Tại văn bản này, VAFI cho rằng trong 10 năm qua, nhiều chủ trương, chính sách gắn cổ phần hóa với niêm yết chứng khoán đã được ban hành thông qua hàng loạt luật, nghị định, quyết định, nghị quyết..., trong đó có Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, hiệu lực Quyết định 51 còn chưa cao, vẫn còn hàng trăm doanh nghiệp (DN) không tuân thủ, cố tình trốn tránh việc niêm yết và người đại diện cổ phần chi phối Nhà nước tại các DN cổ phần hóa đã không thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ giao phó.
Nguyên nhân của tình trạng trên được VAFI lý giải là do người đại diện cổ phần nhà nước yếu kém năng lực và không thích sự minh bạch. Thậm chí có tình trạng không thích sự minh bạch để dễ dàng tham nhũng, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước và của cổ đông. Đặc biệt, VAFI nêu thực tế có những nhóm lợi ích ngăn cản việc DN cổ phần hóa niêm yết để làm cho cổ đông và nhà đầu tư mất lòng tin vào DN đó. Đây là cách thức hạ giá cổ phiếu, hạ giá tài sản để từ đó dễ dàng mua được toàn bộ cổ phần chi phối của Nhà nước với giá rẻ mạt thông qua con đường bán thỏa thuận hay bán đấu giá.
Bên cạnh đó có tình trạng ngăn cản việc niêm yết từ lãnh đạo Bộ chủ quản. Điều này xuất phát từ nhiều mục đích nhưng việc dễ thấy nhất là bổ nhiệm người thân không có năng lực vào các vị trí chủ chốt tại DN. Trường hợp tại Sabeco và Habeco là ví dụ điển hình.
Từ đó, VAFI đề xuất Chính phủ đưa ra chế tài nếu bất kỳ người đại diện cổ phần nhà nước nào không tuân thủ Quyết định 51, cố tình trốn tránh việc niêm yết thì tự động mất tư cách là người đại diện cổ phần nhà nước và khi đó các cấp có thẩm quyền sẽ cử người khác thay thế... Nếu thực hiện các giải pháp này, Nhà nước có thể thu thêm 15 tỉ USD từ tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn.