Luật Bảo vệ bí mật nhà nước gồm 5 chương, 28 điều, có hiệu lực thi hành từ 1-7-2019.
Luật quy định bí mật nhà nước là thông tin quan trọng, do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn
Hình thức chứa đựng bí mật nhà nước có thể là tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.
Để phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước và có căn cứ để xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm: làm lộ, chiếm đoạt, mua bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước trái pháp luật; soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác kết nối Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông; truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện truyền thông, viễn thông trái quy định; đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông…
Luật cũng quy định phạm vi bí mật nhà nước là giới hạn thông tin quan trọng trong các lĩnh vực chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến quốc gia, dân tộc.
Theo đó, nội dung điều luật này được xây dựng trên cơ sở phân loại lĩnh vực theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ (15 lĩnh vực), đây cũng là kết quả nghiên cứu, rà soát nội dung bí mật nhà nước tại 96 danh mục bí mật nhà nước hiện hành.
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết nội dung này đã được gửi xin ý kiến 39 bộ, cơ quan ngành bộ và các cơ quan, tổ chức ở Trung ương có liên quan trực tiếp đến việc lập danh mục bí mật nhà nước, đạt được sự đồng thuận cao của các cơ quan, tổ chức.
Trên cơ sở đó, danh mục bí mật nhà nước được quy định tại Điều 7, 8 của luật được giao cho Thủ tướng Chính phủ ban hành với độ Tuyệt mật, Tối mật và Mật, căn cứ trên đề xuất của người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước và thẩm định của Bộ Công an (trừ danh mục thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Quốc phòng).
Cũng theo Trung tướng Sơn, quy định này khắc phục được tồn tại của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước hiện hành vì đã thống nhất một chủ thể ban hành danh mục quy định với cả ba độ mật. Bí mật nhà nước được quy định theo ngành và lĩnh vực áp dụng thống nhất từ trung ương đến địa phương, không quy định danh mục bí mật nhà nước của địa phương.
Một vấn đề được quan tâm là thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước. Luật quy định thời hạn bảo vệ đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là 30 năm, độ Tối mật là 20 năm, độ Mật là 10 năm. Đây là quy định mới so với Pháp lệnh số 30 áp dụng từ năm 2000 tới nay.
Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh đây là quy định tiến bộ của luật nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân. Theo đó, luật cũng quy định hết thời hạn bảo vệ, nếu thấy việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc thì người đứng đầu cơ quan nhà nước quyết định gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước. Mỗi lần gia hạn không quá thời hạn bảo vệ ban đầu.
Đi kèm quy định này là quy định giải mật. Bí mật nhà nước được giải mật khi hết thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước và thời gian gia hạn thời hạn bảo vệ hoặc giải mật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế… không còn thuộc danh mục bí mật nhà nước.
Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, luật cũng quy định việc đương nhiên giải mật đối với trường hợp bí mật nhà nước không còn thuộc danh mục bí mật nhà nước; trường hợp bí mật nhà nước chỉ cần bảo vệ trong khoảng thời gian nhất định hoặc đã hết thời hạn bảo vệ theo quy định mà cơ quan có thẩm quyền không quyết định gia hạn.
Thứ trưởng Bộ Công an cũng nhấn mạnh để khắc phục thực trạng lộ bí mật nhà nước qua các hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước, luật xây dựng hai điều quy định về vấn đề này trên cơ sở nghiên cứu, chọn lọc một số quy định hiện hành, trong đó quy định chặt chẽ về thẩm quyền, thành phần, địa điểm, sử dụng phương tiện, thiết bị, phương án bảo vệ, việc sử dụng tài liệu bí mật nhà nước và trách nhiệm của các chủ thể tham gia, tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp như thế.
Đặt câu hỏi sau đó, phóng viên trang thông tin điện tử của Chính phủ hỏi luật mới ban hành liệu có chấm dứt được tình trạng hiện nay, khi nhiều cơ quan lạm dụng, đâu cũng đóng dấu mật, báo chí, người dân tiếp cận thông tin rất khó?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn cho rằng không nên lạm bàn việc có lạm dụng hay không mà vấn đề quan tâm là luật mới có đáp ứng được các yêu cầu đặt ra hay không.
Nhấn mạnh sau đó, đại diện Cục An ninh Bộ Công an dẫn nguyên tắc xây dựng luật này: “Bí mật nhà nước được bảo vệ theo thời hạn quy định của luật; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của pháp luật”.
“Luật này xây dựng vẫn bảo đảm quyền tiếp cận thông tin theo đúng quy định của luật pháp” - đại diện Bộ Công an nhấn mạnh.
Cũng sáng cùng ngày, tại cuộc họp báo công bố Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho hay luật gồm 8 chương, 41 điều, có hiệu lực thi hành từ 1-7-2019. Theo Thượng tướng Lê Chiêm, việc Quốc hội ban hành Luật CSBVN thể hiện tuyên bố mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta về quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng các biện pháp pháp luật, hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Luật CSBVN xác định rõ vị trí, vai trò của CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn trên biển. Luật quy định bảy nhóm nhiệm vụ, 10 quyền hạn của CSBVN và hoạt động của CSBVN như phạm vi hoạt động của CSBVN; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; huy động người, tàu thuyền, thiết bị kỹ thuật dân sự; truy đuổi tàu thuyền; công bố, thông báo, thay đổi cấp độ an ninh hàng hải đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp 2013 về các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân trong luật. |