“Cởi trói” cho giáo viên với dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung

(PLO)-  Theo Bộ GD&ĐT, mục tiêu quan trọng nhất của việc ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung là góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã đưa ra lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên (GV) mầm non, phổ thông.

Dự thảo có nhiều điểm mới, được nhiều người hoan nghênh, tán thành nhưng cũng có ý kiến chưa đồng tình ở một số điểm được đề ra trong dự thảo.

Dự thảo có nhiều điểm khá tích cực

Thầy Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Long Biên, Hà Nội), cho rằng dưới góc độ cá nhân, thầy Tuấn đánh giá dự thảo có nhiều điểm khá tích cực.

Theo thầy Tuấn, việc quy định GV phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng, đôi khi hơi máy móc, gây lãng phí và nặng về mặt thủ tục hành chính.

Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung của Bộ GD&ĐT đã phần nào “cởi trói”,tạo điều kiện cho cho giáo viên hơn. Ảnh: PHI HÙNG

Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung của Bộ GD&ĐT đã phần nào “cởi trói”,tạo điều kiện cho cho giáo viên hơn. Ảnh: PHI HÙNG

“Theo tôi, bỏ ở đây không phải là không cần, mà đối với GV trong việc công nhận chức danh nghề nghiệp mới tuyển thì cần phải thi để có nhưng nếu có chứng chỉ rồi sẽ không cần phải thi lại khi lên hạng mới. Vì vậy, việc bỏ quy định này là hoàn toàn hợp lý”.

Ông Nguyễn Đức Lượng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai, TP Hà Nội, cho rằng việc bỏ quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp GV cũng rất hợp lý.

“Nghề nào cũng có những yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp nhưng khi đưa vấn này thành tiêu chuẩn thì không cần thiết, dễ gây phản cảm trong dư luận nếu hiểu không đúng về bản chất vấn đề.

Các trường sư phạm khi đào tạo GV đã bảo đảm chuẩn đầu ra, trong đó có chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp nói chung và đạo đức nhà giáo nói riêng. Giống như đạo đức xã hội là chuẩn mực chung, phải là giá trị phổ quát cho mọi người, do đó không nên tách ra để xếp hạng một cách máy móc theo từng loại” - ông Lượng nói.

Chưa giải quyết tận gốc vấn đề

Cô Vũ Thị Hằng, GV Trường THPT Bình Sơn (Sông Lô, Vĩnh Phúc) cho rằng trước đây yêu cầu nhiều loại chứng chỉ mới đủ điều kiện để xét GV giỏi, chiến sĩ thi đua… Trong khi những chứng chỉ này không đánh giá hết năng lực hay trình độ của GV, gần như chỉ để hoàn thiện hồ sơ cho có.

Hoặc yêu cầu GV tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sĩ khiến nhiều GV phải đổ xô đi học. Tuy nhiên, theo cô Hằng, việc có bằng thạc sĩ chưa chắc đã nâng cao được trình độ chuyên môn nhưng GV vẫn phải học vì liên quan đến việc xếp hạng. Đây là những vấn đề thực tế và bất cập.

“Do đó, việc xóa bỏ quy định GV phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng đã tạo điều kiện thuận lợi cho GV rất nhiều” - cô Hằng nói.

Tuy nhiên, thầy Nguyễn Anh Tuấn lại có ý kiến khác. Theo thầy, cần xem xét lại vấn đề không yêu cầu GV tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sĩ.

Bởi GV đạt chức danh nghề nghiệp hạng I là mức độ cao nhất trong lĩnh vực ở từng cấp học, phải có những tiêu chuẩn nhất định, không nên xem nhẹ.

GV hạng I là những nhà giáo tiêu biểu, có sự nỗ lực về công tác chuyên môn cũng như công tác quản lý và các vấn đề liên quan trong thực hiện chức danh nghề nghiệp của mình. Vì vậy, cần thể hiện sự vượt trên chuẩn về nghiệp vụ, trình độ.

“Đây không phải là hình thức, GV hạng I ngoài việc làm tốt nhiệm vụ chính, họ như một chuyên gia trong ngành để có thể hướng dẫn, chia sẻ chuyên môn đồng nghiệp”.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Đình Huệ, Hiệu trưởng Trường THPT Chí Linh (Hải Dương), cho biết dự thảo đã giải quyết phần nào những khó khăn cho GV nhưng chưa giải quyết được tận gốc vấn đề.

Về vấn đề chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng, nếu Bộ GD&ĐT triển khai có thể đưa vào chương trình giảng dạy, đào tạo ở trường ĐH sư phạm.

“Nếu học các chứng chỉ này ở trong trường ĐH, sẽ học thật, thi thật, từ đó đảm bảo về mặt chất lượng. Còn nếu GV học bên ngoài đôi khi chỉ là hình thức đối phó.

Do vậy, trường hợp bắt buộc phải có các chứng chỉ liên quan thì nên đào tạo trong trường, quy định rõ về số tín chỉ rõ ràng” - thầy Huệ nói.

Theo thầy Huệ, hiện nay nước ta vẫn xem nặng vấn đề bằng cấp, việc đánh giá các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đều liên quan đến bằng cấp, điều này rất bất cập.

Vì vậy, thầy Huệ mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ có những chỉnh sửa lâu dài, không chỉ nhìn vào bằng cấp để đánh giá GV và mặc định cho rằng bằng thạc sĩ, tiến sĩ sẽ có trình độ chuyên môn tốt hơn bằng cử nhân.

“Mặt khác, dự thảo đề cập tới việc thăng hạng nhưng không đặt vấn đề xuống hạng.

Không chỉ dựa vào bằng cấp, thâm niên mà cần dựa vào thực tế, năng lực của GV thông qua kênh đánh giá của phụ huynh và học sinh. Về mặt lâu dài, theo tôi nên học hỏi các trường tư, họ trả lương bằng hiệu quả, năng lực thực tiễn của GV, yếu tố bằng cấp chỉ là phần rất nhỏ” - thầy Huệ nói.

Để đảm bảo thống nhất với quy định mới và khắc phục một số bất cập trong thực tiễn, Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương GV mầm non, phổ thông, với năm điểm mới đáng chú ý như sau:

1. Bỏ quy định GV phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng.

2. Bỏ quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp GV mầm non, phổ thông ở từng hạng chức danh nghề nghiệp.

3. Không yêu cầu GV tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sĩ.

4. GV được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm .

5. GV mầm non, phổ thông không cần nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp mới.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm