“Cơn sốt” ChatGPT và vai trò của người thầy

(PLO)- Không nên quá hoang mang hay lo lắng về sự ra đời của ChatGPT, hãy nhìn nhận nó như một “trợ lý” đắc lực của người thầy.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 13-2, tại tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia đã có nhiều thảo luận xoay quanh công cụ thú vị này.

Nên coi ChatGPT là “trợ lý” của giáo viên

Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ trong thời kỳ dịch COVID-19 xảy ra có sự thay đổi rất lớn từ học tập trực tiếp sang học tập trực tuyến với sự hỗ trợ của nhiều công cụ hữu hiệu.

Ông Sơn đánh giá: “Với công nghệ trí tuệ nhân tạo nói chung và ChatGPT nói riêng, chắc chắn ai cũng có trải nghiệm ở mức độ khác nhau và đều có tâm lý hào hứng với công cụ này. Trước kia, ngành giáo dục hay các nhà giáo có một đặc quyền là truyền bá tri thức với quan niệm “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Ngày nay, với ứng dụng khoa học công nghệ, vai trò của người thầy chắc chắn sẽ không mất đi nhưng ngày một thay đổi”.

Cách tốt nhất để hiểu ChatGPT là dùng nó

Cần thay đổi cách nhìn nhận khi đón nhận công nghệ mới, không quá hào hứng nhưng cũng không quá lo ngại. Với ChatGPT, cách tốt nhất để hiểu nó là dùng nó, chúng ta hãy dùng, cảm nhận và trải nghiệm rồi từ đó cùng nhau thảo luận các vấn đề liên quan. Người thầy trước đây phải soạn giáo án, cần sách giáo khoa, giáo trình rồi lên lớp giảng dạy, còn bây giờ công nghệ sẽ giúp nhà giáo giảm bớt công việc. Việc đưa công nghệ vào giáo dục cũng góp phần tăng hiệu quả giảng dạy, hướng đến giáo dục chất lượng cao cũng như giảm chi phí trong giáo dục.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
HOÀNG MINH SƠN

Theo ông, những công nghệ này sẽ tác động một cách căn bản và toàn diện tới mọi mặt trong ngành giáo dục như chương trình giáo dục, cách tổ chức dạy và học, cách tiếp cận học liệu và tri thức... ngày càng hướng tới người học nhiều hơn là người dạy.

Người thầy sẽ phải thay đổi để đón đầu, phát huy những lợi thế của công nghệ. Về phía người học, cần điều chỉnh để tận dụng những lợi thế và giảm thiểu tác động tiêu cực, mặt trái do công nghệ mang lại.

“Đây là những nội dung mà Bộ GD&ĐT rất mong muốn các chuyên gia quản lý giáo dục, các chuyên gia giáo dục, các thầy cô giáo từ các trường đại học, từ các viện nghiên cứu và từ xã hội cùng thảo luận cởi mở. Bộ sẽ có những nghiên cứu thấu đáo để từng bước rà soát và có những điều chỉnh về chính sách trong thời gian tới” - Thứ trưởng Sơn cho hay.

Áp lực để giáo viên phải thay đổi

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng không nên hoang mang hay lo lắng khi ChatGPT ra đời mà nên coi nó như “trợ lý” đắc lực của người thầy.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại tọa đàm. Ảnh: TÂM AN

Các đại biểu tham gia thảo luận tại tọa đàm. Ảnh: TÂM AN

TS Nguyễn Thành Nam, Founder FUNiX (hệ sinh thái học trực tuyến công nghệ thông tin thuộc Tập đoàn FPT), cho rằng trong quá trình học trên lớp, học sinh thường có tâm lý ngại hỏi hoặc không có nhiều thời gian để hỏi. Cái hay của ChatGPT là học sinh không biết người trả lời nên các em mạnh dạn hỏi hơn. “Chỉ khi hỏi nhiều thì mới giỏi lên được, không có cách nào khác. Cá nhân tôi nghĩ sự xuất hiện của ChatGPT không có gì đe dọa giáo dục cả, ngược lại sẽ là công cụ hỗ trợ tốt cho người thầy” - ông Nam nói.

Đồng tình, TS Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục, cho rằng trong quá trình giảng dạy có nhiều vấn đề cần tham khảo ý kiến của người khác thì nay với hệ thống dữ liệu khổng lồ, ChatGPT đóng vai “người trợ lý” đắc lực. Do dữ liệu của ChatGPT còn đang tiếp tục cập nhật nên một số câu trả lời ở thời điểm này còn chưa chuẩn xác nhưng mấy hôm sau đã cho câu trả lời khác hẳn vì nó đã được… học.

Tôi cho rằng câu chuyện về ChatGPT còn là quãng đường dài. Hiện nay mới là bản demo còn sâu hơn thì chưa biết thế nào. Chúng ra không nên quá lo lắng hay hoảng sợ nhưng rõ ràng phải nhìn nhận để thay đổi cả chính sách lẫn thực tế.

GS-TS HOÀNG ANH TUẤN

“Đừng vội nói xấu ChatGPT là nó nói sai. Là một nhà giáo, đương nhiên chúng ta phải nhận định được thông tin nào đúng, thông tin nào sai” - ông Nhất nói và chia sẻ ChatGPT sẽ là “người trợ lý” mới của ông trong thời gian tới.

Từ trải nghiệm với phần mềm này, GS-TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết ChatGPT chủ yếu dựa vào dữ liệu để đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi kiến thức phổ thông. Còn không thể xem nó như một chuyên gia, nhà nghiên cứu chuyên khám phá, tìm tòi để đưa ra đề tài mới mẻ.

“Vì vậy, chúng ta không cần quá quan ngại. Có người hỏi tôi liệu có lo ngại sinh viên, học viên sẽ sử dụng phần mềm này để viết luận văn, luận án hay không. Ở thời điểm hiện tại, tôi không tin là ChatGPT có thể làm được đến mức độ đó” - ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, hiện nay dưới góc độ quản lý hay giảng dạy thì giảng viên, giáo viên ý thức rất cao về việc người học có thể thu thập kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, đôi khi có thể vượt trội hơn về kiến thức đơn lẻ. Vai trò dẫn dắt của giáo viên là không đổi nhưng thầy cô phải tự đổi mới để thích ứng. Đây là thách thức nho nhỏ, áp lực cần thiết để giáo viên phải thay đổi. Giáo viên cũng có thể sử dụng phần mềm này như công cụ hỗ trợ để gần gũi hơn với người học.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm