Trước đây, hộ gia đình ông P. phải liên đới thi hành một bản án dân sự. Cuối năm 2010, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã ra quyết định kê biên, cấm chuyển dịch hơn 700 m2 đất (có nhà trên đất) của hộ ông P. để đảm bảo cho việc THA. Dù vậy, đến tháng 3-2011 hộ ông P. vẫn ra văn phòng công chứng bán được nhà đất trên cho ông Nguyễn Minh Phát (ngụ quận 12). Chỉ đến khi đi đăng bộ, sang tên, ông Phát mới phát hiện nhà đất này đã bị Chi cục THA huyện Bình Chánh ngăn chặn.
Công chứng không biết chuyện kê biên
Ông Phát buộc phải khởi kiện ra tòa yêu cầu hủy hợp đồng mua bán nhà đất vì cho rằng bị bên bán cố tình lừa dối. Mới đây, TAND huyện Bình Chánh đã xử, tuyên hủy hợp đồng mua bán nhà đất, buộc hộ gia đình ông P. phải liên đới trả lại cho ông Phát 1 tỉ đồng, ông Phát phải trả lại cho họ giấy tờ nhà đất. Hiện bản án này đang được thi hành.
PV Pháp Luật TP.HCM đã tìm hiểu lý do vì sao nhà đất bị kê biên mà tổ chức hành nghề công chứng vẫn công chứng việc mua bán. Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin và Tư vấn công chứng (Sở Tư pháp TP.HCM), vào ngày mà hộ ông P. và ông Phát ký hợp đồng công chứng, nơi đây không nhận được thông báo về việc ngăn chặn tài sản kê biên từ Chi cục THA huyện Bình Chánh hay bất cứ cơ quan nào. Vì thế, theo quy định, công chứng viên vẫn được phép công chứng hợp đồng mua bán tài sản.
Trung tâm Thông tin và Tư vấn công chứng cũng cho biết mãi hơn một năm sau khi hai bên đương sự đã công chứng hợp đồng mua bán, Chi cục THA huyện Bình Chánh mới gửi quyết định kê biên nhà đất đến trung tâm.
Trong khi đó, chấp hành viên Chi cục THA huyện Bình Chánh (người giải quyết vụ THA của hộ ông P.) lại khẳng định mình và cơ quan THA không có lỗi. Bởi lẽ chấp hành viên đã kê biên tài sản đúng luật, có sự chứng kiến của các phòng, ban chuyên môn của UBND huyện và đại diện UBND xã, còn gửi cả thông báo cho VKS huyện. Mặt khác, theo quy định hiện hành thì cơ quan THA không có trách nhiệm phải thông báo về việc ngăn chặn tài sản kê biên cho Trung tâm Thông tin và Tư vấn công chứng và các tổ chức công chứng.
Ông Nguyễn Minh Phát, người mua nhầm phải nhà đất bị kê biên. Ảnh: T.TÙNG
Thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm
Gần đây, những vụ nhà đất bị cơ quan THA kê biên nhưng người phải THA vẫn làm được hợp đồng mua bán có công chứng như trên xảy ra không ít. Trong những vụ này, chỉ khổ cho người mua nhà đất ngay tình. Tiền đã bỏ ra, nhà đất lại không sang tên được, kiện tụng đòi lại tiền thì mất thời gian, công sức, thắng kiện rồi cũng không biết khi nào mới lấy lại được tiền. Nguyên nhân cũng đều do các tổ chức công chứng không biết được thông tin về việc nhà đất đã bị kê biên nên vẫn tiến hành công chứng hợp đồng mua bán nhà đất bình thường.
Theo bà Lâm Quỳnh Thơ (Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Tư vấn công chứng, Sở Tư pháp TP.HCM), có chuyện này là do hiện nay không có quy định pháp luật nào bắt buộc cơ quan THA phải gửi thông tin cho trung tâm và các tổ chức công chứng khi áp dụng biện pháp kê biên cấm chuyển dịch tài sản, cũng không có quy định xử lý trách nhiệm của cán bộ liên quan nếu không thực hiện việc gửi thông tin.
Trên thực tế, như ở TP.HCM, ngay từ khi được thành lập (2007), Trung tâm Thông tin và Tư vấn công chứng đã phải chủ động gửi văn bản đề nghị các cơ quan THA, cơ quan quản lý đất đai nếu có áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch tài sản thì kịp thời thông báo cho trung tâm biết. Khi cơ quan có thẩm quyền nào gửi thông tin, trung tâm đều tiếp nhận, cập nhật và chuyển ngay đến các tổ chức công chứng trong toàn TP. Bên cạnh đó, UBND TP cũng có văn bản yêu cầu các cơ quan THA, các cơ quan liên quan phối hợp với trung tâm. “Phần lớn các cơ quan đều phối hợp tốt với trung tâm nhưng cũng có một số trường hợp chuệch choạc. Có thể vì lý do nào đó hoặc do tay nghề của chấp hành viên còn non, họ không đánh giá hết hậu quả nên gửi thông tin thiếu kịp thời” - bà Thơ cho biết.
Về vấn đề này, ông Võ Thành Danh (Chi cục trưởng Chi cục THA quận 11, TP.HCM) nhận xét việc hiện nay chỉ có các quy chế phối hợp nội bộ về thông tin kê biên ngăn chặn tài sản, thiếu quy định pháp luật chuyên ngành về THA và công chứng là chưa ổn. Theo ông Danh, để sự phối hợp này đi vào nề nếp, có tính bắt buộc nhằm tránh tình trạng đương sự tẩu tán tài sản thì pháp luật về THA và công chứng phải bổ sung quy định rõ ràng.
Một số vụ tương tự • Năm 2007, bà C. ký hợp đồng (có công chứng) mua một căn nhà của bà N. ở quận Gò Vấp (TP.HCM). Bà C. đã nộp tiền sử dụng đất và đóng lệ phí trước bạ. Vì căn nhà mới chỉ có giấy trắng nên bà C. đến UBND quận Gò Vấp nộp đơn đề nghị cấp giấy hồng. Một thời gian sau, bà C. tá hỏa khi UBND quận Gò Vấp thông báo căn nhà đã bị cơ quan THA quận ngăn chặn mua bán từ 10 năm trước. Tìm hiểu, bà C. mới biết căn nhà trước đây là của anh bà N. (đã mất), vốn là người phải THA trong một vụ án. Sau này, phòng công chứng không biết thông tin về việc cơ quan THA kê biên, ngăn chặn nên vẫn công chứng hợp đồng mua bán nhà. • Trước đây, TAND quận 6 (TP.HCM) tuyên buộc bà B. phải trả nợ cho bà N. Sau khi án có hiệu lực, Chi cục THA quận 6 đã ngăn chặn, cấm bà B. chuyển nhượng nhà để đảm bảo THA. Dù vậy bà B. vẫn ký công chứng bán được nhà cho một người khác. Năm 2009, TAND TP.HCM xử giám đốc thẩm, hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ cho TAND quận 6 giải quyết lại. Bà N. yêu cầu tòa tuyên hợp đồng mua bán trên vô hiệu. Thẩm phán áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nên Chi cục THA quận ra thông báo ngăn chặn. Thế nhưng sau đó người mua nhà của bà B. vẫn ra phòng công chứng ký được hợp đồng bán nhà cho người khác… Quy định rõ trách nhiệm, chế tài Để hạn chế tình trạng trên, Thông tư liên tịch số 14-2010 của Bộ Tư pháp - TAND Tối cao - VKSND Tối cao cũng có quy định nhưng chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 6 Thông tư 14, kể từ thời điểm có bản án có hiệu lực của tòa mà người phải THA bán tài sản cho người khác thì cơ quan THA vẫn có quyền xử lý tài sản đó. Tuy nhiên, nếu ngay từ đầu tổ chức công chứng nhận được thông tin ngăn chặn thì sẽ không có bất cứ hợp đồng chuyển nhượng nào được công chứng. Do vậy, cần phải bổ sung các quy định liên quan theo hướng bắt buộc các cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn, kê biên phải gửi thông tin cho tổ chức công chứng, nếu không thực hiện thì sẽ bị chế tài. Một kiểm sát viên VKSND TP.HCM |