VỤ “MỘT THANH NIÊN BỊ TẠM GIỮ VÌ CHẾ TẠO THUỐC NỔ”

Coi chừng đi tù vì trò nghịch dại

Ngày 21-8, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết vẫn đang tạm giữ Trần Tuấn Phát (18 tuổi, ngụ đường Trần Phú, phường 5, TP Vũng Tàu) để điều tra về hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ. Bạn của Phát là Y. - cùng đi chung trong lúc Phát thực hiện vụ kích nổ đã được cho về.

Chế thuốc nổ để bảo vệ Tổ quốc?!

Như báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin, khoảng 5 giờ 40 phút sáng 20-8, Phát và Y. lên khu vực đường Hải Đăng, Núi Nhỏ, TP Vũng Tàu. Khi tới nơi, Phát lấy ra một đoạn ống nhựa PVC dài khoảng 50 cm rồi bỏ thuốc nổ vào gần đầy, dùng giấy bịt lại, dùng dây cháy chậm kéo ra xa khoảng 50 m. Phát đặt ống nhựa trên tấm đan đường ống thoát nước sau đó kích nổ. Vụ nổ khiến tấm đan bằng bê tông bị vỡ. Sau đó Phát chở Y. chạy xuống núi thì bị các chiến sĩ Đại đội Pháo binh C36 giữ lại, bàn giao cho công an.

Tối 7-8, cũng tại vị trí trên Phát đã kích hoạt một ống nhựa PVC trong có chứa chất nổ Phát tự chế. Vụ nổ khá lớn nhưng không ảnh hưởng nhiều đến xung quanh.

Theo lời khai ban đầu, Phát mong muốn là người tiên phong chế tạo một loại tên lửa đánh chặn hiện đại để có thể bảo vệ Tổ quốc (?!). Phát là học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong, TP Vũng Tàu. Năm học vừa qua Phát thi rớt tốt nghiệp và dự kiến sẽ nhập ngũ. Phát nảy sinh ý định chế tạo thuốc nổ để thử nghiệm trước khi được đi bộ đội. Mấy tháng trước Phát lên mạng tìm tòi tự nghiên cứu cách thức chế tạo thuốc nổ. Sau đó Phát tìm mua vật liệu để về tự trộn, chế tạo ra thuốc nổ.

Mẹ Phát buồn rầu cho hay bà bất ngờ khi Phát bị bắt giữ. Từ nhỏ Phát đã có niềm đam mê với các loại vũ khí, người máy, sáng chế khoa học… Thời gian gần đây thấy Phát đưa về một số dụng cụ, vật liệu, gia đình hỏi thì Phát nói đang chế tạo một sản phẩm mới, không nói là chế tạo thuốc nổ. Do đó gia đình cũng không để ý. Đến khi công an đưa Phát về thực hiện lệnh bắt giữ, khám xét, gia đình mới hoảng.

Trần Tuấn Phát đang bị tạm giữ để điều tra. Ảnh: KHÁNH LY

Cần có sân chơi cho học sinh khám phá

Thầy Nguyễn Văn Quang - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong cho hay: “Trước đây Phát có định hướng chọn môn hóa làm môn thi tốt nghiệp. Nhưng sau do học kém môn này nên em chuyển qua lớp học chuyên về môn địa. Trường cũng có các phòng thí nghiệm nhưng học sinh chỉ được thí nghiệm theo hướng dẫn. Chúng tôi khá bất ngờ và lấy làm tiếc, lo lắng khi nghe Phát bị tạm giữ. Phát học không tốt nhưng lại có lòng đam mê tìm hiểu khoa học. Nếu được định hướng đúng tôi tin em sẽ phát huy được năng lực của mình”.

Theo một lãnh đạo Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đây là vụ việc thứ hai trong những năm gần đây cơ quan này xử lý, bắt giữ các học sinh, sinh viên tự ý mua vật liệu về chế tạo thuốc nổ sau đó mang thử nghiệm. Năm 2010, Văn Tấn Phước (khi đó 22 tuổi, ngụ thị trấn Long Điền, huyện Long Điền) cũng tự lên mạng Internet tìm hiểu cách thức chế tạo thuốc nổ, sau đó mua vật liệu về thử nghiệm. Phước đã dùng viên nổ dạng pháo gây ra năm vụ nổ tại TP Bà Rịa, không gây thiệt hại về người, tài sản lớn nhưng khiến dư luận hoang mang.

ThS Trần Đình Độ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM, cho biết: “Trong giờ thực hành, học sinh đặc biệt hứng thú các môn lý, hóa về chế tạo phi thuyền, hỏa tiễn, làm dầu gội đầu, làm nước Javen, làm pháo… Các buổi thực hành như thế này chỉ cần giáo viên khơi mào là học sinh háo hức muốn làm theo cho bằng được. Chính vì sự háo hức muốn thử nghiệm nhưng không được kèm cặp, hướng dẫn chặt chẽ nên thời gian qua đã xảy ra các vụ tai nạn đáng tiếc. Cách nay khá lâu một cậu học trò của tôi rất thích làm pháo, cậu này ngoài giờ học rất chú tâm vào việc này, tuy nhiên do không nắm được tỉ lệ pha chế các hỗn hợp lưu huỳnh và thuốc súng dẫn đến bị cụt ngón tay cái”.

Theo ThS Độ, trong chương trình giáo dục phổ thông sắp tới có đề cao việc trải nghiệm, khám phá, tìm tòi nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Ngay từ bây giờ các trường cần hình thành các câu lạc bộ chơi phi thuyền, hỏa tiễn, thực nghiệm cách chế tạo dầu gội, xà bông… để học sinh có nơi thử nghiệm. Các câu lạc bộ này cần giáo viên kèm cặp, hướng dẫn học sinh tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình và tỉ lệ gây phản ứng trong chừng mực cho phép. Đồng thời cần có không gian, sân bãi đảm bảo an toàn ở mặt đất và không gian để phát huy tính sáng tạo của học sinh như làm hỏa tiễn, phi thuyền.

Những vụ án đau lòng do tự chế thuốc nổ

- Trưa 30-5-2015, anh Vi Văn Vin (38 tuổi, ngụ bản Na Lượng 2, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) nhồi thuốc súng vào ống để đi săn. Bất ngờ thuốc súng phát nổ. Vụ nổ khiến anh Vin bị cụt hai chân. Chị Hà Thị Hương (41 tuổi, vợ anh Vin) đang ngồi bên cạnh bị chấn thương vùng mặt.

- Trưa 11-1-2014, bốn tiếng nổ lớn phát ra từ căn nhà 342/29/5 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP.HCM. Nguyên do cách đó hai ngày, Đoàn Trung Hiếu đã mua một số hóa chất lưu huỳnh, magiê... từ chợ Kim Biên về để chế tạo pháo với mục đích khi về quê ăn tết sẽ đốt. Trưa 11-1, khi Hiếu đang pha chế thuốc pháo thì số hóa chất trên đã gây ra vụ nổ rất mạnh. Vụ nổ khiến bốn sinh viên tử vong tại chỗ gồm: Ngô Quang Thiện (Gia Lai), Đoàn Trung Hiếu (Đắk Nông), Bùi Quốc Lợi (Cần Thơ) và Nguyễn Hoàng Nhân (Sóc Trăng).

- Đêm 26-7-2014, Võ Văn Hùng (SN 1979) và Võ Văn Mạnh (SN 1980, em ruột Hùng, cùng quê huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) chế 2 lạng thuốc nổ để đánh bắt cá. Trong khi ném bộc phá, bất ngờ quả “mìn” phát nổ khiến cả hai bị thương nặng ở vùng mắt, tay dập nát và bỏng khắp người. Cả hai được chuyển ngay đến BV Đa khoa Phan Rang cấp cứu rồi được chuyển lên BV Chợ Rẫy tiếp tục điều trị. Cả hai bệnh nhân đều bị bỏng khắp cơ thể, mắt bị vỡ.

____________________________________

Theo Điều 10 Nghị định 167/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng cháy và chữa cháy… cho thấy Phát đã vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, mức phạt cho hành vi sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng lên đến 40 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Điều 232 BLHS (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ) chỉ mô tả chung là: Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Như vậy thiết kế điều luật này cho thấy không cần mục đích, không cần hậu quả, chỉ cần có một trong các hành vi trên là có thể bị xử lý hình sự. Trong vụ này Phát đã thỏa mãn tới ba dấu hiệu cấu thành tội danh trên là hành vi chế tạo (có sổ ghi chép công thức và đã tạo ra mìn tự chế), tàng trữ (mua thuốc nổ và hóa chất về nhà) và sử dụng (đã kích nổ) vật liệu nổ.

Tuy nhiên, cùng một hành vi giống nhau nhưng chưa đến mức xử lý hình sự thì người vi phạm mới được áp dụng phạt hành chính.

Ông PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

T.TÙNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều