Công an TP.HCM hướng dẫn học sinh chiêu thoát khỏi 'yêu râu xanh'

Công an TP.HCM hướng dẫn học sinh chiêu thoát khỏi 'yêu râu xanh'

(PLO)- Kỹ năng thoát khỏi yêu râu xanh được đại úy Nguyễn Thiện Tâm, Công an TP.HCM chia sẻ gần gũi, hài hước khiến học sinh thích thú.

Ngày 8-5, Trường THCS Minh Đức phối hợp với Công an TP.HCM tổ chức hoạt động tuyên truyền pháp luật với các chủ đề “nguy cơ bạo lực học đường; cách phòng tránh và xử lý khi bị xâm hại tình dục” và “an toàn trên không gian mạng cho trẻ tuổi vị thành niên”.

công an TP.HCM
Công an TP.HCM tuyên truyền pháp luật cho học sinh Trường THCS Minh Đức, quận 1

Tại buổi nói chuyện, đại úy Nguyễn Thiện Tâm đã đưa ra một bài tập ứng dụng để học sinh suy nghĩ.

“Một người đi về khuya, đến đoạn đường tối, vắng vẻ bị một đối tượng cao to, khỏe mạnh chặn đường và có hành vi hiếp dâm. Các em sẽ xử lý ra sao trong trường hợp này: Có thể hạ gục đối phương; hô hoán, phản kháng bản năng; hay dùng biện pháp tâm lý nói bị HIV?” – đại úy Tâm đặt câu hỏi.

cong-an-tp.hcm-1.JPG
Đại úy Nguyễn Thiện Tâm, Công an TP.HCM chia sẻ với học sinh về kỹ năng tránh lộ, lọt thông tin trên mạng xã hội cũng như phòng tránh xâm hại tình dục

Nhiều học sinh cho rằng sẽ thực hiện hạ gục đối phương. Tuy nhiên, sau khi mời học sinh lên thực hiện tình huống giả định, đại úy Tâm nhấn mạnh việc hạ gục đối phương không dễ dàng. Nếu hành động này không thành công sẽ bị đối phương tấn công, trấn áp thậm chí có thể bị giết. Do đó, nếu không thể hạ gục đối phương thì đừng nên thực hiện để bảo vệ tính mạng của mình.

cong-an-tp.hcm-3.JPG
Phần chia sẻ của đại úy Nguyễn Thiện Tâm được học sinh quan tâm và chú ý lắng nghe

Đề cập đến giải pháp hô hoán, phản kháng bản năng, đại úy Tâm cũng cho biết khó có tác dụng. “Đây là điều các yêu râu xanh cảm thấy thích thú. Bởi khi chúng ta phản kháng sẽ đánh trúng tâm lý của đối tượng vì nó muốn thống trị” – anh Tâm nói.

Với phương án dùng biện pháp tâm lý nói bị HIV, đại úy Tâm cho rằng không khả thi. Bởi đa phần những đối tượng này đều có quen biết, tiếp xúc trước với những người bị HIV. Do đó, nếu muốn sử dụng biện pháp trên phải đánh đúng vào tâm lý của những yêu râu xanh, của kẻ biến thái.

Theo đại úy Tâm, muốn thoát khỏi "yêu râu xanh" cần phải kết hợp giải pháp thứ nhất và thứ tư. Có nghĩa nạn nhân giả vờ đồng ý với đối tượng, chọn thời cơ thích hợp hạ gục đối phương. Chúng ta hãy thực hiện hạ gục đối phương sau khi đã bị đánh lừa tâm lý.

cong-an-tp.hcm-4.JPG
Công an TP.HCM thực hiện tình huống giả định để học sinh thực hành các hành động tự vệ khi gặp nguy hiểm

“Khi bị kẻ xấu chặn lại, các bạn không bỏ chạy mà nói rằng sao bây giờ anh mới tới để khiến đối tượng hoang mang. Sau đó, các bạn nhanh chóng chạy lại ngồi xuống trước mặt đối tượng, kéo dây nịt và tuột quần đối tượng xuống ống chân. Đây chính là thời cơ để các bạn hạ gục đối phương. Nếu không có võ, các bạn hãy thực hiện chiêu “xúc tép”, tịch thu công cụ gây án của đối tượng” – anh Tâm nêu dẫn chứng

Phần chia sẻ của đại úy nhận được tràng vỗ tay của học sinh. Sau phần lý thuyết, anh Tâm còn hướng dẫn học sinh những hành động tự vệ và mời học sinh cùng tham gia vào các tình huống giả định để thực hành. Hoạt động này được học sinh Minh Đức hưởng ứng một cách nhiệt tình.

cong-an-tp.hcm-5.JPG
Tình huống giả định khi học sinh bị đối tượng bóp cổ và phản ứng tự vệ của các em trước sự hướng dẫn của đại úy Nguyễn Thiện Tâm.
cong-an-tp.hcm-6.JPG
Buổi tuyên truyền khiến học sinh Trường THCS Minh Đức thích thú.

Ngô Khánh Vân, học sinh Trường THCS Minh Đức (quận 1) cho biết bản thân khá ấn tượng với phần chia sẻ của chú công an, vừa gần gũi, thiết thực, đi vào tình huống cụ thể.

“Đặc biệt, tụi em được xem và thực hành những động tác để tự vệ khi gặp nguy hiểm. Việc làm này rất thiết thực” - Khánh Vân nói.

Bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, với xã hội hiện nay tình trạng con trai, con gái bị quấy rối, xâm hại tình dục không còn hiếm. Do đó, trường đã phối hợp với Công an TP.HCM tổ chức buổi tuyên truyền trên nhằm giúp các con nhận biết những nguy cơ, phòng vệ ra sao khi gặp nguy hiểm và tìm sự trợ giúp khi cần.

Hơn nữa, hiện nay đa phần học sinh dùng điện thoại thông minh và sử dụng mạng xã hội. Vì thế việc sử dụng mạng xã hội an toàn, khoa học hết sức cần thiết. Vấn đề này đã được công an TP.HCM chia sẻ rất cụ thể trong buổi sáng nay.

Những nguyên tắc tránh lộ, lọt thông tin khi sử dụng mạng xã hội

Để tránh lộ lọt thông tin trên mạng xã hội, mọi người nên ghi nhớ một số nguyên tắc cần tránh: Không để chế độ công khai, chỉ nên để chế độ riêng tư, bạn bè; không kết bạn tràn lan; không hiện thị danh sách bạn bè; hạn chế người xem bài đăng, không đăng thông tin cá nhân (căn cước công dân lớp 9, giấy khen trên mạng xã hội) và nhớ thường xuyên xóa tin nhắn cũ.

Đại úy NGUYỄN THIỆN TÂM, Công an TP.HCM.

Đọc thêm