Bài 1: Trẻ bị mù do phát hiện trễ
Các bà mẹ sinh con thiếu tháng hoặc nhẹ cân coi chừng con dễ bị đục thủy tinh thể dẫn đến mù lòa.
Mới đây, chị NTH (27 tuổi, ở TP Biên Hòa, Đồng Nai) đưa con trai hơn bảy tháng tuổi đến khám mắt tại BV Nhi đồng Đồng Nai.
Chị H. trình bày với bác sĩ: “Vì bận kế sinh nhai, vợ chồng tôi gửi con cho bà ngoại nó cả ngày. Gần đây, bà ngoại cháu để ý mắt phải cháu giống như bị lé, thường chảy nước mắt”.
Những giọt nước mắt ân hận
Sau khi khám, BS Trần Thị Ngọc Thu, Trưởng khoa Mắt BV Nhi đồng Đồng Nai, cho biết mắt phải con trai chị H. bị đục thủy tinh thể (dân gian gọi là cườm khô). Nghe bác sĩ phán, chị H. sợ điếng hồn. BS Thu giải thích và lưu ý bà mẹ trẻ: “Chảy nước mắt, bỗng dưng bị lé là biểu hiện rõ nét của đục thủy tinh thể. Bên cạnh đó, đồng tử mắt phải của cháu có màu trắng (bình thường màu hồng) cũng là triệu chứng của đục thủy tinh thể”.
Sau khi trấn tĩnh lại, chị H. cho biết chị sinh non cháu khi chưa được 36 tuần tuổi. BS Thu cho biết trẻ sinh thiếu tháng có nguy cơ bị đục thủy tinh thể rất cao. Tuy nhiên, nếu phát hiện và điều trị càng sớm thì khả năng phục hồi sau khi điều trị rất tốt. Trường hợp mắt phải con chị H. bị đục thủy tinh thể đã hơn bảy tháng là hơi trễ, điều trị sẽ khó khăn hơn. Nghe BS Thu nói, chị H. chỉ biết nghẹn ngào và tự trách mình thiếu quan tâm đến cháu.
BS Ngọc Thu đang khám mắt cho một trẻ bị đục thủy tinh thể. Ảnh: TRẦN NGỌC
Chị LTM (ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) cũng mang nỗi ân hận tương tự. Con gái chị chưa đầy ba tuổi, gần đây mắt có biểu hiện hay nheo, nhìn sát khi xem truyền hình, bị chói ánh sáng từ bóng đèn… BS Thu khám và kết luận cháu bị đục thủy tinh thể cả hai mắt. “Tìm hiểu thêm tôi được biết con chị M. lúc sinh chỉ nặng 1,9 kg, thuộc nhóm nhẹ cân. Đục thủy tinh thể cũng dễ rơi vào trẻ nhẹ cân. Nếu chị M. đưa con đi khám sớm hơn thì bác sĩ chuyên khoa sẽ phát hiện mắt cháu có vấn đề để kịp thời điều trị. Nay con chị M. đã hơi trễ, dù bác sĩ cố gắng điều trị nhưng khó có khả năng phục hồi” - BS Thu cho biết.
Nhược thị hay mù vĩnh viễn
Theo BS Thu, hai câu chuyện nói trên là điển hình cho thấy con cái bị đục thủy tinh thể do cha mẹ thiếu quan tâm. Ngoài sinh non và nhẹ cân, trẻ sinh ra từ các bà mẹ có dùng thuốc tiểu đường, thuốc bướu cổ, xạ trị, nhiễm trùng, giang mai… trong thời gian mang thai cũng dễ có nguy cơ bị đục thủy tinh thể. “Các sản phụ rơi vào những trường hợp trên nên khám thai định kỳ. Sau khi sinh, thường xuyên đưa trẻ đến bác sĩ thăm khám để kịp thời phát hiện bệnh lý bất thường” - BS Thu khuyên.
Theo BS Thu, chỉ có thể điều trị đục thủy tinh thể cho trẻ bằng phẫu thuật và thời điểm tốt nhất để phẫu thuật là trong vòng ba tháng sau khi sinh. Tuổi của trẻ càng cao thì điều trị càng khó khăn vì lúc này trẻ có thể bị nhược thị (thấy mờ), dẫn đến mù vĩnh viễn.
TRẦN NGỌC
Nghiên cứu cho thấy gần 67% trẻ sinh thiếu tháng, gần 63% trẻ dưới 2 kg (nhẹ cân) bị đục thủy tinh thể. Nghiên cứu còn cho thấy trẻ bị đục thủy tinh thể có mẹ mắc bệnh lý thai kỳ rơi vào tháng thứ ba rất nhiều. Nếu sản phụ chịu khó khám thai định kỳ sẽ sớm phát hiện bệnh lý đục thủy tinh thể của thai nhi để xử lý kịp thời. BS TRẦN THỊ NGỌC THU, 10% Đây là tỉ lệ trẻ mù mắt do bị đục thủy tinh thể bẩm sinh trong tất cả trường hợp làm giảm thị lực ở trẻ. Mới đây, BS Trần Thị Ngọc Thu cùng BS Nguyễn Văn Tiến và điều dưỡng Nguyễn Thị Mai (khoa Mắt BV Nhi đồng Đồng Nai) hoàn thành đề tài nghiên cứu “Đặc điểm dịch tễ lâm sàng bệnh đục thủy tinh thể ở trẻ”. Đề tài khảo sát trên 48 bệnh nhi bị đục thủy tinh thể đến khám và điều trị tại BV. Nghiên cứu cho thấy đục thủy tinh thể là bệnh lý thường gặp ở trẻ em. |