Con dấu: Chưa thể bỏ cái rụp

Quốc hội vừa thông qua Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi, có cải cách về con dấu.

Tự xài và tự chịu trách nhiệm

Theo Điều 44 Luật DN sửa đổi, “DN có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của DN nhưng phải bảo đảm nội dung con dấu thể hiện những thông tin sau đây: Tên DN, mã số DN”. DN phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh. Mẫu dấu của DN được đăng tải công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN.

Như vậy DN vẫn phải có con dấu chứ không bỏ.

Theo luật sửa đổi, DN sẽ tự thiết kế, khắc con dấu cho chính mình trước cả khi đăng ký kinh doanh. DN đóng dấu này trong hồ sơ thành lập DN. Sau khi nhận giấy đăng ký DN thì không cần đến cơ quan công an làm dấu nữa.

Theo Luật DN sửa đổi thì “con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu”; giao cho Chính phủ quy định chi tiết về con dấu.

Nhiều ý kiến thắc mắc: trường hợp nào phải dùng con dấu?

Ngay trong Luật DN cũng đã xác định một số trường hợp phải dùng con dấu của DN, ví dụ: cổ phiếu do công ty phát hành phải có chữ ký của người đại diện và con dấu; các quyết định của chủ tịch công ty phải được ký và đóng dấu.

DN vẫn phải có con dấu mà không cần đến cơ quan công an làm nữa. Ảnh: HTD

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng sẽ có những thủ tục hành chính cần DN đóng dấu. Xu hướng chung là DN tự khai, tự đóng dấu, tự chịu trách nhiệm. Vì vậy dùng dấu kiểu mới hay kiểu cũ thì như nhau cả thôi. Nếu cơ quan đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan... có nghi ngờ tính xác thực của con dấu thì tự truy cập vào hệ thống dữ liệu để đối chiếu với mẫu dấu mà DN đã đăng ký. Giữa các DN với nhau, nếu thấy cần dùng dấu thì cứ đóng, không cần thì khỏi đóng, từ từ sẽ quen với việc không cần đóng dấu trên hợp đồng, giấy tờ giao dịch nữa.

Cục cũng cho biết quan điểm mới về con dấu là DN được tự do sáng tạo. DN tạo hình logo, hình mặt trời, mặt trăng, bông hoa, lúa gạo... trên con dấu đều sẽ được chấp nhận cả. Đương nhiên là DN sẽ không được khắc các hình ảnh, ký hiệu không phù hợp thuần phong mỹ tục. Luật có quy định trên con dấu phải có mã số DN và tên DN, vậy là đủ đảm bảo các con dấu không trùng nhau về mặt kỹ thuật. Điều khó khăn cho chính các DN là vấn đề mỹ thuật. Làm sao con dấu của mình có “cá tính”, không trùng với các DN khác, không “cầm nhầm” logo, biểu trưng của DN khác để làm con dấu của mình, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Sau này sẽ bỏ hẳn

Cục cho biết từng đưa ra hai hướng cho cộng đồng DN và các chuyên gia góp ý: Một là bỏ luôn, hai là vẫn giữ con dấu nhưng cho DN tự quyết. Rất nhiều ý kiến cho rằng chưa thể bỏ con dấu ngay. Thực tiễn trên thế giới, các nước cũng bỏ con dấu theo lộ trình từ từ. Sau khi cân nhắc thì dự thảo trình theo hướng vẫn giữ con dấu nhưng DN có quyền tự quyết.

“Tư duy hiện nay của chính các DN khi giao dịch với nhau cũng còn đặt nặng con dấu, thấy con dấu mới dám tin. Con dấu bây giờ đang “thiêng” lắm! Vì vậy bỏ ngay cái rụp là xảy ra náo loạn ngay. Luật DN sửa đổi cho DN quyền tự quyết, để con dấu tròn, vuông, tam giác, “màu mè hoa lá cành” gì cũng được, rồi từ từ con dấu sẽ bớt “thiêng” đi. Sau đó sẽ đến giai đoạn bỏ luôn con dấu thì xã hội dễ chấp nhận, dễ thích ứng hơn” - đại diện Cục chia sẻ.

Thêm phí công khai con dấu?

DN sẽ thiết kế con dấu của mình theo hướng dẫn của Chính phủ (sẽ có nghị định hướng dẫn), đóng con dấu này lên mục “mẫu dấu dự kiến” và nộp hồ sơ xin lập DN.

Sau khi nhận giấy chứng nhận đăng ký DN thì DN phải nộp phí (hiện là 300.000 đồng) để đăng bố cáo DN (toàn bộ nội dung giấy). Mẫu dấu không thể hiện trên giấy. Vậy DN có phải trả thêm phí công bố mẫu dấu hay không?

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng có thể DN thành lập mới được công bố mẫu dấu chung với công bố thành lập DN, không thu thêm phí. Tuy nhiên, DN đang dùng con dấu theo quy định hiện hành mà đổi sang dùng con dấu do tự DN quyết định thì có thể phải làm thủ tục trả dấu cũ, thông báo mẫu dấu mới và trả phí công bố như các trường hợp thay đổi thông tin DN.

Không có chuyện bỏ con dấu DN

Không có chuyện bỏ con dấu DN như một số báo nêu. DN vẫn phải có con dấu. Theo quy định của Luật DN sửa đổi, việc làm con dấu DN sẽ do DN quyết định về hình thức, nội dung, kích cỡ… theo hướng dẫn của Chính phủ (Chính phủ sẽ có nghị định hướng dẫn cụ thể khi luật được thực thi). Tức là DN không phải làm con dấu theo mẫu của công an như lâu nay. Đồng thời, DN có thể có nhiều con dấu tùy nhu cầu sử dụng của DN thay vì chỉ được có một hoặc hai con dấu như hiện nay. Con dấu của DN phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh để theo dõi quản lý và giám sát.

Việc sử dụng con dấu tùy thuộc vào các bên giao dịch. Ví dụ, khi DN giao dịch với cơ quan nhà nước, cơ quan nhà nước yêu cầu giấy tờ đó phải đóng dấu DN thì DN phải sử dụng con dấu. Còn đối với các giao dịch ngoài nhà nước thì tùy vào sự thỏa thuận của các DN. Chẳng hạn như các hợp đồng xuất nhập khẩu liên quan đến DN nước ngoài mà thông thường họ không dùng con dấu và họ cũng không yêu cầu DN Việt Nam phải đóng dấu thì DN Việt cũng không phải dùng con dấu nhưng các giao dịch ấy vẫn đảm bảo giá trị pháp lý.

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, Viện trưởng Viện quản lý
kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), người trực tiếp soạn thảo Luật DN sửa đổi

T.HẰNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm