LTS: Dù đã áp dụng nhiều biện pháp xử lý nhưng tình trạng cò vé tàu vẫn tồn tại ở Ga Sài Gòn. Nhiều thời điểm, số lượng cò vé tàu lên đến cả chục người, tập trung ngay bên trong nhà ga để mồi chài khách đi tàu.
Những người này hoạt động công khai, biến khu vực mua vé, chờ lên tàu thành điểm tập kết người đi tàu bằng “vé lụi”, họ móc nối với nhân viên đường sắt đưa khách lên tàu mà không cần phải mua vé tàu…
Hiện là thời điểm các đoàn tàu Bắc - Nam đang tất bật đưa đón người dân về quê, nghỉ hè, du lịch, cũng là thời điểm nhóm cò vé tàu tại Ga Sài Gòn (phường 9, quận 3) hoạt động hết công suất.
Nhóm người này tập trung ở Ga Sài Gòn từ sáng sớm đến tối, tiếp cận hành khách để mồi chài đi “vé lụi” mà không cần phải mua vé tàu theo quy định.
Cò vé tàu hoạt động công khai
Theo ghi nhận, vào chiều 26-4, tại khu vực Ga Sài Gòn có khoảng 10 cò vé tàu đang hoạt động. Nhóm này thường tập trung ở một cửa hàng thức ăn nhanh cạnh quầy bán vé rồi tiếp cận người bị trễ tàu hoặc không mua được vé tàu ngay trước mặt các lực lượng ở nhà ga.
Nhóm cò gần như hoạt động công khai ngay trước mặt các lực lượng ở nhà ga mà không hề có sự e ngại nào.
Thời điểm này có khoảng 20 hành khách bị trễ tàu hoặc không mua được vé tàu nên phải tìm đến nhóm cò hoạt động tại đây. Lượng khách đông, nhóm cò liên tục gọi điện thoại, đi ra đi vào hỏi thăm, trấn an khách đang ngồi đợi tới giờ tàu chạy.
Một số hộ kinh doanh tại Ga Sài Gòn cho hay mỗi ngày mỗi người trong nhóm cò có thể thu về vài triệu đồng từ việc làm cò vé tàu, móc nối bán “vé lụi”. Cò vé tàu tên Linh cho hay mỗi ngày kiếm được khoảng vài hành khách đi tàu bằng “vé lụi”. “Một khách chị kiếm chừng 100.000, 200.000 đồng thôi em ơi” - cò Linh nói.
Trong thời gian ghi nhận, chúng tôi nhận thấy các cò vé tàu tại Ga Sài Gòn đều có mối liên hệ với các nhân viên làm nhiệm vụ trên tàu. Khi cò tìm được “con mồi” sẽ gọi điện thoại cho nhân viên đường sắt đề nghị bố trí chỗ. Sau khi thỏa thuận xong xuôi, khách chỉ việc qua cổng soát vé sẽ có người đón lên tàu rồi trả tiền.
Theo tìm hiểu, cứ mỗi lần móc nối thành công một người đi “vé lụi”, mỗi cò vé sẽ được hưởng 100.000-500.000 đồng tùy quãng đường di chuyển.
Chiều 26-4, vé tàu lộ trình TP.HCM - Đà Nẵng đã bán hết nhưng một cò vé tên Châu (khoảng 40 tuổi) tiếp cận, chào mời: “Vé đi Đà Nẵng là 800.000 đồng cho ghế ngồi và 1,2 triệu đồng cho ghế nằm”.
Sau khi nắm thông tin từ chúng tôi, cò Châu gọi điện thoại cho ai đó, nói là cần một ghế ngồi trên chuyến tàu SE, xuất phát lúc 19 giờ.
Cứ mỗi lần móc nối thành công một người đi tàu bằng “vé lụi”, mỗi cò vé sẽ được hưởng 100.000-500.000 đồng tùy quãng đường di chuyển.
Đến 18 giờ 30, cò Châu đưa cho chúng tôi số điện thoại, nói là của nhân viên trên tàu tên Tuấn, dặn chúng tôi liên hệ để được đón lên tàu. Chỉ vài phút sau khi gọi điện thoại, chúng tôi được Tuấn đưa lên tàu và bố trí chỗ ngồi dù tàu đã bán sạch vé.
Tương tự, sáng 27-4, các chuyến tàu đi Phan Thiết đều hết vé nhưng các cò vé tại Ga Sài Gòn liên tục quảng cáo có suất đi tàu. Sau khi móc nối được với người đi tàu, cò vé tên Hai gọi điện thoại xác nhận với nhân viên trên tàu. Chỉ vài phút sau, người đàn ông tên Đức (nhân viên trên tàu) xuất hiện, dẫn khách hàng đi thẳng lên tàu mà chẳng cần qua cổng soát vé.
