'Có tiền mà không giải ngân là có lỗi với dân'

(PLO)- Gần bốn năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền Trung và Tây Nguyên được cải thiện, giảm nghèo hiệu quả.

Ngày 9-11, tại TP Pleiku (Gia Lai), Ủy ban Dân tộc tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Hội nghị nhằm đánh giá Chương trình giai đoạn I 2021-2025 và đưa ra giải pháp, định hướng cho giai đoạn tiếp theo 2026-2030.

Đời sống người dân được cải thiện

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 nhấn mạnh: Chương trình đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt, triển khai thực hiện được gần bốn năm trên địa bàn 49 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vùng dân tộc thiểu số miền núi, trong đó có 16 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Ảnh: LK.

Đây là chương trình xây dựng mới hoàn toàn và bước đầu đi vào hoạt động. Do đó, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương và các bộ, cơ quan trung ương đã quyết tâm cao, tích cực xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách để hướng dẫn, tổ chức thực hiện chương trình ở các cấp.

Thời điểm này, các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên đang tích cực tổ chức triển khai các dự án, tiểu dự án. Qua bốn năm thực hiện, các tỉnh đã có những kết quả tiến bộ nhất định về các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ; kết quả giải ngân các nguồn vốn của Chương trình.

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, khu vực miền Trung và Tây Nguyên có trên 3,6 triệu người thuộc 53 dân tộc thiểu số (DTTS). Trong giai đoạn 2021-2024, các tỉnh được giao hơn 22.000 tỉ đồng và đã giải ngân gần 13.000 tỉ đồng, tương đương 60,6%. Một số tỉnh trong khu vực giải ngân cao gồm: Ninh Thuận, Khánh Hoà, Bình Định; một số tỉnh có tỉ lệ giải ngân thấp: Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Quảng Bình...

Trong chín nhóm mục tiêu được Quốc hội giao, đã có tám nhóm thực hiện có kết quả khả quan. Cụ thể, có bốn nhóm cơ bản đã hoàn thành, gồm: tỉ lệ giảm nghèo trong đồng bào DTTS; lĩnh vực giáo dục; bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống và thu nhập bình quân/người.

Cụ thể, mục tiêu giảm nghèo 3%/năm và đến nay đạt bình quân đạt 5,2%/năm; thu nhập bình quân đạt 34,5 triệu đồng/người/năm (tăng 2,5 lần so với đầu giai đoạn); số thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 88%; trạm y tế được xây dựng kiên cố trên 98%.

Một số chỉ tiêu quan trọng khác như: đã giải quyết đất ở cho 1.524 hộ dân, xây nhà ở cho 14.312 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 2.189 hộ, chuyển đổi nghề cho 17.256 hộ, đào tạo nghề cho khoảng 37.901 người.

Chương trình đã góp phần rất quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đặc biệt là các địa phương có vùng đồng DTTS. Các chính sách, nguồn lực của chương trình đã tập trung đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm... góp phần nâng cao chất lượng công tác xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Hoàn thành xây nhà dột nát cho hộ nghèo

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình, đánh giá cao những quyết tâm, nỗ lực, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân 16 tỉnh trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

“Chúng ta đã ban hành một chương trình rất đúng, rất trúng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng với vùng DTTS, vùng khó khăn. Lâu lắm chúng ta mới có một chương trình toàn diện như thế này. Trong giai đoạn đầu, đời sống của đồng bào nâng cao đáng kể, số hộ nghèo giảm, hạ tầng phát triển, diện mạo miền núi thay đổi rất nhiều, nhiều chính sách nhân văn đến với người dân, tạo niềm tin của đồng bào đối với Đảng”, Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, chương trình còn nhiều tồn tại, hạn chế do mới, chưa có kinh nghiệm nên quy định về pháp luật ở nhiều địa phương còn vướng, chồng chéo không sát thực tế…

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LK.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, chính sách của chúng ta là khuyến khích thoát nghèo, nhưng cũng có những chính sách vô tình khiến người ta không muốn thoát nghèo, ở lại nghèo để hưởng chính sách. Có nơi, vừa ra khỏi xã nông thôn mới, cả nghìn hộ không được hưởng chính sách gì cả, trong khi người dân chưa thực sự thoát nghèo bền vững…

Theo Phó Thủ tướng, những vấn đề giải quyết sinh kế, nhà ở, đất sản xuất cho người dân là vấn đề cấp thiết nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Trong giai đoạn tới, cần phải ưu tiên hàng đầu việc giải quyết sinh kế, thoát nghèo bền vững cho người dân.

"Quyết tâm chính trị là năm 2025 toàn bộ nhà dột nát, nhà hộ nghèo, nhà dân chính sách là phải hoàn thành 100% để chúng ta bước vào Đại hội với khí thế chăm lo cho người nghèo đến nơi đến chốn", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đề xuất cơ chế phân bổ vốn linh hoạt

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Chương trình tại địa bàn tỉnh Gia Lai còn có một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể như việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu người dân giai đoạn này do cơ chế còn nhiều vướng mắc; tiến độ triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần còn chậm; tỉ lệ giải ngân kế hoạch vốn được giao còn thấp, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp còn rất thấp, chỉ đạt 34%.

Qua đó, đề xuất Trung ương xem xét hoàn thiện các cơ chế, chính sách triển khai Chương trình giai đoạn II từ năm 2025 để địa phương kịp thời triển khai thực hiện, khắc phục những khó khăn, vướng mắc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới