Ngày 10-3, trao đổi với PLO, ThS Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai xác nhận chương trình “Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức & Trải nghiệm” được duy trì hai năm qua, đến nay phải tạm dừng vì hết tiền.
“Đây là sự tiếc nuối lớn rất lớn với những người làm chương trình, nghệ nhân và trong lòng người dân, du khách gần xa. Hai tháng đầu năm, chúng tôi đã gồng gánh, lấy liền “tiền nhà” khoảng 170 triệu đồng để chi trả cho nghệ nhân, nhưng nay không còn sức nữa, buộc phải dừng. Đến nay, ngân sách năm 2024 chưa có”, ông Tuệ bày tỏ.
Theo ông Tuệ, chương trình dừng đúng vào thời điểm này là rất là tiếc, vì đang vào mùa đẹp nhất trong năm của Tây Nguyên. Không còn cồng chiêng cuối tuần vào mùa của nắng tháng ba, mùa con ong đi lấy mật… là một hụt hẫng cho du khách ở xa đến phố núi Pleiku.
Chương trình Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức & Trải nghiệm do Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai tổ chức từ cuối tháng 4-2022 nhằm quảng bá, bảo vệ và phát huy giá trị đặc biệt của di sản văn hóa thế giới được UNESCO vinh danh.
Ban đầu, chương trình được xây dựng, hoạt động dựa trên kinh phí xã hội hóa. Đến sáu tháng cuối năm 2023, chương trình được Nhà nước hỗ trợ theo dự án 06.
Để duy trì chương trình và tạo sự phong phú, hấp dẫn, Ban tổ chức đã liên hệ được khoảng 10 đội cồng chiêng từ các địa phương như thành phố Pleiku, thị xã An Khê, các huyện Đắk Pơ, Chư Sê… tham gia. Trung bình, mỗi một đêm diễn có từ 30-40 nghệ nhân tham gia; chi phí mỗi tháng từ 40-50 triệu đồng.
Hơn hai năm nay, chương trình là món ăn tinh thần không thể thiếu vào dịp cuối tuần, diễn ra tại khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết, Pleiku. Chương trình được Bộ VH-TT&DL đánh giá là mô hình mới, hấp dẫn, khuyến khích cộng đồng bảo vệ và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam từng nhận xét chương trình là hình thức bảo tồn tại chỗ hiệu quả, góp phần hồi sinh cồng chiêng Tây Nguyên khi môi trường nguyên thủy đã mai một trước tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa.
Nói về việc chương trình dừng bất ngờ, ThS Tuệ chia sẻ: “Điều đáng lo nhất lúc này là nếp cũ vào cuối tuần không còn duy trì nữa, tạo nên sự tiếc nuối và hụt hẫng trong cho người dân và du khách. Chờ đến lúc chương trình hoạt động lại chắc chắc sẽ có sự gián đoạn”.
Ông Tuệ và anh em tổ chức cảm thấy bất lực và buồn khổ khi tự mình tháo những tấm biển quảng cáo cho Cồng chiêng cuối tuần – Thưởng thức & Trải nghiệm đã duy trì hai năm nay. Dù vậy, mọi người đều mong muốn sớm có “phép màu” để kết nối, mở lại chương trình phục vụ người dân, du khách.
Tiếc nuối
Sau khi Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai Nguyễn Quang Tuệ thông báo trên Facebook cá nhân về thông tin tạm dừng Chương trình cồng chiêng cuối tuần, nhiều người dùng đã bày tỏ cảm xúc tiếc nuối.
Tài khoản Be Nguyen bày tỏ: Lần đầu tiên trở về Gia Lai sau thời gian dài vì dịch Covid-19, thật bất ngờ khi đang đi ở quảng trường chợt nghe tiếng cồng chiêng ngân vang giữa lòng thành phố. Cảm xúc ấy vẫn vẹn nguyên cho đến bây giờ dù chưa lần nào trở lại đúng ngày cuối tuần để được cảm nhận lần nữa! Mong sao Cồng chiêng cuối tuần sẽ sớm trở lại và tiếp tục là dấu ấn của Pleiku nói riêng và Gia Lai nói chung trong lòng du khách!
Bạn Ngân Phạm: Thật sự là quá đáng tiếc. Để tạo được dấu ấn và "nếp" sinh hoạt là vô cùng khó khăn. Gần hai năm trời, quá xót xa! Vinh danh thì dễ nhưng phát huy và để nó thực sự sống mới là điều đáng quan tâm!
Nguyễn Thị Thúy An: Tin buồn quá anh, nhiều người hỏi lên Gia Lai có gì em vẫn bảo có biểu diễn cồng chiêng vào thứ 7, họ thích lắm. Giờ thì hết rồi.