Với bản tính hiếu động, mùa hè là thời điểm lý tưởng cho trẻ khám phá những điều mới lạ khi thời gian ở nhà và đến các khu vui chơi nhiều hơn trong năm học. Do bận rộn, phụ huynh cũng có lúc lơ là dẫn đến trẻ gặp tai nạn thương tích không mong muốn.
Cẩn thận với ban công, cầu thang…
Trong tháng qua, các bệnh viện (BV) nhi tại TP.HCM có số lượng trẻ nhập viện do tai nạn thương tích gia tăng đáng kể. Trong đó có những trường hợp trẻ gặp tai nạn khá hy hữu, do phụ huynh thiếu quan sát, không can thiệp kịp thời như bỏng nước sôi, bỏng gas, hóc đồng xu, ngộ độc thuốc, té cầu thang, uống nhầm hóa chất…
Gần đây nhất, ngày 6-7, BS Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc BV Nhi đồng 2, thông tin BV vừa tiếp nhận và cứu sống kỳ diệu bé gái (bốn tuổi) do té từ chung cư lầu bảy xuống đất tại TP.HCM. Thời điểm xảy ra tai nạn mẹ bé đang tắm cho người con lớn, đến khi ra phòng ngoài thì không thấy con đâu. Một lúc sau, chị nghe có người hô hoán có em bé té lầu thì chạy xuống mới hay đó là con mình.
Bé được đưa đến BV trong tình trạng đa chấn thương, gãy tay, dập gan, chảy nhiều máu... Mẹ bé kể lại có thể do bé hiếu động đã chồng các thùng carton lên xe đồ chơi rồi trèo lên chơi, không may xe trượt bánh, đẩy bé rơi ra khỏi ban công.
Cách đây không lâu, BV Nhi đồng 2 cũng tiếp nhận bé trai NTP (15 tháng tuổi, sống ở Bình Dương) bị điện giật nguy kịch. Thời điểm xảy ra tai nạn trời đang mưa lâm thâm, bé trai một mình đi ra trước nhà và giẫm vào vũng nước nhiễm điện từ trụ điện tự chế do cha bé làm. Mẹ bé thấy con ngã xuống nên chạy lại ôm con thì cũng bị giật. Vừa kịp lúc cha bé ngắt cầu dao điện nên mẹ bé không sao. Bé trai sau khi được điều trị tích cực tại BV nay đã ổn định.
Bé trai bị điện giật được chăm sóc tại khoa Hồi sức cấp cứu BV Nhi đồng 2 (TP.HCM). Ảnh: HL
Đề phòng trẻ bị đuối nước
Liên quan đến tai nạn ở khu vui chơi, cũng tại khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) đã tiếp nhận hai trường hợp bệnh nhi bị ngạt nước, ngưng tim, ngưng thở. Cả hai bệnh nhi được tích cực điều trị tại khoa Hồi sức tích cực và Chống độc.
BS Hoàng Nguyên Lộc, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, cho biết đó là một bệnh nhi hơn hai tuổi và một bệnh nhi sáu tuổi. Trong đó, một bé bị ngạt nước ở hồ bơi công cộng và một bé bị ngạt nước ở hồ bơi tại nhà.
Tại BV Nhi đồng TP(TP.HCM), BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV, cho biết chỉ trong khoảng thời gian nghỉ hè gần đây, nơi đây cũng đã tiếp nhận hàng chục bệnh nhi trong các tình trạng chấn thương sinh hoạt như hóc dị vật, gãy tay, gãy chân do té, ngạt nước, bỏng, điện giật…
BS Nguyễn Văn Lộc, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 2, thông tin mỗi năm tại BV đều tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích. Trong đó chủ yếu là ngạt nước, gãy tay, gãy chân, thậm chí chấn thương sọ não vì té lầu, té gác.
Do vậy, mùa hè, phụ huynh cần đặc biệt để mắt quan tâm đến trẻ nhiều hơn.
Tai nạn cướp đi cả ngàn trẻ mỗi năm Theo thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2017, trung bình mỗi ngày có khoảng 580 trẻ em bị tai nạn thương tích, chủ yếu là tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, điện giật, bỏng... Tương tự, mỗi ngày cũng có hàng chục gia đình chịu mất mát, đau thương vì sự ra đi của con em họ do tai nạn thương tích. Tại TP.HCM, thống kê của Sở Y tế TP cho biết mỗi năm tai nạn thương tích cướp đi sinh mạng 250-300 trẻ em trong độ tuổi 1-14. Trong đó có nhiều tai nạn đau lòng chỉ vì một phút thiếu quan tâm của người lớn. |