Công an mặc thường phục 'thi hành công vụ'

Ngày 24-12, TAND quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Đỗ Văn Hà (65 tuổi) và Nguyễn Thị Hồng (56 tuổi) về tội chống người thi hành công vụ.

Đây là vụ án từng gây ồn ào dư luận khi Công an quận Bắc Từ Liêm bị tố “dàn dựng” cảnh bắt cóc để phá cổng, từ đó phát sinh vụ việc chống người thi hành công vụ.

Tối cùng ngày, tòa lần lượt tuyên bị cáo Hà 6 tháng tù treo, bị cáo Hồng 9 tháng tù treo, cùng về tội danh nêu trên.

Hai bị cáo Đỗ Văn Hà và Nguyễn Thị Hồng tại tòa.

Phá cổng giải cứu nhưng không phải “bắt cóc”

Theo cáo trạng, bà Trần Kim Phương (Chủ tịch HĐQT Công ty TDS) và bà Lê Thị Bích Dung (Phó Giám đốc TDS) có tranh chấp về việc mua bán cơ sở vật chất của Trường Tiểu học và THCS Pascal tại lô đất TH1, phường Cổ Nhuế 1.

Bà Phương cho người hàn kín cổng số 1, số 2 phía bên Trường Pascal, chỉ để đi lại tại cổng số 3 và số 4; đồng thời thuê Hà và Hồng làm nhiệm vụ bảo vệ, tạp vụ nhằm kiểm soát không cho người của Trường Pascal mang tài sản ra ngoài.

10 giờ 8 phút ngày 2-8, Công an phường Cổ Nhuế 1 nhận được đơn tố giác của ông Lê Văn Vàng, ủy viên HĐQT Trường Pascal, về việc một số nhân viên nhà trường bị bắt cóc, giam giữ và hành hung.

Ngay sau đó, Công an quận Bắc Từ Liêm tổ chức lực lượng đến hiện trường. Do không thuyết phục được bảo vệ mở cổng, công an quận chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC phá cổng số 1.

Lúc này, bà Hồng ở phía trong bốc cát ném vào công an. Thấy bà Hồng bị khống chế, ông Hà chạy đến chửi bới, đe dọa lực lượng đang làm nhiệm vụ. Công an đã trấn áp, bắt giữ và phát hiện trong túi ông Hà có một con dao.

Trong quá trình giải quyết vụ việc, ngoài khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Hà, Hồng về hành vi chống người công vụ, cơ quan công an còn xử phạt hành chính với Vũ Thị Liên và Nghiêm Nhật Anh (con gái bà Phương).

Trong quá trình công an vào cuộc, phía bà Trần Kim Phương có đơn tố cáo gửi nhiều cơ quan chức năng, cho rằng Công an quận Bắc Từ Liêm “dàn dựng” việc bắt giữ người để phá cổng, từ đó phát sinh vụ chống người thi hành công vụ.

Tuy nhiên, phía Công an quận Bắc Từ Liêm trong kết luận điều tra cho rằng việc phá cổng xuất phát từ sự cấp thiết trong tin báo của ông Vàng về việc bị “bắt giữ, hành hung”, mặc dù đến nay chưa đủ căn cứ để xác định các nhân viên của bà Phương bắt giữ và hành hung người khác như tin báo...

Công an khống chế người được cho là chống người thi hành công vụ.

Tranh cãi về yếu tố thi hành công vụ

Điều gây tranh cãi lớn nhất trong vụ án này đó là tại thời điểm xảy ra, lực lượng Công an quận Bắc Từ Liêm có đang thi hành công vụ?

Đứng trước tòa, cả hai bị cáo đều một mực khẳng định không hề bắt giữ ai cả và cũng không biết những người phá cổng là công an. Bà Hồng khai rằng không nhìn thấy ai mặc cảnh phục, mà chỉ thấy một số người mặc đồ dân sự tới yêu cầu mở cổng rồi trèo tường vào.

“Nếu công an thông báo trước, chúng tôi sẽ tiếp đón bình thường” - bị cáo nói và thuật lại chỉ nghe ai đó hô phá cổng, trong khi lẽ ra công an phải giải thích đang thực thi công vụ.

Còn bị cáo Hà khai mình từng có nhiều năm làm quân nhân, theo hiểu biết thì công an phải mặc cảnh phục, khi bắt phải đọc lệnh hoặc giơ thẻ ngành nhưng bị cáo chỉ thấy một nhóm người mặc thường phục đang khống chế bị cáo Hồng. Với nhiệm vụ là tổ trưởng bảo vệ, bị cáo xông vào để ngăn cản.

Hà cũng khẳng định nếu biết những người đó là công an thì không bao giờ dám cản trở.

Được triệu tập tới tòa, đại diện Công an quận Bắc Từ Liêm cho hay cơ quan điều tra tiếp nhận tin báo, xử lý khách quan, đúng quy định pháp luật chứ "không có chuyện dàn dựng". Khi công an tới, tất cả các cổng đều khóa, đã thuyết phục nhưng không nhận được sự hợp tác. Tuy nhiên, họ thừa nhận tại thời điểm có mặt ở lô đất TH1 để thực thi nhiệm vụ, cả bốn viên công an đều mặc thường phục.

Tại tòa, bà Nghiêm Nhật Anh với tư cách người làm chứng đã đưa ra nhiều hình ảnh, clip để chứng minh không hề có việc bắt giữ người, do đó không phát sinh yếu tố thi hành công vụ.

Cụ thể, bà Nhật Anh đưa ra những hình ảnh được camera ghi lại, cho thấy những nhân viên của Trường Pascal được cho là bị giam giữ thì thực tế vẫn đi lại bình thường trong phòng. Có người còn bấm điện thoại, mở tủ lạnh lấy đá hoặc có thể mở cửa để đi ra ngoài.

Đặc biệt, bà này cho biết lô đất TH1 có bốn cổng sắt, hai cổng bị hàn và hai  cổng bị khóa, tuy nhiên thay vì phá các cổng bị khóa dễ dàng hơn thì lực lượng công an lại chọn cổng số 1 đang bị hàn kiên cố. Thậm chí trong quá trình “giải cứu con tin”, dù nhiều công an đã trèo tường vào bên trong và khống chế nhiều người nhưng phía ngoài vẫn tiếp tục cắt cổng…

Luật sư đề nghị trả hồ sơ, tòa bác

Bào chữa cho hai bị cáo, các luật sư đề nghị HĐXX làm rõ yếu tố công vụ trong vụ án này. Bởi hai bị cáo ở bên trong lô đất TH1, công an ở ngoài lô đất, còn việc phá cổng sắt lại là lực lượng PCCC, nhiều người tham gia giải quyết không mặc cảnh phục. Các bị cáo vốn là nông dân nên không biết người mang trang phục phòng cháy là công an, hơn nữa lực lượng công an chỉ yêu cầu mở cổng ra chứ không nói là người đang thi hành công vụ…

Những luật sư này đề nghị tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, tuy nhiên tòa đã bác bỏ. HĐXX nhận định có đủ căn cứ xác định các bị cáo phạm tội. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm