Cơ quan thi hành án phải bồi thường sau 23 năm bán đấu giá mà không giao tài sản

(PLO)- Cơ quan thi hành án ở Cần Thơ bán đấu giá quyền sử dụng hơn 150 m2 đất từ năm 2001 nhưng đến nay không giao tài sản cho nguyên đơn nên người này kiện đòi bồi thường đã được tòa chấp nhận.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 12-6, TAND TP Cần Thơ đã xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra giữa nguyên đơn là ông TTH (cùng ba người khác đều ủy quyền cho ông H) và bị đơn là Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

phiên tòa xét xử vụ kiện đòi thi hành án bồi thường vì 23 năm không giao tài sản trúng đấu giá.
Quang cảnh phiên tòa xét xử vụ ông TTH kiện Chi cục THADS quận Ninh Kiều đòi bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra. Ảnh: NHẪN NAM

Phiên tòa được mở do có kháng cáo của bị đơn và một người liên quan là chấp hành viên.

Trúng đấu giá từ năm 2001 nhưng không được giao tài sản

Theo hồ sơ, ngày 28-2-2001, ông H và vợ (mất năm 2011) đăng ký tham gia và đã trúng đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất với diện tích hơn 150 m² tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Sau khi trúng đấu giá, ông bà đã nộp tiền đầy đủ là 8,6 triệu.

Sau đó, ông bà đã có nhiều đơn yêu cầu và khiếu nại, yêu cầu cơ quan chức năng giao tài sản trúng đấu giá nhưng vẫn không nhận được tài sản.

Công văn năm 2002 của Đội thi hành án TP Cần Thơ đã xác định: “Không giao nhà và đất mà ông bà đã trúng mãi; Phần thiệt hại của ông, bà và cả Trung tâm dịch vụ bán đấu giá, cơ quan thi hành án sẽ tiến hành bồi thường tương ứng với mức độ lỗi của bên bán tài sản mà không giao được tài sản và tương ứng với lỗi trong thi hành công vụ của chấp hành viên theo quy định của pháp luật...".

Mặc dù, ông bà nhận được nhiều công văn trả lời về việc yêu cầu và khiếu nại của ông bà nhưng cơ quan thi hành án vẫn không thực hiện việc thỏa thuận bồi thường.

Tháng 10-2010, ông bà khởi kiện tại TAND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ về việc “yêu cầu bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra". Bản án sơ thẩm năm 2018 đã tuyên xử buộc Chi cục THADS quận Ninh Kiều có nghĩa vụ bồi thường cho các nguyên đơn số tiền hơn 445 triệu.

TAND TP Cần Thơ xét xử phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm với nhận định nguyên đơn chưa nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường tại Chi cục THADS quận Ninh Kiều nên chưa có quyền khởi kiện…

Các nguyên đơn đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu đến cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết. Do đó, căn cứ công văn năm 2002 của Đội trưởng thi hành án TP Cần Thơ, công văn năm 2002 của Phòng thi hành án tỉnh Cần Thơ, hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên, các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Chi cục THADS quận Ninh Kiều bồi thường số tiền hơn 445 triệu, theo định giá của tòa án từ năm 2011.

Bị đơn cho rằng mình không có lỗi

Bị đơn trình bày, trước đây, Đội Thi hành án TP Cần Thơ thụ lý đơn yêu cầu thi hành án của một chi nhánh ngân hàng. Theo quyết định công nhận hòa giải thành, đương sự phải trả nợ cho ngân hàng 16,5 triệu. Do đương sự không tự nguyện thi hành nên chấp hành viên kê biên tài sản để thi hành án… Người mua tài sản trúng đấu giá là vợ chồng nguyên đơn với giá 8,6 triệu.

Bị đơn cho rằng, do chủ cũ tài sản khiếu nại nhiều nơi, các cơ quan phải xem xét đơn, không thể cưỡng chế giao tài sản, không phải lỗi của thi hành án hay chấp hành viên. Ngoài ra, phía ngân hàng nhận tiền thi hành án của của đương sự nhưng không thông báo cho đội thi hành án…

Năm 2021, các cơ quan họp liên ngành, kết luận là đương sự đã hoàn thành nghĩa vụ nợ nên không phải giao tài sản cho người mua đấu giá, đề nghị bên mua tài sản nhận tiền đã nộp tại trung tâm bán đấu giá.

Do đó, bị đơn đề nghị bác yêu cầu bồi thường của nguyên đơn. Bị đơn cho rằng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do bán đấu giá tài sản (nếu có) thuộc về ngân hàng vì đã tự thu tiền của đương sự không thông báo cho thi hành án và sau khi tài sản đã bán đấu giá.

Tòa: có căn cứ chấp nhận yêu cầu bồi thường

Xử sơ thẩm, TAND quận Ninh Kiều chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn bồi thường hơn 445 triệu, khấu trừ số tiền mua tài sản nguyên đơn đã nộp tại trung tâm bán đấu giá tài sản và phần lãi phát sinh, tổng số tiền phải bồi thường còn lại là gần 424 triệu.

Sau đó, bị đơn và một người liên quan là chấp hành viên kháng cáo.

Tòa phúc thẩm nhận định, trường hợp của nguyên đơn giải quyết bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017. Các công văn năm 2002 của thi hành án đều đã tự xác định nghĩa vụ, trách nhiệm bồi thường do người thi hành công vụ gây ra.

Nguyên đơn trúng đấu giá tài sản nhưng không nhận được tài sản, đến nay cơ quan thi hành án không thể giao tài sản nên ông H yêu cầu bồi thường giá trị tài sản bằng tiền là có căn cứ.

Theo tòa, Điều 29 Nghị định số 86/1996 (về việc ban hành quy chế Bán đấu giá tài sản) quy định về chịu rủi ro: “Đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, thì người bán tài sản chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu cho người mua, người mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, kể cả khi người mua chưa nhận tài sản".

Trong trường hợp này, người bán tài sản là cơ quan thi hành án, tài sản quy định phải đăng ký quyền sở hữu nên bên bán tài sản là cơ quan thi hành án phải chịu rủi ro. Vì vậy, kháng cáo về người chịu rủi ro của bị đơn và người liên quan không được chấp nhận.

Bên bán tài sản là cơ quan thi hành án, theo đó, nghĩa vụ giao tài sản là của cơ quan thi hành án, cơ quan thi hành án không nhận được thông báo của ngân hàng tức là không có sự kiện nào làm căn cứ tạm dừng hay chấm dứt việc giao tài sản đã bán đấu giá. Vì vậy, bị đơn nói do lỗi của ngân hàng là không có căn cứ.

Về trách nhiệm bồi thường, có hai chấp hành viên, người này nói trách nhiệm của người kia, tòa cho rằng trường hợp này thì pháp nhân phải bồi thường, sau đó pháp nhân có quyền yêu cầu người có lỗi phải trả lại. Từ đó, tòa phúc thẩm cho rằng, bản án sơ thẩm đã xử là đúng pháp luật, kháng cáo của bị đơn và người liên quan không được chấp nhận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm