ý kiến như vậy. Trên thực tế, XDCĐ Đảng không thể chỉ thực hiện trong tổ chức Đảng, vì Đảng ta là đảng vừa lãnh đạo vừa cầm quyền. Tức là cầm quyền thông qua hệ thống chính trị, trong đó trung tâm là nhà nước PQXHCN. Cho nên XDCĐ Đảng không chỉ dựa vào Đảng, bằng các mặt công tác của Đảng, mà còn phải bằng các giải pháp cải thiện năng lực cầm quyền, trong đó hoàn thiện nhà nước PQXHCN là giải pháp quan trọng số một.

Nhận thức chung về nhà nước PQXHCN thì Đảng ta đã hình thành từ năm 1991, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhưng nhà nước PQXHCN không phải mong muốn là có, mà phải đi vào những nhận thức đầy đủ, cụ thể hơn.

Chẳng hạn, theo tôi, cần thúc đẩy nhận thức đầy đủ hơn việc nhà nước PQXHCN là phương thức thực hành dân chủ. Cho đến giờ, nhân loại chưa tìm ra phương thức nào hơn nhà nước pháp quyền để thực thi chủ quyền nhân dân cả.

Rồi cần nhận thức pháp luật trong nhà nước PQXHCN là tối thượng, theo nghĩa pháp luật mang tính dân chủ, tính nhân dân chứ không phải pháp luật của pháp trị.

Đảng đã tuyên ngôn trong điều lệ của mình và hiến định là “các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật”. Nhưng pháp luật mà không tốt, chưa đáp ứng quyền, lợi ích hợp pháp và ý chí của nhân dân thì chưa thể có nhà nước PQXHCN mà Đảng và nhân dân hướng tới.

. Xin cám ơn ông.

 Hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

là nhiệm vụ trọng tâm

Đặt trong cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ thì hoàn thiện nhà nước PQXHCN chính là cụ thể hóa cơ chế nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. XDCĐ Đảng trong sạch, vững mạnh tức là để các đường lối lãnh đạo của Đảng ngày càng đúng đắn hơn. Nhưng đúng đắn thì cũng phải có ai đó thực hiện - đó chính là nhà nước PQXHCN. Mà mục tiêu thì lần này đã đưa ra tầm nhìn rất xa, tới năm 2030, 2045.

Về mặt khoa học, giới nghiên cứu đều thống nhất rằng Việt Nam mới chỉ triển khai toàn diện công cuộc đổi mới từ năm 1995 - khi đã hoàn toàn thoát khỏi hoàn cảnh chiến tranh, xung đột, khỏi bao vây, cấm vận. Tức là mới được 25 năm phát triển trong điều kiện bình thường. Công cuộc xây dựng nhà nước PQXHCN cũng vậy, mới được 30 năm nếu tính từ Cương lĩnh 1991. Cho nên nhiệm vụ còn rất bộn bề.

Với tính chất như vậy, với mục tiêu, với tầm nhìn xa như vậy, Đại hội XIII định vị nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhà nước PQXHCN “là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”.

Điều này đúng về cả khoa học và thực tiễn. Ở Việt Nam hay các nước, cùng hay khác nhau về thể chế chính trị thì Nhà nước luôn ở vị trí trung tâm của hệ thống chính trị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm