Nhận thức lẫn lộn này đã tồn tại rất lâu, đã và sẽ dẫn đến những hệ lụy vô cùng tai hại.
Theo khoa học giáo dục hiện đại, chương trình học là văn kiện pháp quy được ban hành để mọi giáo viên trong các trường thực hiện. Chương trình học vạch rõ những mục tiêu cần đạt, những nội dung kiến thức phải dạy (kèm theo thời lượng dành cho chúng), các phương pháp cần áp dụng và cách thức đánh giá thành quả học tập của học sinh. Mọi việc quản lý, thanh tra chuyên môn hay ra đề thi tốt nghiệp đều chiếu theo chương trình học. Còn SGK là sản phẩm khoa học của các nhà chuyên môn, được biên soạn dựa theo chương trình học nhưng chỉ là công cụ của giáo viên và học sinh để tiến hành việc dạy học. Do đó, các cơ quan hữu trách chỉ soạn thảo chương trình học để cung cấp cho giáo viên thực hiện; còn SGK thì bất cứ ai có khả năng đều có thể biên soạn.
Nhưng từ lâu ở nước ta lại áp dụng nguyên tắc “một chương trình-một bộ SGK” do Bộ GD&ĐT ban hành. Theo đó, chương trình học được biên soạn chỉ để làm đề cương viết SGK; còn giáo viên, thay vì nhận được chương trình học để thực hiện bằng kiến thức và khả năng sư phạm của mình lại chỉ được sử dụng SGK để giảng dạy theo sự chỉ đạo “SGK là pháp lệnh”. Như vậy, chức năng của chương trình học và của SGK đã lẫn lộn với nhau, dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực trong giáo dục. Từ sự lẫn lộn này, khi tiến hành các cuộc đổi mới giáo dục, Bộ GD&ĐT luôn gắn liền việc xây dựng chương trình học mới với việc biên soạn SGK mới.
Giải pháp cho vấn đề này đòi hỏi phải tách bạch chức năng giữa chương trình học với SGK. Trên cơ sở đó việc đổi mới giáo dục phổ thông sẽ được thực hiện với trọng tâm là xây dựng một chương trình học mới mà không lệ thuộc vào việc biên soạn SGK mới. Sau khi hoàn thành, chương trình học mới sẽ được phát hành cho toàn thể giáo viên thực hiện. Như vậy việc dạy học của giáo viên sẽ đổi mới từ chỗ coi “SGK là pháp lệnh” chuyển sang coi “chương trình học là pháp lệnh”. Khi ấy, giáo viên có thể sử dụng SGK cũ (hiện hành) hoặc dùng SGK của nước ngoài và khai thác nhiều nguồn tài nguyên hỗ trợ dạy học khác để tiến hành giảng dạy theo chương trình học mới. Đó chính là hiệu lực của nguyên tắc “một chương trình-nhiều bộ SGK”.
LÊ VINH QUỐC (Tiến sĩ giáo dục)