Đưa khách lên tàu không qua cổng soát vé
16 giờ ngày 26-4, PV có mặt tại cổng số 3 Ga Sài Gòn. Lúc này, cò vé tên Châu tiếp cận để mời mua “vé lụi”. Thấy chúng tôi đi Đà Nẵng, cò Châu nói có hai chuyến tàu còn vé (dù 10 phút trước đó, nhân viên tại quầy vé báo đã hết vé).
“Một người, ngồi 800.000 đồng, nằm thì 1,2 triệu đồng ở tầng 2. Nay có SE2 với SE4, một chuyến lúc 19 giờ 30, một chuyến lúc 21 giờ. Tàu đi một mạch…” - cò Châu nói.
Cò Châu hướng dẫn: “Lên tàu, tiền chuyển khoản luôn cho người ta. Nếu đi thì đưa CMND/CCCD cho chị lấy vé, lên tàu trả họ 1,2 triệu đồng. Không thì đặt cọc 200.000 đồng, lên tàu trả người ta 1 triệu đồng nữa là đủ”.
Sau đó, cò Châu dẫn chúng tôi vào một cửa hàng nơi có nhiều khách đi “vé lụi”. Tại đây, cò Châu bắt đầu gọi điện thoại cho các đầu mối, tìm “vé lụi” cho chúng tôi.
Qua điện thoại, cò Châu yêu cầu một suất đi tàu ghế ngồi chuyến Đà Nẵng trên tàu SE. Vài phút sau, cò Châu quay lại, báo đã lấy được chỗ trên tàu và yêu cầu đưa trước 200.000 đồng tiền đặt cọc. “Lên tàu có người đón lên, đưa 600.000 đồng còn lại cho họ là được, tầm 6 giờ chị đưa vé cho” - người phụ nữ này nói.
Đến 18 giờ 30, cò Châu gọi PV ra một góc vắng người rồi cho số điện thoại của người tên Tuấn và đưa chúng tôi lên tàu. Theo hướng dẫn của cò Châu cùng nhân viên tên Tuấn, chúng tôi trót lọt lên tàu.
5 giờ 50 ngày 29-4, sau khi kiểm tra, biết được chuyến tàu ga Sài Gòn - Đà Nẵng không còn vé. Tuy nhiên, ở bên ngoài, các cò vé vẫn bán “vé lụi” cho lộ trình này.
Thấy chúng tôi lang thang, người đàn ông tên Hiệp mặc trang phục của nhóm nhân viên bốc xếp tiếp cận, hỏi hành trình. Sau đó, ông Hiệp vừa gọi điện thoại vừa đến quán cà phê gặp một nhân viên đường sắt đang ngồi tại đây. Vài phút sau, ông Hiệp quay lại báo giá: “Giường nằm hai người hai giường giá là 1,1 triệu đồng/giường. Nhanh lên, tàu sắp chạy rồi” - ông Hiệp hối thúc.
Chúng tôi đồng ý với giá “vé lụi” mà ông Hiệp chào mời. Qua cổng soát vé, chúng tôi đi thẳng vào bên trong toa số 3 thì có một nữ nhân viên đường sắt đang đứng đợi. Thấy chúng tôi, người này hướng dẫn vào giường nằm số 25, 26.•
(Kỳ sau: Các chiêu trò mà cò vé và nhân viên giúp khách đi tàu bằng “vé lụi” trót lọt)
Móc nối đủ cách
Khách có nhu cầu có thể mua vé qua trang web của công ty đường sắt hoặc qua ứng dụng ví điện tử, app bán vé tàu trên thiết bị di động hoặc liên hệ tại các nhà ga, các điểm bán vé và các đại lý bán vé thuộc ngành đường sắt hoặc gọi đến tổng đài bán vé.
Hành khách mua vé tàu đều phải nhập đúng họ tên và số CCCD để ngành đường sắt tổ chức kiểm soát vé tàu, giấy tờ tùy thân của hành khách tại cửa vào ga và cửa toa tàu. Hành khách có thông tin cá nhân trong giấy tờ tùy thân trùng khớp với thông tin trên vé tàu mới được vào ga đi tàu.
Tuy nhiên, bằng nhiều cách, các nhân viên đường sắt móc nối cho khách đi tàu bằng “vé lụi” lên tàu. Trong một số trường hợp, nhân viên trên tàu đưa khách vào phòng của nhân viên sau khi tàu di chuyển. Một số khách đi ghế ngồi được bố trí ngồi ở ghế xếp hoặc ở các ghế trống trên toa. Trường hợp có khách xuống tàu sớm và dư ghế, giường, các nhân viên có thể chuyển khách đi tàu không có vé lên các vị trí đó.