Còi tàu giữa đêm khuya

Điệu hò ai oán về khuya, dù không có lời yêu cầu của thính giả, liên hệ mật thiết với bản chất cơ tạng. Trên thực tế, sự xuất hiện bất ngờ nhưng càng lúc càng rõ nét của tiếng ngáy là triệu chứng báo động cho thấy có điểm nào đó trục trặc, nếu không thuộc bộ máy tim mạch như ở người rối loạn nhịp tim thì cũng thuộc hệ biến dưỡng như thường gặp ở người béo phì.

Còi tàu giữa đêm khuya ảnh 1
Tiếng ngáy trong giấc ngủ không những là dấu hiệu bất ổn của sức khỏe người đó mà còn ảnh hưởng không ít đến người xung quanh.

Phản ánh mức độ mệt mỏi thần kinh

Rất nhiều đối tượng của cuộc sống căng thẳng, nạn nhân của stress, có khuynh hướng sinh tật ngáy, như muốn mượn tiếng gầm gừ để giải tỏa nỗi ấm ức. Do đó không nên xem tiếng ngáy như âm thanh vô ích. Tiếng ngáy một khi vượt quá giới hạn nào đó về biên độ và cường độ chẳng khác nào tiếng kêu cứu của cơ thể đã bước qua lằn ranh mỏi mệt trong khi gia chủ còn mãi thờ ơ với sức khỏe.

Đã theo kiếp cầm ca thì nghệ sĩ nào cũng rõ phong độ khó tránh có lúc thăng trầm. Với “ngáy sĩ” cũng thế. Nếu quần áo thay đổi theo “mốt” thì tiếng ngáy cũng chuyển thể theo thời. Chữ thời trong tiếng ngáy nên được hiểu như tình trạng khỏe mạnh, thoải mái của gia chủ. Ai đã bỏ công theo dõi tiếng ngáy của người bạn đời sẽ ghi nhận tính chất đa dạng và linh động của giai điệu về đêm. Sau một ngày lao lực tối đa, tiếng ngáy nếu ồn ào hơn thường nhưng thông thoáng như sóng biển vỗ bờ thì thường khi chỉ là dấu hiệu cho thấy gia chủ đang tìm lại sinh lực trong cơn mộng lành. Ngược lại, nếu tiếng ngáy ken két chói tai thế nào, như thắng xe thiếu mỡ bò, như nấc nghẹn trong giấc ngủ hoặc chẳng khác nào liên khúc “hụt hơi” khiến người cùng sàng trăn trở với nỗi lo thâu đêm vì không biết người đang ngáy có nhớ hít vào lấy hơi hay lại quên… thở, thì đã đến lúc mang “ca sĩ” đến ngay thầy thuốc để luyện giọng thanh nhạc.

Dấu hiệu rối loạn biến dưỡng chất béo

Dưới góc nhìn định kiến theo kiểu đau đâu chắc bệnh gần đó, nhiều người vẫn tưởng hễ ngáy to thì cần đến bác sĩ tai mũi họng. Không sai nhưng thường… trật, vì bệnh tai mũi họng khiến phù nề thanh quản chiếm tỉ lệ rất thấp. Tiếng ngáy nghe muốn bệnh là dấu hiệu báo động cho hai căn bệnh nghiêm trọng gắn liền với rối loạn biến dưỡng chất béo. Đó là cao huyết áp và tiểu đường. Kiểm soát huyết áp, đo điện tim, xét nghiệm mỡ máu và đường huyết là biện pháp cần thiết khi ghi nhận tiếng ngáy ban đầu lưu luyến ấy, nay đã thành tiếng máy khoan giữa đêm trường. Sự thay đổi về cường độ, nhịp điệu và tiết tấu của điệp khúc ngáy là dấu hiệu phản ánh trung thực sức khỏe của gia chủ.

Trong cổ thư ngành Đông y có một số tiêu chuẩn để đánh giá khả năng của thầy thuốc. Nếu nhà điều trị được so sánh như “thần” nhờ khéo nhìn sắc diện thân chủ mà đoán được bệnh (vọng sắc chi thần) thì thầy thuốc có tài chẩn đoán bằng cách chỉ cần nghe tiếng được xem là thánh (văn thanh chi thánh). Tiếng dùng trong chẩn đoán là giọng nói, tiếng thở, tiếng ho… Thầy thuốc ngày xưa không phải không rõ giá trị định bệnh của tiếng ngáy nhưng đã không đề cập triệu chứng này vì không lẽ người bệnh phải ngủ trong phòng khám để thầy thuốc có dịp nghe tiếng mà đoán bệnh? Đúng là khó cho thầy thuốc nhưng lại quá dễ cho người phải chung chăn với nghệ nhân có tài thổi còi không cần tu-huýt.

Ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác

Theo nhiều tác giả nước ngoài, tiếng ngáy quá lố không chỉ có hại cho gia chủ mà còn bất lợi cho bạn đồng hành vì gây mất ngủ cho khách cùng phòng. Bằng chứng là nhiều người bị cao huyết áp, suy nhược thần kinh vì bạn đồng sàng.

Thành phố đang mỗi ngày chuyển mình trong nhịp sống với cao ốc chen vai san sát, càng lúc càng cao, đủ để nhiều chủ căn hộ có cảm tưởng cứ giơ tay là vớt được áng mây lững lờ ngoài khung cửa. Nhưng vì căn hộ cũng bắt chước lòng người nên vách càng lúc càng mỏng, đủ để gia chủ dù không muốn vẫn phải “chia sẻ” niềm tâm sự thâu đêm của bà hàng xóm đang giận chồng bội bạc, của ông hàng xóm luyện giọng không ngừng bằng karaoke sau khi đọc bản tin về tiền “cát-xê” của ca sĩ. Cũng vì thế mà nhà này ngáy nhà kia nghe.

Giọng ngáy đêm đêm sẽ tiếp tục là một phần của cuộc sống. Dù muốn hay không, dù ưa hay ghét, tiếng ngáy sẽ còn đó, như một điều đúng là không cần thiết nhưng không thể chối bỏ. Nếu nhại bài thơ “Thương nhớ bến đò Nam Định” của Tú Xương thì không lạ gì nếu người dân ở thành phố một thời mang tên Hòn Ngọc Viễn Đông lắm lúc chỉ còn tự thán theo kiểu: Đêm nghe tiếng ngáy bên kia/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG, Trung tâm Ôxy Cao áp TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm