Có tình trạng ‘chạy theo thành tích’ để đạt chuẩn nông thôn mới

(PLO)- Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết tình trạng “chạy theo thành tích” để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới dẫn đến hiệu quả bền vững của công tác giảm nghèo phần nào còn hạn chế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp 6, sáng 30-10, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (QH) Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của QH về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của QH về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo ông, đây là lần đầu tiên QH giám sát giữa kỳ, đồng thời với ba Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là các chương trình mục tiêu), có phạm vi rộng, cùng với những yêu cầu đổi mới, Đoàn giám sát đã giải quyết nhiều nhiệm vụ, khối lượng công việc lớn với cách tiếp cận và cách làm mới phù hợp.

"Việc xác định nội dung trọng tâm là giám sát, đánh giá tiến trình chính sách và công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện là hướng đi đúng đắn, nhất là trong bối cảnh các chương trình đang bị chậm tiến độ theo mục tiêu, yêu cầu đề ra" - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH nêu.

Có tình trạng ‘chạy theo thành tích’ để đạt chuẩn nông thôn mới
Ngày 30-10, QH thảo luận về các kết quả thực hiện Nghị quyết về các Chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: PHẠM THẮNG

Nhiều kết quả tích cực

Đoàn giám sát của QH đánh giá cả ba chương trình bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, bám sát các Nghị quyết của QH; cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội vùng nông thôn, miền núi được cải thiện. Kết quả giải ngân đã có tiến bộ trong năm 2023, nhất là nguồn vốn đầu tư.

Tính đến 30-6-2023, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới, 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

Năm 2021, tỉ lệ hộ nghèo giảm 0,52% so với năm 2020, tuy chưa đạt mục tiêu QH giao nhưng đây là những nỗ lực đáng ghi nhận trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo giảm 1,17% và ước thực hiện năm 2023 giảm 1,1%, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết 24/2021 của QH đã đề ra.

Trong đó, chương trình giảm nghèo bền vững đã cơ bản thực hiện đạt mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo, tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số hằng năm theo Nghị quyết 24 đề ra; bước đầu cải thiện mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.

Đối với Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã tích hợp trên 118 văn bản chính sách dân tộc ở giai đoạn trước. Bước đầu thực hiện đã khắc phục được tình trạng manh mún, dàn trải để tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết những vấn đề cấp thiết về kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng đặc biệt khó khăn…

chuẩn nông thôn mới
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (QH) Y Thanh Hà Niê Kđăm. Ảnh: PHẠM THẮNG

Khó hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH cũng cho biết ba chương trình mục tiêu quốc gia vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Đáng chú ý là việc chậm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành liên quan; nội dung chưa rõ ràng, khó thực hiện, có nội dung trích dẫn, dẫn đến nhiều văn bản khác.

“Phần lớn các văn bản ban hành đều có vướng mắc phải sửa đổi, bổ sung, nhất là Nghị định 27/2022 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình…” - ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nói.

Đoàn giám sát cũng đánh giá còn có sự chồng lấn về địa bàn, nội dung thực hiện các chương trình (nhất là Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình dân tộc) ở các tỉnh vùng dân tộc thiểu số. Kết quả giảm nghèo chưa đạt được mục tiêu đa chiều, chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao…

Nguồn vốn bố trí chưa tương xứng so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương cả ba chương trình còn chậm, nhất là vốn sự nghiệp. “Khả năng hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn ngân sách trung ương đến năm 2025 là rất khó khăn” - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH cho biết.

Cũng theo ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, quá trình thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, tại các huyện nghèo mới chỉ quan tâm đánh giá việc giảm tỉ lệ hộ nghèo, chưa đánh giá thực chất mức tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm.

Trong công tác giảm nghèo nói chung còn có tình trạng một số địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi “chạy theo thành tích” giảm nghèo đa chiều để phấn đấu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều tiêu chí quan trọng về chất lượng cuộc sống của người dân chưa được cải thiện, nâng cao một cách thực chất, bền vững sau khi đạt chuẩn nông thôn mới...

Các tồn tại, hạn chế, vướng mắc chung và của từng chương trình như trên, trước hết trách nhiệm thuộc về Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương, mà chủ yếu là các cơ quan chủ chương trình (Bộ NN&PTNT, Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban Dân tộc), các bộ, ngành liên quan (nhất là Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính).

"Ngoài ra, còn có trách nhiệm thẩm tra, giám sát, đôn đốc của QH, Ủy ban Thường vụ QH, các cơ quan của QH cũng như trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ quan các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các Chương trình" - ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm