Công an TP.HCM ghi nhận khoảng 20 thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao

(PLO)- Công an TP.HCM khẳng định, lực lượng công an và các cơ quan chức năng khác của cơ quan Nhà nước trong quá trình điều tra không bao giờ làm việc với công dân qua điện thoại và tuyệt đối không có lời lẽ hăm dọa, đe dọa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại buổi họp báo định kỳ kinh tế - xã hội TP.HCM vào chiều 30-3, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM đã thông tin thêm về tình hình tội phạm lợi dụng công nghệ cao để đảo chiếm đoạt tài sản.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết báo chí đã phản ánh nhiều vụ việc mạo danh giáo viên, nhân viên y tế báo tin cho phụ huynh về việc học sinh bị tai nạn cấp cứu, yêu cầu nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí, cấp cứu rồi chiếm đoạt.

Công an TP.HCM ghi nhận khoảng 20 thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao ảnh 1

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM cảnh báo người dân cần tỉnh táo trước các chiêu lừa đảo công nghệ cao. Ảnh: THANH THÙY

Thực tế nhiều ngày qua cũng ghi nhận tình trạng giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, nhân viên bảo hiểm, nhân viên viễn thông… bịa đặt thông tin, hù dọa nạn nhân liên quan đến vụ việc đang bị điều tra khiến nạn nhân hoang mang.

Các đối tượng này yêu cầu nạn nhân phải chuyển tiền để đảm bảo hoặc cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP để chiếm đoạt tài sản.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, hiện nay có hơn 20 thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao khác nhau. Khi tiền được chuyển vào tài khoản lừa đảo, chỉ 10 phút sau số tiền sẽ được chuyển qua nhiều tài khoản khác nhau, chia nhỏ ra để rút, mua hàng trên các sàn thương mại điện tử ở nước ngoài. Đến nay, Công an TP chưa ghi nhận đối tượng lừa đảo ra cây ATM để rút tiền.

“Lực lượng công an và các cơ quan chức năng khác của cơ quan Nhà nước trong quá trình điều tra, giải quyết vụ việc, không bao giờ làm việc với công dân qua điện thoại và tuyệt đối không có lời lẽ hăm dọa, đe dọa hoặc gửi những tài liệu khởi tố, khởi kiện qua điện thoại.

Nếu cơ quan chức năng mời làm việc sẽ gửi giấy mời thông qua chính quyền đoàn thể địa phương nơi công dân cư trú”- Thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.

Từ đó, đại diện Công an TP.HCM khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, nhận thức các thủ đoạn lừa đảo để phòng tránh.

Người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số giấy tờ tùy thân, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào yêu cầu qua điện thoại.

Khi nhận được các cuộc điện thoại có dấu hiệu nghi ngờ lừa đảo cần nhanh chóng liên hệ với người thân xung quanh, bạn bè, giáo viên chủ nhiệm của con em mình để được tư vấn, làm rõ. Đồng thời, trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất để được nhận giải quyết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm