Thời gian qua, nhiều khách hàng là nạn nhân của các cơ sở làm đẹp. Do vậy, để hoạt động thẩm mỹ viện trên địa bàn TP.HCM vào khuôn khổ, rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng.
Mạnh tay đóng cửa spa và thẩm mỹ viện sai phạm
“Thực tế cho thấy hoạt động thẩm mỹ trên địa bàn TP.HCM vẫn còn nhiều tồn tại. Do vậy, cơ quan chức năng nên thường xuyên kiểm tra và xử lý thật nghiêm để dần đưa vào nề nếp” - TS-BS Nguyễn Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM, nói.
Đồng quan điểm trên, PGS-TS Đỗ Quang Hùng, Trưởng Khoa tạo hình thẩm mỹ - BV Chợ Rẫy, cho biết thêm: Trên địa bàn TP.HCM hiện có khoảng 200 phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ và không tới 10 bệnh viện thẩm mỹ, trong khi spa và thẩm mỹ viện lên tới hàng ngàn nên rất nhiều khách hàng phải “ôm quả đắng” do spa và thẩm mỹ viện gây ra…
“Spa và thẩm mỹ viện chỉ được phép chăm sóc da không xâm lấn và đa phần do những người lao động phổ thông hành nghề. Tuy nhiên, khi lôi kéo được khách hàng, spa và thẩm mỹ viện thực hiện nhiều dịch vụ không phép và gây ra không ít biến chứng. Do spa và thẩm mỹ viện quá nhiều nên nạn nhân của những cơ sở này là con số không nhỏ. Vì vậy, cơ quan chức năng cần mạnh tay đóng cửa spa và thẩm mỹ viện sai phạm” - ông Hùng nêu quan điểm.
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra một cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không phép. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM
Ông Nguyễn Văn Quyết, chủ cơ sở thẩm mỹ viện quốc tế Venus, bị UBND TP.HCM ra quyết định phạt. (Ảnh chụp màn hình)
Kiểm tra đột xuất nếu có thư phản ánh
ThS-BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở Y tế TP và Phòng Y tế 24 quận, huyện hằng năm có kế hoạch kiểm tra hoạt động của các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, chăm sóc da trên địa bàn TP.HCM. Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM còn phối hợp chặt với các sở, ban, ngành có liên quan tiến hành xác minh thông tin và xử lý nghiêm các sai phạm.
“Sở Y tế TP.HCM cũng thành lập và triển khai các đoàn kiểm tra đột xuất khi nhận thông tin phản ánh, đơn thư từ cơ quan báo chí, người dân và trên phần mềm phản ánh trực tuyến của Sở Y tế TP.HCM. Khi phát hiện các cơ sở thẩm mỹ hoạt động không phép, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM và Phòng Y tế quận, huyện tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Sau đó công bố danh sách các cơ sở thẩm mỹ hoạt động không phép trên cổng thông tin điện tử của Sở Y tế TP.HCM” - bà Mai cho biết thêm.
Theo bà Mai, Sở Y tế TP.HCM thường tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan các nội dung cơ bản của hoạt động phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ. Bên cạnh đó, hướng dẫn các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ thực hiện việc đăng ký nhân sự tham gia hoạt động và công khai giá cả dịch vụ.
Bà Mai còn cho biết TP.HCM thành lập hội đồng chuyên môn đánh giá từng trường hợp gây tai biến cho khách sau làm đẹp và ban hành thông báo khuyến cáo, khuyến nghị đến các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ. Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM còn phối hợp với chuyên gia tiến hành kiểm tra và thẩm định năng lực thực hiện các danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt, phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn các nhân sự hành nghề tại cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ.
“Năm 2018, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành Tiêu chí chất lượng áp dụng cho phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ trên địa bàn TP.HCM. Bộ tiêu chí này được Hội đồng chất lượng khám chữa bệnh Sở Y tế và các chuyên gia của ngành y tế biên soạn, dựa trên các chuẩn thiết yếu đối với hoạt động của loại hình phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đã được Sở Y tế TP.HCM công bố trước đó.
Với 16 chuẩn thiết yếu dành cho phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ dựa trên các quy định pháp luật hiện hành, Sở Y tế TP.HCM đã biên soạn thành 12 tiêu chí chất lượng. Mỗi tiêu chí được thiết kế theo bậc thang chất lượng từ mức 1 đến mức 5. “Trong quá trình kiểm tra, Sở Y tế TP.HCM căn cứ vào 12 tiêu chí để đánh giá chất lượng hoạt động của các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ” - bà Mai nói thêm.
Cách nhận biết cơ sở thẩm mỹ có phép Khách làm đẹp cần biết cách nhận diện cơ sở thẩm mỹ hoạt động có phép để tránh nguy cơ bị tai biến và mất tiền vô ích. 1. Đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ như phun, xăm, thêu trên da, spa, chăm sóc da thông thường: Phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, có bảng hiệu rõ ràng. Các cơ sở này không được thực hiện các kỹ thuật phẫu thuật thẩm mỹ như cắt mắt, nâng mũi, tiêm chất làm đầy, truyền trắng, hút mỡ và các dịch vụ xâm lấn liên quan đến y tế. 2. Đối với các cơ sở có thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ như tiêm chất làm đầy, tiêm filler, tiêm truyền trắng da, lăn kim hay các dịch vụ có gây chảy máu khác, cắt mí, nhấn mí…: Phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép hoạt động. Bên cạnh đó, bác sĩ phải có chứng chỉ hành nghề đúng phạm vi được cấp phép, danh mục kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và phải niêm yết giá cụ thể, chi tiết. 3. Các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ lớn như nâng ngực, hút mỡ… phải thực hiện tại các bệnh viện đã được Bộ Y tế phê duyệt danh mục kỹ thuật. ThS-BS NGUYỄN THỊ HUỲNH MAI, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM |