Sáng 4-7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 7 luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Sửa Luật Giao thông đường bộ để xử phạt lái xe uống rượu, bia
Về Luật Phòng chống tác hại rượu, bia ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết luật này quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm.
Buổi công bố diễn ra tại Phủ Chủ tịch nước. Ảnh: VIẾT LONG
Cụ thể, nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia. Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sỹ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ ngơi giữa giờ làm việc, học tập.
Đặc biệt, luật cũng nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (Luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2020).
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc làm thế nào để đưa Luật Phòng chống tác hại rượu, bia vào cuộc sống, ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế thừa nhận việc đưa được luật trên vào cuộc sống rất khó khăn. Vì vậy, cần có sự phối hợp với các địa phương, cơ quan báo chí để tuyên truyền giúp người dân thay đổi hành vi.
Bên cạnh đó, vị Thứ trưởng cũng cho rằng với những hành vi bị nghiêm cấm thì quan trọng nhất là đưa vào các chế tài. Các chế tài để bảo vệ những người dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người tham gia giao thông…
Liên quan đến câu hỏi Luật phòng chống tác hại rượu, bia và Luật Giao thông đường bộ đang “vênh” nhau, vậy xử phạt theo luật nào? Ông Trương Quốc Cường cho biết hiện nay Bộ GTVT đang chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ nên sắp tới sẽ đồng bộ.
Nhiều điểm mới trong Luật Đầu tư công
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết Luật Giáo dục năm 2019 có nhiều điểm mới. Cụ thể, làm rõ tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục. Luật hóa chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT). Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình GDPT, ban hành chương trình GDPT sau khi hội đồng quốc gia thẩm định...
Bên cạnh đó, luật cũng quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (THCS) và giảng viên đại học. Quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên (HSSV) sư phạm.
“Cụ thể, HSSV sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí nhà nước đã hỗ trợ…”, ông Độ thông tin.
Đối với Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết điểm mới của luật là thống nhất được định nghĩa về nguồn vốn đầu tư công. Theo đó, quy định hai loại vốn đầu tư công, bao gồm vốn ngân sách nhà nước và vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, luật khi được thực thi sẽ đổi mới mạnh mẽ phương thức kế hoạch hóa nhằm đáp ứng tốt hơn đối với thực tiễn vận hành của nền kinh tế, khắc phục được vướng mắc lớn nhất về đầu tư công trước đây, đó là vấn đề "con gà, quả trứng" - nghĩa là vốn có trước hay dự án có trước.
Theo ông Độ, trước đây, muốn quyết định chủ trương đầu tư của một dự án, cần phải xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Tuy nhiên, muốn xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn phải căn cứ vào dự án. Như vậy là đã tạo một vòng lặp luẩn quẩn và không có giải pháp "lối ra" để xử lý.
Luật Đầu tư công sửa đổi đã đưa ra phương án là phải có dự kiến kế hoạch nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trước (tạm gọi là số kiểm tra), để từ đó, có căn cứ pháp lý về nguồn vốn để các bộ, cơ quan, địa phương triển khai các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. (Luật Đầu tư công, sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 11-2020).