Giảm nghèo bền vững: Quan tâm cả đô thị lẫn nông thôn

Chiều 23-7, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Vấn đề giảm nghèo bền vững được các đại biểu (ĐB) thảo luận sâu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (ĐB TP Hải Phòng) thảo luận tại tổ
vào chiều 23-7. Ảnh: Đ.MINH

Nâng cao dân trí là mấu chốt thoát nghèo

ĐB Trần Thanh Mẫn (Hậu Giang), Phó Chủ tịch thường trực QH, phát biểu: Giúp người nghèo cần câu chứ con cá người ta ăn một vài ngày hết. Xây dựng cho người ta căn nhà nhưng quan trọng hơn là hướng dẫn người ta sản xuất. “Đưa không khéo, không có hướng dẫn thì “ăn trước trả sau”, rất khó” - ông nói.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, cần tập trung hướng dẫn người nghèo cách sản xuất, kinh doanh, làm ăn, nâng cao trình độ học vấn vì người nghèo thì thường học vấn thấp.

“Nông thôn gia đình nghèo nhưng người ta tập trung lo cho con tốt nghiệp cấp 2, cấp 3 là thoát nghèo. Nâng cao dân trí, trình độ học vấn chính là mấu chốt của thoát nghèo” - ông nói.

Ông cũng đề nghị phải quan tâm chăm lo sức khỏe cho người nghèo để tránh tình trạng suy dinh dưỡng cho cả người già và trẻ em nghèo, nhất là người nghèo ở vùng sâu, vùng xa.

“Ở Mường Tè, tôi hỏi tỉ lệ hộ nghèo bao nhiêu, 92,5%. Tôi hỏi 7,5% còn lại ở đâu thì nói là cán bộ, công chức, viên chức của xã. Như vậy là nghèo toàn xã” - ông Trần Thanh Mẫn kể và nói QH rất ủng hộ cả hai chương trình của Chính phủ.

ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) nói chương trình giảm nghèo có đề cập đến việc “tạo điều kiện để người nghèo đi xuất khẩu lao động”. Từ thực tế địa phương, ĐB Gia nói những nhà có con đi xuất khẩu lao động cuộc sống được cải thiện tốt. Có những xã riêng tiền con em đi xuất khẩu lao động gửi về lên tới 400 tỉ đồng/năm. “Nhưng điều này cũng có nhiều hệ lụy như ly hôn, tệ nạn xã hội… Đề án này phải quan tâm đến hệ quả của nó” - ĐB Gia nói.

ĐB Đào Hồng Lan (Bắc Ninh) cho rằng: Cái khó của thoát nghèo bền vững là “tay nghề, trình độ, nhận thức”. Chúng ta có thể làm cho người nghèo quyết tâm vươn lên còn muốn có tay nghề, trình độ thì phải có học.

“Chính phủ phải có chiến lược và chương trình riêng về giáo dục vì không học thì không thể có tay nghề. Còn nếu chỉ hỗ trợ thì hết tiền hết sức lực, hết sức lực thì hết tiền, như thế thì không bền vững được” - ĐB Lan nêu quan điểm.

 

Xóa đói giảm nghèo bền vững, tôi tham gia nhiều chương trình của quốc tế, người ta làm rõ nội hàm của “bền vững” nhưng ta chưa làm rõ được.

Một trong những giải pháp để xóa đói giảm nghèo bền vững là phải dạy nghề, chuyển đổi nghề. Chúng ta nói nhiều nhưng làm được rất ít.

ĐB Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng)

Người nghèo đô thị cũng cần được quan tâm

ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM), đề nghị Chính phủ đánh giá sâu sắc thêm hiện trạng, vì dịch bệnh COVID-19 đã làm cho số người lao động mất việc, thiếu việc tăng cao, khiến cho một số hộ cận nghèo tái nghèo, những người nghèo càng khó khăn hơn.

“Không chỉ mất việc làm mà họ cũng đã sử dụng hết dự trữ. Về phía doanh nghiệp, cũng sẽ có nhiều doanh nghiệp không còn khả năng bố trí công ăn việc làm cho người lao động như cũ nữa” - ĐB Thúy cho hay.

Cho rằng trong bối cảnh như vậy, các chỉ tiêu đề ra trong các báo cáo là kém tính khả thi, ĐB Thúy đề xuất phân rõ thành nhiều nhóm đối tượng với mức độ nghèo và tình trạng lao động khác nhau như mất sức lao động, có sức lao động nhưng không làm việc, mất việc... thì mới có giải pháp thích hợp với từng nhóm đối tượng. Mặt khác, theo ĐB Diệu Thúy, những giải pháp giảm nghèo cần mang tính bền vững.

“Đào tạo lao động là một trong những giải pháp quan trọng theo hướng này nhưng cần đào tạo những kỹ năng chuyên sâu mà người lao động có thể ứng dụng để tìm kiếm những công việc cho thu nhập ổn định, tránh tình trạng đào tạo lấy được, chi rất nhiều tiền nhưng kết quả không tương xứng” - ĐB Thúy phân tích.

ĐB Vũ Hải Quân (TP.HCM) cũng đồng tình và đề nghị Bộ LĐ-TB&XH có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ GD&ĐT trong lĩnh vực này.

“Nên đề ra mục tiêu cụ thể về số lượng cá nhân được tham gia đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ hẳn hoi. Có thể phối hợp các hình thức hỗ trợ về tài chính, giáo viên, hỗ trợ tiếp cận công nghệ mới…” - ĐB Quân đề nghị.

ĐB Đỗ Mạnh Hiến (Hải Phòng) cho rằng: Cách xóa nghèo cũng cần phải xem xét lại và để cho địa phương có thể “sáng tạo”, đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn chung. Chẳng hạn, việc hỗ trợ nhà thì chủ yếu nói đến hỗ trợ nhà cho nông thôn, nhà xóa nghèo chống lũ. Nhưng với những địa phương, đơn vị mà tiêu chí nghèo có thể cao hơn thì sao. Chẳng hạn, có những địa phương còn có thể xây nhà ở cho công nhân nhập cư thì phải quan tâm.

ĐB Hiến đề nghị: “Phải có cơ chế đặc biệt trong xóa nghèo cho các địa phương”. •

 

Đưa người không thể thoát nghèo vào diện bảo trợ xã hội

Thảo luận về chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ (ĐB TP Hải Phòng) nêu: Đối tượng mới của chương trình lần này còn bao gồm cả những hộ mới thoát nghèo, có nguy cơ tái nghèo.

Chương trình có khác biệt một chút so với chương trình trước. Đó là có những hộ không thể thoát được nghèo do người ta có thể là khuyết tật, là năng lực lao động yếu… Hay những gia đình neo đơn, người già yếu thì dù có hỗ trợ thế nào cũng không thoát nghèo được.

Nếu cứ để mãi họ trong chương trình thì khó nên phải chuyển họ sang các chương trình khác, như chương trình bảo trợ xã hội.

Chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững lần này là tích hợp từ gần 200 chính sách hiện nay dành cho người nghèo và những vùng dân tộc thiểu số.

Mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo bền vững thì tập trung vào bố trí sắp xếp lại dân cư, tạo lập sinh kế cho người dân và thúc đẩy chính sách hỗ trợ cho các dân tộc rất ít người, như vậy thì các chương trình khác mới có thể triển khai đồng bộ được. Chẳng hạn như việc cung cấp điện. Nếu chỉ có vài ba hộ nghèo trên núi cao thì kéo điện lưới lên cũng khó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm