Sáng 14-11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khai mạc phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến, quyết định nhiều nội dung quan trọng.
Đáng chú ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của 12 tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP.HCM, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
Dôi dư 123 người ở cấp huyện, 3.342 ở cấp xã
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay Chính phủ đề nghị thực hiện sắp xếp, thành lập đối với 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 361 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 5 đơn vị hành chính cấp huyện và 200 đơn vị hành chính cấp xã mới của 12 tỉnh, thành phố. Sau sắp xếp, giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 161đơn vị hành chính cấp xã.
Ngoài ra, 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Trị đề nghị không thực hiện sắp xếp 8 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện do yếu tố đặc thù và chưa thực hiện sắp xếp do có các lý do khác.
10 tỉnh, thành phố gồm Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP.HCM, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc đề nghị không thực hiện sắp xếp 258 ĐVHC cấp xã .
Cũng theo Bộ trưởng Nội vụ, việc tổ chức, kiện toàn các cơ quan, đơn vị và chức danh lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của các ĐVHC mới thành lập thực hiện theo quy định của Đảng, Điều lệ của tổ chức và của pháp luật hiện hành, không có vướng mắc.
12 tỉnh, thành phố đều đề nghị giữ nguyên trạng các cơ sở giáo dục để bảo đảm đủ cơ sở vật chất trường, lớp cho học tập của học sinh trên địa bàn.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin khi thực hiện sắp xếp sẽ dôi dư 136 cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp huyện; cấp xã dôi dư 3.342 người.
UBND 12 tỉnh, thành phố đã xây dựng phương án chi tiết để bố trí, sắp xếp và giải quyết đối với số cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư theo đúng quy định.
Các Đề án cũng đã rà soát, thống kê số lượng trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp. Theo đó: cấp huyện dôi dư 9 trụ sở; cấp xã dôi dư 329 trụ sở. UBND 12 tỉnh, thành phố cũng đã xây dựng phương án chi tiết để xử lý số lượng trụ sở, tài sản công dôi dư theo đúng quy định.
Tiếp tục xây dựng phương án sắp xếp các ĐVHC thuộc diện bắt buộc mà chưa sắp xếp
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay Ủy ban này cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, phương án giải quyết trụ sở, tài sản công tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp của 12 tỉnh, thành phố như Đề án của Chính phủ.
“Về cơ bản, các ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp đều được Chính phủ, chính quyền địa phương cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng để xây dựng phương án sắp xếp hoặc có giải trình cụ thể”- ông Tùng nói.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, có 10 địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp đối với một số ĐVHC cấp huyện và cấp xã. Trong đó, đối với cấp huyện, Phú Thọ để lại 3/3 đơn vị; Quảng Trị để lại 2/2 đơn vị.
Đối với cấp xã, Hà Nội để lại 102/169 đơn vị; Phú Thọ để lại 47/67 đơn vị; TP.HCM để lại 43/120 đơn vị; Hà Tĩnh để lại 42/53 đơn vị...
Qua rà soát, Ủy ban Pháp luật thấy rằng phần lớn các lý do mà Chính phủ, chính quyền địa phương các tỉnh, thành nêu để chưa thực hiện sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2023 - 2025 còn tương đối chung chung, chưa đủ cơ sở để đánh giá mức độ ảnh hưởng, tác động, chưa bám sát quy định của Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030) và Nghị quyết số 1211 (về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC).
Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ có liên quan và chính quyền địa phương tiếp tục nghiên cứu xây dựng phương án sắp xếp phù hợp đối với các ĐVHC thuộc diện bắt buộc sắp xếp mà chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 – 2025; xây dựng phương án và lộ trình hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện cần thiết để bảo đảm thực hiện sắp xếp trong giai đoạn tiếp theo theo đúng quy định.
Phương án sắp xếp, thành lập ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, thành phố
1. An Giang: Sắp xếp 2 ĐVHC cấp xã để hình thành 1 phường mới; sau sắp xếp giảm 1 ĐVHC cấp xã.
2. Đồng Tháp: Sắp xếp 4 ĐVHC cấp xã để hình thành 2 ĐVHC cấp xã mới; sau sắp xếp giảm 2 ĐVHC cấp xã.
3. Hà Nam: Thành lập 1 thị xã trên cơ sở nguyên trạng 1 huyện (thị xã Kim Bảng) và sắp xếp 29 ĐVHC cấp xã để hình thành 18 ĐVHC cấp xã mới; sau sắp xếp, giữ nguyên số lượng ĐVHC cấp huyện, giảm 11 ĐVHC cấp xã.
4. Hà Nội: Sắp xếp 109 ĐVHC cấp xã để hình thành 56 ĐVHC cấp xã mới; sau sắp xếp giảm 53 ĐVHC cấp xã.
5. Hà Tĩnh: Sắp xếp 4 ĐVHC cấp huyện và 23 ĐVHC cấp xã để hình thành 3 ĐVHC cấp huyện và 16 ĐVHC cấp xã mới; sau sắp xếp giảm 1 ĐVHC cấp huyện và 7 ĐVHC cấp xã.
6. TP.HCM: Sắp xếp 80 phường để hình thành 41 phường mới; sau sắp xếp giảm 39 phường.
7. Phú Thọ: Sắp xếp 31 ĐVHC cấp xã để hình thành 13 ĐVHC cấp xã mới; sau sắp xếp giảm 18 ĐVHC cấp xã.
8. Quảng Ngãi: Sắp xếp 9 ĐVHC cấp xã để hình thành 6 ĐVHC cấp xã mới; sau sắp xếp giảm 3 ĐVHC cấp xã.
9. Quảng Trị: Sắp xếp 13 ĐVHC cấp xã để hình thành 7 ĐVHC cấp xã mới; sau sắp xếp giảm 6 ĐVHC cấp xã.
10. Sơn La: Thành lập 1 thị xã trên cơ sở nguyên trạng huyện (thị xã Mộc Châu) và sắp xếp 30 ĐVHC cấp xã để hình thành 26 ĐVHC cấp xã mới; sau sắp xếp giữ nguyên số lượng ĐVHC cấp huyện và giảm 4 ĐVHC cấp xã.
11. Trà Vinh: Sắp xếp 3 phường để hình thành 1 phường mới; sau sắp xếp giảm 2 phường.
12. Vĩnh Phúc: Sắp xếp 28 ĐVHC cấp xã để hình thành 13 ĐVHC cấp xã mới; sau sắp xếp giảm 15 ĐVHC cấp xã.