Con mang tật bệnh do… cha mẹ - Bài cuối

Con nhức tai, tới ngay bệnh viện!

“Bác sĩ ơi, tai con tôi sao đầy mủ thế này?”. Người mẹ vạch tai cậu con trai khoảng ba tuổi. Dòng mủ xanh đục chảy tràn ra vành tai. BS Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai mũi họng BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cẩn thận thăm khám một lúc lâu rồi kết luận cháu bị viêm tai giữa cấp. Bệnh có thể gây ù tai hay nghe kém sau này.

Con ho mà bác sĩ nói viêm tai!

Khai bệnh với BS Sơn, người mẹ khoảng 30 tuổi (ở TP.HCM) thắc mắc: “Cách đây bốn ngày, con tôi có triệu chứng ho, sổ mũi, sốt… Tôi mua thuốc cảm cho uống. Hai ngày sau, cháu nói nhức tai, cứ lấy bàn tay bịt lỗ tai rồi nhảy tưng tưng rất lạ. Sáng nay, thấy tai cháu có mủ nên tôi đưa đến bệnh viện. Sao cháu ho, sổ mũi mà lại chuyển sang đau tai, thưa bác sĩ?”.

BS Sơn giải thích: Đây là hiện tượng bệnh khá phổ biến nhưng tiếc là nhiều bậc cha mẹ không biết. Do thời tiết thay đổi, trẻ dễ bị viêm đường hô hấp trên, gây sốt, ho, sổ mũi. 1-2 ngày sau màng nhĩ sẽ sưng, trẻ thấy đau lỗ tai. Để bớt đau, trẻ thường bịt tai và nhảy nhảy. Trong vòng 48 tiếng, nếu cha mẹ phát hiện và đưa đi điều trị kịp thời trẻ sẽ khỏi bệnh. Nếu điều trị trễ, tai trẻ bị bưng mủ, sau đó ổ mủ bị bể chảy ra ngoài. Lúc này trẻ bị viêm tai giữa cấp đã khá nặng nên có nguy cơ bị ù tai và nghe kém.

BS Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai mũi họng BV Nhi đồng 1, đang khám cho một trẻ bị viêm tai giữa. Ảnh: TRẦN NGỌC

Trẻ 1-3 tuổi dễ bị viêm tai giữa.

BS Sơn khuyên: “Các bậc cha mẹ khi thấy con thường bịt tai kêu đau thì nên nghĩ ngay trẻ đã bị viêm tai giữa, cần đưa đến bác sĩ ngay”. BS Sơn nói thêm: Với trẻ chưa biết nói, khi bị viêm tai giữa cấp trẻ thường khóc, bỏ bú, dụi tay lên tai.

Trẻ một khi đã bị viêm tai giữa rất dễ tái phát vì hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh. Trẻ sống trong môi trường ô nhiễm (sản xuất hóa chất, làm nhang, tái chế ve chai…) thì nguy cơ tái phát viêm tai giữa càng cao.

“Sát thủ thầm lặng”

Theo BS Sơn, còn một dạng viêm tai giữa nguy hiểm hơn gọi là viêm tai keo. Dạng viêm tai giữa này là “sát thủ thầm lặng” vì không hề có biểu hiện ra bên ngoài, đến khi cha mẹ phát hiện thì có thể trẻ đã bị điếc.

Giải thích với phóng viên, BS Sơn cho biết: “Trẻ mắc viêm tai keo không bị sưng màng nhĩ, không đau nhức, không chảy mủ. Tuy nhiên, dịch nhầy liên tục tiết ra trong tai khiến trẻ bị ù tai, một tai nghe nhỏ dần, nhỏ dần. Tình trạng trên kéo dài từ từ khiến trẻ quen với cảm giác nghe nhỏ, đến một lúc nào đó trẻ bị điếc hồi nào không hay”.

BS Sơn khuyến cáo: Trẻ một tuổi phải nói được từng từ như “cha”, “mẹ”, “chơi”… Nếu trẻ trong độ tuổi này chưa nói được từ nào, lại hay niểng một bên tai thì cha mẹ nên nghĩ ngay trẻ rơi vào trường hợp viêm tai keo, phải đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Trên thực tế, nhiều phụ huynh do thiếu hiểu biết hoặc thiếu quan tâm, thấy con đã hơn một tuổi không nói được lại bỏ qua. Đến khi con hai tuổi, cũng không nói được tiếng nào mới đưa đến bệnh viện nhưng lúc này đã quá muộn.

TRẦN NGỌC

Coi chừng biến chứng

Cấu trúc tai chia làm ba phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai giữa được tính từ màng nhĩ đến hòm nhĩ. Do sức đề kháng chưa hoàn chỉnh, lại dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh nên trẻ 1-3 tuổi rất dễ bị viêm tai giữa. Trẻ bị viêm tai giữa không điều trị kịp thời sẽ giảm thính lực, mất 1/3 sức nghe.

Trẻ bị viêm tai giữa cấp nếu không điều trị kịp thời có thể sẽ biến chứng qua viêm xương chũm. Trong trường hợp viêm xương chũm cấp tụ mủ thì trẻ có nguy cơ liệt mặt hoặc bị biến chứng khác như viêm màng não, rất nguy hiểm đến tính mạng.

BS NGUYỄN THỊ THANH THÚY, Trưởng khoa Nhi tổng hợp - BV Tai mũi họng TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm