Đại diện Vietjet cho rằng hiện nay họ hoàn toàn không có mặt bằng tại các sân bay, công ty phục vụ mặt đất, công ty cung ứng trực thuộc hãng... Trong khi đó, cơ chế tuyển dụng và khuyến khích nhân viên của Vietjet là doanh nghiệp tư nhân so với doanh nghiệp nhà nước có sự khác biệt. Để hướng tới một mục tiêu, tiêu chuẩn dịch vụ tốt hơn theo tiêu chuẩn "bốn xin" và "bốn luôn" mà bộ phát động, Vietjet mong muốn các công ty dịch vụ mặt nước tiếp tục hợp tác để tạo điều kiện cho Vietjet cùng tham gia tuyển chọn những nhân viên phục vụ cho những chuyến bay của Vietjet...
Bên cạnh đó việc kiểm soát hao hụt xăng dầu chưa hiệu quả: "Hiện một công ty con của Vietnam Airlines đang nạp nhiên liệu cho Vietjet và tỉ lệ hao hụt, thất thoát xăng dầu lên đến 2%, dự kiến ngân sách nhiên liệu của Vietjet năm nay khoảng 6.000 tỉ đồng. Nếu hao hụt 2% doanh nghiệp mất 120 tỉ đồng, làm ảnh hưởng doanh nghiệp...". Đại diện Vietjet nói.
Trong khi đó, đại diện Jetstar Pacific Airlines (JPA) cho biết, hiện nay chi phí nhiên liệu bay của Jetstar Pacific Airlines chiếm tỷ trọng 40%-45% trên tổng chi phí khai thác. Trong 3 tháng đầu năm 2015 giá nhiên liệu bay (Jet A1) giảm sâu so với 2014, mức hiện nay khoảng 70 USD/thùng. Tuy nhiên, mức thuế nhập khẩu lại tăng lên 25%.
Vị này cũng cho rằng trong tình hình khó khăn và cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì việc nộp thuế nhập khẩu nhiên liệu 25% là một gánh nặng tài chính đối với hãng hàng không. Để tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ JPA và các hãng hàng không, JPA kiến nghị Bộ giao thông vận tải, Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu xăng dầu hàng không xuống còn 7%.
Ngoài ra, hiện tại Bộ Tài chính đã có chủ trương tăng thuế môi trường từ 1000đ/lít lên 3000đ/lít. Với mức tăng này làm ảnh hưởng đến chi phí của JPA dự kiến trong năm 2015 là gần 150 tỷ đồng. Đề nghị BGTVT, BTC cho phép hãng hãng hàng không đưa thuế môi trường này vào cơ cấu giá vé. Hiện Jetstar Pacific Airlines gặp khó khăn trong hoạt động dịch vụ.
Cụ thể, nhà ga phòng chờ nhỏ, khách không có ghế ngồi chờ nếu chuyến bay bị chậm. Đối với khách tàn tật, chỉ phục vụ được xe lăn mặt đất vì sân bay không có xe nâng hành khách sử dụng xe lăn lên máy bay.Trong phòng chờ tại cửa ra máy bay chưa có chỗ ngồi riêng cho người già yếu, khách tàn tật, phụ nữ có thai. Đồng thời, hãng cũng không có khu vực phục vụ ăn uống (nhà hàng) tại sân bay để phục vụ khách trong trường hợp chuyến bay bị chậm kéo dài.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng, Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu ghi nhận những kiến nghị của các hãng hàng không. "Những kiến nghị của các hãng hàng không sẽ là cơ sở để bộ để xây dựng các văn bản, kiến nghị phù hợp hơn"- ông Tiêu nói.