Sổ tay

Có trường đại học nào ở Việt Nam được tài trợ 5.000 tỉ chưa?

 Gây sốc bởi cho đến lúc này, chưa từng có một trường ĐH nào của Việt Nam nhận được số tiền tài trợ lớn như thế dù là từ nước ngoài hay trong nước.

Có một điều mà chúng ta đều thấy rõ khi so sánh ĐH Việt Nam với ĐH ở các nước tiên tiến trên thế giới. Đó là nguồn tài chính của ĐH chúng ta gần như phụ thuộc hoàn toàn vào học phí, trong khi đối với các ĐH ở các nước tiên tiến thì nguồn tài chính của họ có phần đóng góp khá lớn từ các nguồn tài trợ, hiến tặng của cá nhân cũng như doanh nghiệp. Nhờ vậy mà họ có nhiều nguồn lực trong việc đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập hơn.

Tại sao ĐH của chúng ta lại ít nhận được tài trợ, hiến tặng?

Có lẽ trước hết chúng ta phải nhìn lại việc quản trị ĐH của chúng ta. Quả vậy, khi hiến tặng hay tài trợ cho một trường ĐH nào đó, người ta thường nhìn vào mục tiêu của trường ĐH xem trường đó hướng đến điều gì, có thật sự theo đuổi việc phục vụ cộng đồng, phụng sự xã hội hay không? Hay trường đó chỉ nhằm tăng doanh thu, tăng lợi nhuận để phục vụ cho chính ĐH chứ không vì lợi ích của người học hay cộng đồng?

Việc thứ hai đó là sự minh bạch trong sử dụng tài chính. Một điều dễ nhận thấy là ở Việt Nam, chúng ta chỉ biết việc thu-chi chung chung và gần như không ai biết rõ thu nhập hằng tháng của ban giám hiệu, lãnh đạo hội đồng trường là bao nhiêu cả. Bên cạnh đó, khi thanh tra các trường ĐH công lập thì không ít trường hợp phát hiện những sai phạm liên quan đến tài chính của các trường này.

Phải chăng những điều trên đây khiến sự tin tưởng của cộng đồng vào việc sử dụng tài chính của các trường ĐH ở ta là rất thấp? Và liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân khiến ĐH ở ta hiếm khi nhận được tài trợ, hiến tặng hoặc nếu có thì cũng với mức khiêm tốn?

Vì vậy, để có thể nhận được sự tài trợ, hiến tặng từ cộng đồng cũng như doanh nghiệp, các trường ĐH ở ta trước hết phải làm sao để xã hội thấy rằng mình hướng đến phục vụ cho cộng đồng, cho xã hội trên thực tế chứ không phải trên văn bản. Thứ hai, ĐH ở ta cần phải minh bạch một cách chi tiết thu-chi của trường và phải cho cộng đồng nhìn thấy sự chi tiêu của trường là hợp lý, đáng tin cậy.

Hy vọng những thay đổi nói trên có thể tạo cú hích để các trường ĐH ở ta nhận được nguồn tài trợ nhiều hơn từ bên ngoài, nhất là từ những doanh nhân thành đạt. Và khi đó, các trường ĐH bớt phải chăm chăm tăng học phí như lâu nay nhằm giảm gánh nặng tài chính cho người học.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm