Sau bài viết Học thêm nhu cầu có thật, PLO tiếp tục nhận ý kiến của bạn đọc liên quan đến vấn đề này. Xin giới thiệu bài viết của tác giả Hà An
Tôi nghĩ cần phải xóa tình trạng dạy thêm, học thêm.
Theo tôi, kiến thức là vô tận nhưng việc dạy - học và thi cử hiện nay luôn trong tình trạng chạy đua nhau.
Học trò học càng nhiều, càng giỏi thì thi cử càng khó và ngược lại vì nếu đề thi nằm dưới lượng kiến thức của tụi nhỏ thì khó để đánh giá được. Đó cũng là lý do mỗi dịp cuối năm học, chúng ta lại “bất ngờ” về tỉ lệ học sinh khá giỏi chiếm gần tuyệt đối hay gần 100% học sinh đậu tốt nghiệp THPT.
Tôi cho rằng đó không phải là con số ảo mà là kết quả thật, nhưng các em đã phải đánh đổi quá đắt về thời gian, sức khỏe để có được thành tích đó.
Thực tế theo dõi học thêm bên ngoài nhà trường thời gian qua, tôi thấy đa số chỉ phục vụ cho việc học để đáp ứng thi cử hoặc để đối phó với giáo viên, với chương trình nặng chứ không phải nhu cầu ham học hỏi của học sinh.
Nếu làm một khảo sát nghiêm túc, tôi tin sẽ rất ít học sinh có nhu cầu học thêm thực sự vì không đứa trẻ nào muốn vùi đầu vào sách vở từ sáng, chiều rồi cả buổi tối lẫn các ngày cuối tuần. Việc học chương trình chính khóa ở lớp với các em đã quá áp lực rồi, cái các em cần thêm không phải là việc học kiến thức mà là cần được giải trí, rèn luyện sức khỏe, vui chơi…
Chưa kể, chính dạy thêm đã gây bất bình đẳng thu nhập giữa các giáo viên bộ môn từ việc dạy học, gia tăng việc học lệch, phân biệt môn chính môn phụ.
Nếu dạy thêm, học thêm là nhu cầu cần phải có thì tôi nghĩ chỉ nên duy trì thực hiện trong chính trường học chứ không phải tràn lan ngoài nhà trường như thời gian qua. Khi đó, việc dạy thêm chỉ đáp ứng cho hai đối tượng, một là bổ túc ngoài giờ cho học sinh yếu kém, hai là bồi dưỡng học sinh giỏi và năng khiếu. Cả hai đối tượng này đều không nên thu học phí, các trường sẽ trích quỹ lương để chi trả tăng thêm cho giáo viên phụ trách.
Bên cạnh đó, các trường cũng nên có nhiều các sân chơi bổ ích như câu lạc bộ, thể thao…để đáp ứng nhu cầu cho học sinh sau giờ học chính khóa.
Đó mới là mục đích chính của giáo dục hiện nay!