Tiến sĩ-bác sĩ (BS) Nguyễn Thanh Nam, Trưởng Khoa tạo hình thẩm mỹ - thần kinh nhãn khoa thuộc BV Mắt TP.HCM, cho biết nơi đây tiếp nhận không ít trường hợp tai biến do phẫu thuật lấy bọng mỡ mí mắt, tạo hình mí đôi… do các cơ sở làm đẹp gây ra.
Mắt mở thao láo sau lấy bọng mỡ
Sau khi đọc quảng cáo trên mạng, bà NTTM (48 tuổi, ở TP.HCM) tìm đến một cơ sở làm đẹp để phẫu thuật lấy bọng mỡ mí mắt dưới bên trái với hy vọng sở hữu đôi mắt mơ huyền, “hút hồn” người đối diện và quan trọng trông trẻ lại… 10 tuổi.
Tốn gần chục triệu đồng và “cắn răng chịu trận” suốt 30 phút để “bác sĩ” cắt, mổ, khâu mí…, mắt trái bà M. sưng tấy và đau nhức. Vài ngày sau, mắt bị biến chứng lật mí nên cứ mở thao láo, không nhắm lại được. Điều này khiến gió, nước dễ thâm nhập gây viêm kết mạc và nước mắt liên tục chảy. Chịu không nổi, bà M. cuối cùng phải cầu cứu tới BV Mắt TP.HCM.
“BS phải ghép da, tạo hình lại mí dưới mắt trái để trả lại “cửa sổ tâm hồn” cho bà M. Sau lần này, bà M. nói “trời cho sao để vậy”, không dám làm đẹp nữa” - TS-BS Nam nói.
Tương tự, chị VTMH (28 tuổi, ở Đồng Nai) bị sụp mí mắt phải nên ảnh hưởng nhiều đến khuôn mặt. Do muốn sở hữu cặp mắt to tròn và long lanh, chị H. tìm tới một cơ sở làm đẹp để phẫu thuật cắt mắt hai mí với giá 6 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày, chị H. bị biến chứng sụp mí khiến con mắt tí hí, trông lờ đờ.
“Chị H. gặp phải BS tay ngang nên “tiền mất tật mang”. Để trả lại con mắt chị H. trở lại bình thường, BS phải cắt ngắn cơ và tạo nét mí mắt” - TS-BS Nam cho biết.
Mắt phải khách hàng bị biến chứng sau phẫu thuật cắt mí. Ảnh: THANH NAM. Mũi biến dạng sau phẫu thuật nâng mũi. Ảnh: ANH TUẤN. Miệng bà P. méo xệch sau căng da mặt. Ảnh: MP
Mũi te tua sau phẫu thuật nâng cao
“Chúng tôi thường xuyên điều trị nhiều trường hợp nhiễm trùng mũi sau phẫu thuật nâng mũi tại các cơ sở làm đẹp không an toàn” - ThS-BS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Khoa tạo hình thẩm mỹ thuộc BV Tai Mũi Họng TP.HCM, chia sẻ.
Do lỗ mũi thấp tẹt nên bà TTMC (36 tuổi, ở Đồng Nai) không tự tin khi gặp đối tác làm ăn. Sau khi lên mạng tìm hiểu, bà C. tìm đến một cơ sở làm đẹp để phẫu thuật nâng mũi bằng cách đặt thanh silicon trong sóng mũi. Cơ sở này quả quyết mũi bà C. sau phẫu thuật sẽ cao thẳng, thanh mảnh và hài hòa khuôn mặt.
Hai ngày sau, chóp mũi bà C. biến dạng, sưng nề, rỉ dịch, đau nhức… Bà C. cố chịu đựng thêm vài ngày với hy vọng tình trạng trên sẽ hết. Tuy nhiên, biến chứng mũi ngày càng xấu đến nỗi gây biến dạng tháp mũi nên bà C. cầu cứu BV Tai Mũi Họng TP.HCM.
Tại đây, BS chẩn đoán bà C. bị nhiễm trùng sau phẫu thuật nâng cao mũi. BS lấy bỏ thanh silicon, làm sạch mủ, cho dùng kháng sinh và kháng viêm. Sau đó, BS tái tạo mũi bà C. trở lại bình thường. “Điều trị trễ, bà C. sẽ bị hoại tử chóp mũi, mất da vùng chóp mũi, cơ co kéo gây biến dạng vùng tháp mũi. Điều này ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng hít thở” - ThS-BS Tuấn nói.
“Nhiễm trùng mũi sau mổ có nhiều nguyên nhân như phòng phẫu thuật, dụng cụ, vật liệu dùng nâng mũi… không được vô trùng kỹ càng. Bên cạnh đó, người phẫu thuật không thực hiện đúng quy trình chống nhiễm khuẩn hoặc không có chuyên môn nên làm sai kỹ thuật” - ThS-BS Tuấn nói thêm.
Sở Y tế TP.HCM kiểm tra những cơ sở thẩm mỹ báo nêu Ngày 24-8, sau khi báo Pháp Luật TP.HCM khởi đăng loạt bài “Thẩm mỹ viện: Muôn kiểu lừa khách”, Sở Y tế TP.HCM đã có công văn gửi báo liên quan công nghệ tế bào gốc tự thân (PRP) trong làm đẹp. Theo đó, BV Thẩm mỹ Medika (262 Ba Tháng Hai, quận 10), BV Thẩm mỹ Kangnam (84A Bà Huyện Thanh Quan, quận 3) và TMV Gangwhoo (57 Ba Tháng Hai, quận 10) đều chưa được Bộ Y tế phê duyệt kỹ thuật trẻ hóa và phục hồi da bằng công nghệ tế bào gốc tự thân. Sở Y tế cho biết Thanh tra Sở Y tế đang tổng hợp các thông tin liên quan đến hoạt động thẩm mỹ tại những cơ sở nêu trên để đề xuất kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có). |
Miệng méo xệch sau căng da mặt
Tháng 5-2020, bà ĐMP (quận 7, TP.HCM) đến thẩm mỹ viện (TMV) quốc tế Venus (2B-2C Hồ Xuân Hương, quận 3, TP.HCM) để thực hiện dịch vụ “cải lão hoàn đồng”.
Một bà xưng là BS “vẽ” đủ loại dịch vụ làm đẹp như tắm phủ trắng nano, cắt mí mắt lấy mỡ, thu gọn hàm, nâng mông, làm tan mỡ bụng, hạ gò má… Bà này còn khuyên bà P. nên căng da mặt để trông trẻ trung hơn và bảo đảm các dịch vụ nói trên không xâm lấn, không tiêm, không đau. Bà P. phải trả tổng cộng khoảng 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình làm đẹp, TMV đã tiêm một loại dung dịch vào da mặt khiến bà P. đau rát. Chịu không nổi, bà P. yêu cầu TMV ngưng làm. Gương mặt bà P. sau căng da mặt chẳng được cải thiện, miệng méo xệch.
Điều đáng nói là TMV quốc tế Venus chỉ được phép kinh doanh ngành nghề chăm sóc da mặt. Thế nhưng website thammyvenus.vn của TMV này lại quảng cáo thực hiện nâng mũi, cắt mí, hút mỡ bụng, nâng ngực, thu quầng ngực, cấy mỡ tự thân, nâng mông, tạo hình thành bụng… Sau khi xác định các hành vi sai phạm, UBND TP.HCM đã phạt TMV quốc tế Venus 85 triệu đồng và đình chỉ hoạt động chín tháng.
Nhiều phản ánh sai phạm qua ứng dụng Y tế trực tuyến Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, rất nhiều phản ánh sai phạm trong lĩnh vực làm đẹp và phẫu thuật thẩm mỹ được gửi qua ứng dụng Y tế trực tuyến của Sở Y tế TP.HCM. Ngày 10-8, người dân phản ánh cơ sở thẩm mỹ trên đường Hồ Bá Kiện, quận 10, TP.HCM thực hiện nâng mũi, hút mỡ… nhưng không có giấy phép kinh doanh, BS không có chuyên môn. Tương tự, ngày 8-8, một người dân phản ánh cơ sở thẩm mỹ trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP.HCM tiêm chích filler không nguồn gốc và nhân viên tự nhận là BS. Cơ sở này thực hiện làm đẹp cho cả người nước ngoài. Trước đó, ngày 6-8, người dân phản ánh một ông ở cơ sở làm đẹp trên đường Nguyễn Văn Lượng, quận Gò Vấp, TP.HCM tự xưng là BS. Cơ sở này còn quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ và tổ chức dạy nghề… Từ những phản ánh, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phối hợp với các phòng y tế quận, huyện kiểm tra và xử lý các hành vi sai phạm. TRẦN NGỌC |
_________________________
Kỳ cuối: Công bố tên cơ sở thẩm mỹ sai phạm