Con tôi bị thấp tim do biến chứng viêm họng tái phát nhiều lần mà không được trị dứt điểm, nhưng viêm họng và bệnh tim không liên quan đến nhau tại sao lại dẫn đến biến chứng như vậy được?
Trả lời
Viêm họng, đặc biệt viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A không chỉ dẫn đến biến chứng nguy hiểm là bệnh thấp tim mà còn cả bệnh thấp khớp và viêm cầu thận cấp.
Tại sao viêm họng gây bệnh thấp tim?
Các dấu hiệu viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A thường thấy là đau họng dữ dội, không ho, sốt cao, khó nuốt, amidan sưng to, đỏ và có mủ; hạch cổ sưng to, đau...
Bệnh thấp tim là tình trạng viêm nhiễm ảnh hưởng đến các van tim, cơ tim và các mô khác trong tim. Từ đó gây ra các biến chứng nghiêm trọng như suy tim, đột quỵ, thậm chí tử vong.
Ngoài ra, các dấu hiệu của bệnh thấp tim còn để lại các biểu hiện ở hệ thần kinh (tuy ít gặp). Ở trẻ em, dấu hiệu ban đầu có thể là thay đổi tâm tính, hay cáu gắt, mệt mỏi, có thể kèm rối loạn như múa tay chân bất thường, nói khó, cầm đũa, bút viết hay rơi, viết xấu, không thẳng hàng.
Ai dễ bị biến chứng thấp tim do viêm họng?
Trẻ em từ 5 đến 15 tuổi là nhóm dễ mắc bệnh thấp tim nhất sau viêm họng. Tiếp đó là những người có tiền sử bị thấp tim, cơ địa nổi mề đay, bị hen phế quản, nổi chàm… hoặc có người thân trong gia đình mắc bệnh.
Ngoài ra còn có những người không được điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A bằng kháng sinh đầy đủ.
Cách phòng ngừa
Điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A bằng kháng sinh đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ, nhớ lịch tái khám. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Ngoài ra, nên tránh tiếp xúc với người bị bệnh và khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tim.
Đồng thời, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh, tuân thủ các chỉ định tiêm phòng cần thiết...
BS CKI LÊ HUY HIẾU