Textbook Mỹ gieo vào lòng nhiều bậc phụ huynh ước mơ mở một cánh cửa mới mà trong đó đứa trẻ phát triển toàn diện và tư duy như ... người Mỹ. Thậm chí, chuẩn Mỹ ở mức nào người ta không cần biết, và cũng không biết lấy thước đo nào để biết đến chuẩn đó. Dường như, chỉ cần "Mỹ" là "đủ". Nó giống như một cách đảm bảo kiểu sính ngoại đến kỳ lạ.
Thực tế ở Mỹ, textbook Mỹ có đến 100 đầu sách. Mỹ hay Việt Nam đều có người giỏi, người tài, có người làm thuê, có ông chủ. Có Tiến sĩ và có cả những người thất học hay bỏ học... Ở Mỹ hay bất kỳ nơi đâu trên thế giới này đều có phân tầng xã hội với giàu, nghèo, giỏi, kém. Có văn minh, nhân văn và tồn tại song song cùng tội phạm, trộm cắp... Đơn giản, đó là cuộc sống.
Textbook Mỹ, hay lắm, nhưng không phải dùng để thử nghiệm tương lai của những đứa trẻ...
Tôi chẳng có ý định viết bài này cho đến khi ngày càng nhiều phụ huynh tìm đến tôi để nói chuyện về textbook Mỹ. Tôi sẽ bắt đầu bằng câu chuyện cách đây 2 ngày tại trung tâm CEC (Hội đồng anh ngữ Canada) nơi tôi công tác. Khi chị phụ huynh ấy gọi điện để hẹn lịch nói chuyện học của bé nhà chị, qua điện thoại, tôi một lần nữa được nghe về textbook Mỹ, và tôi gặp chị.
Chị đặt vấn đề trung tâm bố trí giáo viên dạy trong ba tháng hè, dạy tập trung cho bé lớn vừa hết lớp 2 học 1 thầy - 1 trò. Chi phí bao nhiêu gia đình cũng không tiếc. Chỉ cần thầy giỏi, có tâm và bé có mục tiêu năm học mới chuyển trường mà ngôi trường đó yêu cầu vượt qua kỳ kiểm tra tiếng Anh trước để các con được học Textbook Mỹ. Anh chị chỉ có 1 nguyện vọng là bé có thể theo và được theo học textbook Mỹ.
Tôi nhìn chị và nhìn đứa bé đang hồn nhiên chơi ở trung tâm mà thấy bối rối. Tôi hỏi chị:
- Tiếng Anh của chị có tốt không ạ?
- Nói chung cũng bình thường em ạ, Nhưng chị muốn con chị học bài bản từ đầu..
- Vậy trước tiên, em sẽ nói chuyện với chị với tư cách của một người mẹ, chưa nói đến chuyên môn hay công việc của em ở đây. Vì em là môt người mẹ, và em thấy mình cần chia sẻ trước về tương lai của những đứa trẻ là con chúng ta.
Em cho rằng, chị đang đặt cược tương lai của con chị lên một canh bạc mà may rủi chính chị cũng không nắm được. Một đứa trẻ Việt Nam, học sách giáo khoa của Việt Nam bố mẹ còn có cơ hội để kiểm tra bài con. Con nhỏ hay lớn đều cần sự đồng hành của bố mẹ.
Con trai chị, cháu đang học lớp 2 một trường ư thục chất lượng cao nhưng Tiếng Anh của bé chưa đủ để đọc 1 quyển truyện tranh của Mỹ. Giao tiếp của bé chưa bằng đứa trẻ ba tuổi bản xứ tập nói... vậy mà chị định chuyển nó sang học kiến thức của một đứa trẻ bản xứ 6 tuổi, học thứ sách người ta chỉ viết cho trẻ bản xứ và bố mẹ các bé có thể hỗ trợ bất cứ lúc nào nhưng anh chị thì không.
Em đặt vấn đề sau khoảng vài năm, hay 1 năm thôi, thậm chí có khi chỉ 3 tháng... con chị không theo kịp. Điều gì sẽ xảy ra chị có nghĩ đến không? cháu cảm thấy sợ học, cháu sẽ chấp nhận đi học mà chả hiểu gì hoặc nặng hơn có những đứa trẻ thậm chí bị sang chấn tâm lý vì lạc lõng giữa lớp học, cộng đồng. Đứa trẻ thậm chí sẽ không biết diễn đạt xúc cảm của nó mà chỉ thấy sợ, thấy chán hoặc mặc kệ tất cả... Chị có nghĩ đến điều đó chưa?
Hơn nữa, textbook Mỹ có thể là sách rất hay, nhưng tiêu chí nào đánh giá bé nhà chị lĩnh hội được bao nhiêu? Chị thẩm tra giáo viên, chương trình trên cái người ta giới thiệu cho chị? Chị không thể thấy các bé đọc được một bài thơ, nói được vài câu giao tiếp với giáo viên ở tuổi lên 5,6 hoặc đơn giản là đọc một đoạn văn ngắn bằng Tiếng Anh là các anh chị cho rằng bé đã có thể học và theo được hệ giáo dục Mỹ. Thước đo nào nói lên các bé theo được lâu dài tận 10 -12 năm? Nếu giữa lưng chừng, con bỏ cuộc? bố mẹ bỏ cuộc?... Có quá nhiều rủi ro khi lựa chọn một triết lý giáo dục mới ở một đất nước đang phát triển mà tất cả quyền của con người, quyền mỗi đứa trẻ gần như không được bảo hộ. Người bảo hộ duy nhất đứa trẻ là cha mẹ chúng thì đang lựa chọn cái mà chính các anh/chị cũng chưa biết chính xác nó là cái gì để con anh chị theo học...
Tôi không nói rằng textbook Mỹ là không tốt hay không ổn nhưng nó có phù hợp với những đứa trẻ hay không thì các bậc phụ huynh phải vô cùng cân nhắc. Ở Hà nội hay Sài Gòn có những trường quốc tế chuẩn với mức học phí chúng tôi gọi đùa là "crazy money" ... dành cho những gia đình không chỉ có điều kiện tiền bạc mà tiêu chuẩn là dành cho con các đại sứ theo tại Việt Nam được nhà nước bảo hộ trả tiền học. Họ dùng textbook Mỹ và gia đình những đứa trẻ đó sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhất để trao đổi trong cuộc sống. Nó khác với môi trường những đứa trẻ Việt Nam hiện nay dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ thứ nhất của cuộc sống...
Câu chuyện khép lại. Chị ấy cảm ơn tôi và từ bỏ giấc mơ textbook Mỹ. Tôi mừng cho con trai chị ấy. Tôi chỉ hoang mang không biết còn bao nhiêu đứa trẻ sẽ bước vào canh bạc mang tên textbook Mỹ?
Cho con học tiếng Anh là rất tốt, là cánh cửa tri thức mở ra thế giới nhưng các bố mẹ đừng quá cuồng tín, đừng quá sính ngoại. Không ai đảm bảo rằng một đứa trẻ đào tạo Textbook Mỹ là hơn đứa trẻ Việt Nam đào tạo theo kiểu Việt Nam và ngược lại. Tôi nhìn thấy và đang nuôi dưỡng một thế hệ trẻ Việt Nam học sách Việt Nam mà tiếng Anh vô cùng tuyệt vời ở cái tuổi của các con. Những đứa trẻ điều khiển ngôn ngữ chủ động, giao tiếp với giáo viên bản xứ dễ dàng, những đứa trẻ thậm chí tự tìm hiểu và tự đọc sách Tiếng Anh hay xem phim, đọc truyện tiếng Anh ở tuổi 10,12 và học sách giáo khoa hoàn toàn thuần Việt...
Sách là tri thức vô tận. Sách nào cũng hay. Textbook Mỹ chỉ là một trong rất nhiều nguồn sách nếu khai thác hợp lý thì sẽ có hiệu quả tuyệt vời. Nhưng quan điểm của cá nhân tôi, hãy cứ trau chuốt cái đẹp của Tiếng Việt, hãy cứ học hỏi bằng chính ngôn ngữ Tiếng Việt và làm chủ nó. Tiếng Anh là thứ ngôn ngữ học song song nếu học sớm con bạn hoàn toàn biết cách sử dụng để điều khiển ngôn ngữ trong cuộc sống. Đừng quá mù quáng, đừng quá sính ngoại... và đừng quá nghe người khác. Hãy dạy con bằng trái tim của mình để lắng nghe mỗi đứa trẻ theo cách riêng của bạn.
Textbook Mỹ, hay lắm, nhưng không phải dùng để thử nghiệm tương lai của những đứa trẻ...