Có những bi kịch đến từ... chữ hiếu

Bạn sinh con để làm gì?

Chỉ một câu hỏi này nhưng sẽ có hàng trăm câu trả lời khác nhau và chắc chắn nếu trả lời một cách thật lòng thì sẽ có người nói rằng họ sinh con để có chỗ nương tựa khi về già hoặc sinh con ra để "nối dõi tông đường".

Làm con tất phải báo hiếu. Nhiều người có quan niệm như vậy và họ thản nhiên cầm những đồng tiền con họ làm ra để sinh sống. Điều này còn tạm chấp nhận. Tuy nhiên, có những người lại cho phép mình bóc lột sức lao động của con, ép con lấy chồng giàu và ngụy biện rằng để ấm thân con nhưng thực chất là để gánh vác gia đình.

Quan điểm sinh con ra rồi xem con như con bò để vắt sữa không phải là quan điểm xa lạ. Vì thế nhiều người đã khuyến khích con hy sinh cuộc đời mình để gánh vác gia đình, cha mẹ và các em. Bạn có đang trong hoàn cảnh này không? 

Đừng nuôi dạy bé gái rằng "phụ nữ phải hy sinh" cho gia đình và quên đi hạnh phúc của bản thân. (Ảnh minh họa)

Xã hội ảnh hưởng khá nặng nề lên ý thức hệ của con người. Bạn là một cô gái sinh ra trong ngôi làng mà tất cả con gái đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc thì bạn cũng sẽ được định hướng như vậy. Nếu bạn từ chối có thể cha mẹ bạn sẽ chì chiết rằng bạn bất hiếu hoặc ngu xuẩn. Mà bạn không có cơ hội nghĩ khác làm khác đâu vì bạn cũng chỉ thấy con đường duy nhất đó là phải giống con Hoa con Thảo trong xóm để kiếm tiền xây nhà lầu cho cha mẹ. Bạn sẽ lựa chọn hy sinh để được hạnh phúc và tự hào đã đổi đời cho gia đình. Hầu hết các cô gái lấy chồng nước ngoài thông qua mai mối đều vì mục đích này.

Những bé gái Việt Nam được nuôi dạy là phải hy sinh và cả xã hội này luôn ca ngợi các kiểu phụ nữ như vậy. Tôi rất sợ những bài viết trong sách giáo khoa ca ngợi sự hy sinh của phụ nữ và gán cho nó là một "đức tính”. Hỏi sao mà những đứa bé gái cứ xẹp lép trong cuộc đời mình!

Còn bé trai thì sao? Nếu cả ngôi làng đi xuất khẩu lao động để xây nhà, mua xe thì đó mặc nhiên được xem là cánh cửa sáng sủa nhất cho cuộc đời con và cả gia đình. Nhiều cha mẹ cố đẩy con đi dù rằng không có cửa đi hợp pháp thì đi bất hợp pháp. Vì sao lại thế? Từ bao giờ những công việc phạm pháp lại được xem là mục tiêu nghề nghiệp và có nhiều người xem nó là định hướng cuộc đời cho con mình?

Thảm thương thay cho sự thiếu vắng của định hướng giáo dục khiến con người tin rằng họ chỉ cần kiếm tiền bằng mọi giá kể cả góp phần dẫn đến cái chết cho đồng loại.

Còn rất nhiều thời gian và công sức để những thanh niên của vùng đất nổi tiếng về hiếu học này thay đổi quan điểm kiếm tiền bằng mọi giá!

Thế mới thấy giáo dục không chỉ ở sau cánh cổng trường học mà nó phải là nhiệm vụ của toàn xã hội.

Tôi rất tâm đắc câu ngạn ngữ của châu Phi mà tôi đã đọc được trong cuốn sách “Dạy con trong hoang mang” rất nổi tiếng của TS Lê Nguyên Phương. Tôi chọn nó để làm câu kết cho bài viết này như một lời nhắn nhủ với các bậc cha mẹ, thầy cô: “Cần có cả ngôi làng để giáo dục một đứa trẻ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm