Có nhà xe ở Kiên Giang vi phạm tốc độ 4.999 lần/1 tháng

(PLO)- Sở GTVT tỉnh Kiên Giang yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh kiểm tra, đối chiếu để xác định chính xác số lần vi phạm tại các thời điểm phương tiện đi qua các tuyến đường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở GTVT tỉnh Kiên Giang vừa có văn bản gửi các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ trong tỉnh thông báo kết quả tổng hợp, phân tích tình hình vi phạm từ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình trên hệ thống.

Theo đó, trong tháng 4-2023, tiến hành kiểm tra 8.819 xe, Sở ghi nhận có tổng 1.348 xe vi phạm tốc độ, với 15.126 lần vi phạm, trong đó, có 84 xe vi phạm 5 lần/1.000km.

Sở GTVT tỉnh Kiên Giang yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh kiểm tra rà soát từng lần vi phạm quá tốc độ tại thông báo, từ đó đối chiếu để xác định chính xác số lần vi phạm tại các thời điểm phương tiện đi qua các tuyến đường. Ảnh: CHÂU ANH

Sở GTVT tỉnh Kiên Giang yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh kiểm tra rà soát từng lần vi phạm quá tốc độ tại thông báo, từ đó đối chiếu để xác định chính xác số lần vi phạm tại các thời điểm phương tiện đi qua các tuyến đường. Ảnh: CHÂU ANH

Qua số liệu phân tích, cho thấy đơn vị có nhiều lần vi phạm nhất là hợp tác xã vận tải thủy bộ Rạch Giá, có 144 xe với 4.999 lần vi phạm tốc độ. Kế đó là hợp tác xã vận tải thủy bộ Thành Công, với 96 xe, 2.216 lần vi phạm tốc độ. Đứng thứ ba là hợp tác xã vận tải thủy bộ Rạch Sỏi với 211 xe và 1.844 lần vi phạm về tốc độ.

Đối với 84 xe vi phạm 5 lần/1.000km, phương tiện có số lần vi phạm nhiều nhất là xe mang BKS 68B-021.43 với 1.504 lần vi phạm, kế đó là xe có BKS 68F-000.31 với 985 lần vi phạm. Cả hai phương tiện này đều thuộc hợp tác xã vận tải thủy bộ Rạch Giá.

Trong văn bản thông báo, Sở GTVT tỉnh Kiên Giang cũng cho biết trong tháng 4-2023, có 3.015 trường hợp vi phạm về truyền dữ liệu bảy ngày liên tiếp về Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT). Cạnh đó, có 2.576 trường hợp vi phạm về thời gian lái xe liên tục.

Từ kết quả giám sát, Sở GTVT tỉnh Kiên Giang yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh kiểm tra đối với từng trường hợp vi phạm phạm tốc độ. Đồng thời, kiểm tra, rà soát từng lần vi phạm quá tốc độ tại thông báo, từ đó đối chiếu với kết quả tổng hợp trên phần mềm của đơn vị cung cấp dịch vụ giám sát hành trình để xác định chính xác số lần vi phạm tại các thời điểm phương tiện đi qua các tuyến đường.

“Yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thông báo và yêu cầu đội ngũ lái xe nghiêm chỉnh chấp hành quy định về tốc độ và thời gian lái xe. Không đưa phương tiện ra hoạt động kinh doanh khi thiết bị giám sát không hoạt động, không lắp đặt công tắc để ngắt thiết bị” - Văn bản của Sở GTVT tỉnh Kiên Giang nêu.

Đối với các trường hợp không truyền dữ liệu về Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT tỉnh Kiên Giang yêu cầu các đơn vị kiểm tra và làm việc với nhà cung cấp thiết bị để kịp thời khắc phục ngay, cạnh đó, báo cáo về Sở cụ thể thời gian khắc phục.

Còn đối với các trường hợp vi phạm về quá thời gian lái xe liên tục, vi phạm không truyền dữ liệu khi xe đang hoạt động, Sở GTVT tỉnh Kiên Giang yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải tăng cường công tác theo dõi, giám sát và xử lý tại đơn vị. Qua đó, kịp thời nhắc nhở chấn chỉnh các hành vi vi phạm của lái xe; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp đã chấn chỉnh, nhắc nhở nhưng vẫn tiếp tục vi phạm trong tháng.

Theo tìm hiểu của PV PLO, việc xác định số lần vi phạm tốc độ dựa vào số lần “tài xế đạp chân ga quá tốc độ” và dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình được truyền liên tục về Cục Đường bộ Việt Nam, nên số lần vi phạm có thể rất nhiều.

“Ví dụ nhưng đang điều khiển trên đoạn đường cho phép lưu thông với tốc độ 60km/giờ, nhưng vì lý do gì đó, tài xế đạp ga lên hơn 60km/giờ là được xác định là một lần vi phạm.

Do đó, có thể trong một hành trình hay một ngày lái xe, việc ghi nhận người điều khiển vi phạm tốc độ hàng chục, thậm chí hàng trăm lần là điều dễ hiểu” - một người công tác trong ngành GTVT chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm