Sáng 8-10, tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai ra mắt chương trình “Sắc màu văn hóa Gia Lai – Bảo tồn và phát triển” thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân phố núi Pleiku và du khách gần xa tham dự, trải nghiệm.
Chương trình nhằm xây dựng mô hình trải nghiệm về văn hoá đặc thù các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp cộng đồng các dân tộc quảng bá, giới thiệu về văn hoá của mình đến người dân và du khách; góp phần bảo tồn văn hoá truyền thống, phát triển du lịch địa phương.
Phát biểu tại buổi ra mắt, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng và ghi nhận những nỗ lực của Sở VH-TT&DL thời gian qua đã tổ chức nhiều hoạt động hết sức thiết thực, góp phần quan trọng trong giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, tin tưởng hoạt động này góp phần giúp người dân trong tỉnh và du khách hiểu hơn về phong tục tập quán, bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Gia Lai.
Sau nghi thức ra mắt, lãnh đạo tỉnh, Sở VH-TT&DL cùng đông đảo người dân và du khách đã tham gia trải nghiệm múa xoang, hòa mình vào không gian văn hóa cồng chiêng với đội nghệ nhân làng Jút 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai.
Theo ban tổ chức, chương trình trải nghiệm “Sắc màu Văn hóa Gia Lai – Bảo tồn và phát triển” sẽ được duy trì thường xuyên vào sáng chủ nhật hàng tuần tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Mỗi tuần, sẽ có một đoàn nghệ nhân của một địa phương tham gia trình diễn nhạc cụ dân tộc, tái hiện không gian văn hóa cồng chiêng.
Bên cạnh đó, ban tổ chức còn tổ chức các hoạt động trò chơi dân gian, nghề đan lát, thổ cẩm… và chế biến ẩm thực truyền thống như cơm lam gà nướng, rượu ghè phục vụ thực khách.
Tham gia trình diễn, nghệ nhân Puih Dup (làng Blang 3, xã Ia Der, huyện Ia Grai), cho biết: "Tôi và mọi người trong đoàn rất vui khi được tham gia chương trình, được thể hiện văn hóa của làng mình cho mọi người xem, trải nghiệm".
Mặc dù chương trình lần đầu ra mắt, nhưng trong buổi sáng 8-10 có rất nhiều người dân và du khách đến tham dự, có sự trải nghiệm thú vị. Có mặt tại đây, chị Đào Thị Tiên, giáo viên âm nhạc Trường THCS Tôn Đức Thắng (xã Ia Sao, huyện Ia Grai), bày tỏ: “Tôi mê cồng chiêng lắm, khi nghe tiếng cồng chiêng khiến mình thôi thúc, rạo rực và muốn được hòa mình vào đó để trải nghiệm. Ở trường, tôi cũng thường xuyên khuyến khích các em học sinh người dân tộc thiểu số cố gắng giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc của mình”.
Lần đầu tham gia trải nghiệm, chị Thùy Chi (du khách đến từ Hà Nội), chia sẻ: “Văn hóa cồng chiêng ở Tây Nguyên rất đặc biệt. Trước đây, mình chỉ xem qua tivi, nay được trải nghiệm, nghe âm thanh vang vọng giữa đại ngàn thì cảm xúc hoàn toàn khác, mới lạ, cảm nhận được cái hồn, thần thái người Tây Nguyên phóng khoáng, dân dã, hào hùng, đậm chất sử thi Tây Nguyên. Tôi nghĩ là ai cũng nên một lần trải nghiệm mới cảm nhận được hết cái đẹp, cái hay của cồng chiêng Tây Nguyên”.
Rcombus: Chàng "Tarzan Tây Nguyên" đa tài