Từ những tư liệu mà PV báo Pháp Luật TP.HCM ghi nhận, lãnh đạo ngành đường sắt cho biết sẽ xử lý nghiêm, thậm chí sa thải các nhân viên có hành vi vi phạm.
Với nạn cò vé ở Ga Sài Gòn, lãnh đạo ngành đường sắt cũng đề nghị công an vào cuộc xử lý, đồng thời mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ việc làm cho nhóm cò.
Hoạt động ngày càng tinh vi
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Văn Hiền, Trưởng phòng An toàn - Bảo vệ - An ninh - Quốc phòng Công ty CP Vận tải đường sắt (VTĐS) Sài Gòn, cho biết trong nhiều năm qua, tình trạng cò vé hoạt động tại khu vực Ga Sài Gòn vẫn còn diễn ra, đặc biệt vào các đợt cao điểm phục vụ vận tải như hè, lễ, Tết…
Kể từ khi ngành đường sắt đưa vào hệ thống bán vé điện tử trực tuyến, cò vé đã giảm rất nhiều nhưng vẫn còn một số ít hoạt động và tinh vi hơn.
“Ngành đường sắt cũng như đơn vị sở tại là Ga Sài Gòn đã nắm bắt được vấn đề này và thường xuyên phối hợp với UBND quận 3, Công an phường 9 (quận 3) đưa ra các biện pháp xử lý. Tuy nhiên, vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để chấm dứt tình trạng trên” - ông Hiền cho hay.
Siết việc lên tàu, triệu tập tiếp viên có liên quan
Ngày 14-6, Công an quận 3 đã mời làm việc với chín người hành nghề cò vé tại Ga Sài Gòn để làm rõ, xử lý.
Còn Công ty CP VTĐS Sài Gòn cũng đã làm việc với những người được cho là có liên quan đến việc bắt tay với cò vé, đồng thời tổ chức siết chặt hơn việc kiểm soát hành khách lên tàu.
Công ty cũng sẽ tiến hành họp để tổng hợp hình ảnh, tư liệu, các nhân viên có liên quan đến việc kiểm soát vé vào ga, nắm thêm thông tin, chứng cứ… và sẽ xử lý nghiêm.
Ông Hiền cũng cho biết hiện nay Ga Sài Gòn cùng với Công an phường 9 đã xác định được một số người đang sinh sống trên địa bàn làm cò vé.
Chi nhánh VTĐS Sài Gòn là đơn vị đóng trên địa bàn Ga Sài Gòn, làm nhiệm vụ bán vé, đã thường xuyên phát thanh tuyên truyền, khuyến cáo hành khách không mua vé đi tàu qua cò vé để tránh mua phải vé giả, vé không hợp lệ, dẫn đến thiệt hại cho hành khách.
Xử lý nghiêm vi phạm
Đối với các tiếp viên trên tàu có dấu hiệu tiêu cực, tiếp tay, thông đồng, móc nối với cò vé quanh khu vực Ga Sài Gòn, ông Hiền cho hay đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, những người này vẫn cố tình hoạt động lén lút với nhiều hình thức khác nhau, rất tinh vi. Khi có đợt truy quét thì những người này không hoạt động.
Trước thực tế này, công ty đường sắt chỉ đạo và quán triệt cho cán bộ, nhân viên về ý thức, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp.
Cụ thể, nghiêm cấm mọi hành vi tiếp tay, thông đồng với cò vé để đưa hành khách không có vé hoặc có vé không hợp lệ lên tàu.
Trường hợp phát hiện các hành vi sai trái, công ty sẽ chỉ đạo đơn vị xử lý nghiêm khắc, không loại trừ việc sa thải.
Với nạn cò vé đã phản ánh, bà Trần Thị Hồng Lam, Phó Chủ tịch UBND phường 9, cũng cho biết trong những năm gần đây tình trạng cò vé ở Ga Sài Gòn còn diễn biến khá phức tạp.
Qua những phản ánh của người dân và Ga Sài Gòn thì chính quyền địa phương cũng đã đề nghị công an phường nắm bắt tình hình để có biện pháp ngăn chặn cò vé. “Theo các báo cáo của công an phường, hiện nay tình trạng này đã tạm lắng xuống nhưng vẫn còn một số cò vé hoạt động tinh vi hơn…” - bà Lam cho hay.
Bà Lam cũng cho biết trong thời gian tới chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đề nghị công an phường cùng lực lượng chức năng phối hợp với Ga Sài Gòn để chấm dứt tình trạng này.•
Ứng dụng công nghệ số để kiểm soát vé lên tàu
Nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân bằng phương tiện đường sắt và đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh, Công ty CP VTĐS Sài Gòn sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đóng trên địa bàn duy trì đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tính mạng, tài sản của hành khách đến ga mua vé đi tàu.
Công ty cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống tiêu cực “bao khách”, “bao hàng” trên tàu, dưới ga để đạt hiệu quả.
Mỗi cán bộ, nhân viên ngành đường sắt sẽ ký cam kết không thông đồng, tiếp tay cho cò vé.
Công ty cũng sẽ nghiên cứu ứng dụng công nghệ số trong công tác kiểm soát vé lên tàu để không còn hiện tượng tiêu cực.
Ngành đường sắt cũng sẽ tổ chức kiểm tra, kiểm soát, nắm bắt tình hình ngoài hiện trường. Đặc biệt, trong các đợt phục vụ vận tải cao điểm như lễ, Tết và thời gian hè để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi tiêu cực.
Công ty đề nghị Công an phường 9, quận 3, chính quyền địa phương tiếp tục sàng lọc cò vé để phường thực hiện theo dõi, giám sát đặc biệt. Đồng thời, kiến nghị cấp trên có các biện pháp chế tài, xử lý vi phạm ở mức cao hơn để răn đe các cò vé.
Công ty cũng mong muốn chính quyền địa phương cần có hướng giải quyết tạo công ăn việc làm cho các cò vé để đảm bảo cuộc sống, vì những người này đang thất nghiệp.
Công ty CP VTĐS Sài Gòn