Ngày 6-3, khảo sát loạt website các ngân hàng thương mại của báo Pháp Luật TP.HCM cho thấy chưa có ngân hàng nào thực hiện việc công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.
Khó công khai lãi suất cho vay khách hàng doanh nghiệp
Nhiều ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, Techcombank, An Bình, OCB, ACB, LPBank, VPBank không niêm yết lãi suất cho vay cụ thể mà chỉ giới thiệu mức lãi suất ưu đãi từng thời kỳ.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB, cho biết hiện OCB đang nghiên cứu cách thức công bố lãi suất trên website sao cho phù hợp.
Bởi mức lãi suất dựa trên các yếu tố rủi ro. Khách hàng có mức độ rủi ro cao thì ngân hàng cho vay với lãi suất cao, khách hàng có mức độ rủi ro thấp thì sẽ được vay với lãi suất thấp, chứ không thể cào bằng lãi suất cho vay với tất cả đối tượng khách hàng được.
Ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn
Nhằm chấm dứt tình trạng ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn, trong Công điện số 18 ngày 5-3, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngân hàng thương mại công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng để vay vốn.
Đạt mục tiêu điều hành tăng trưởng tín dụng, lãi suất năm 2024 hiệu quả, khả thi, kịp thời bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, không để ách tắc, chậm trễ và không đúng thời điểm.
Đẩy mạnh, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng. Nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng.
Đặc biệt là việc cấp tín dụng cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan tới ngân hàng, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau… với lãi suất ưu đãi, trong khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng, hợp pháp lại gặp khó khăn.
Thủ tướng lưu ý tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“Vậy nên nếu công bố lãi suất cho vay bình quân thì không vấn đề gì nhưng công bố lãi suất cho vay cá biệt sẽ tạo hiệu ứng không tốt. Tuy vậy, đây là chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên chúng tôi cũng sẵn sàng thực hiện thôi” - CEO của OCB nói.
Tán thành ý kiến trên, Tổng Giám đốc LPBank Hồ Nam Tiến nêu quan điểm: “Công khai lãi suất bình quân chỉ nên áp dụng với khoản vay ngắn hạn do chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và lãi suất vay ngắn hạn là không lớn.
Nếu công bố lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay trung dài hạn, chúng tôi sẽ phải đối diện với phản ứng của các khách hàng vay cũ”.
Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho rằng: “Ngân hàng tính toán mức lãi suất cho vay của doanh nghiệp dựa trên tổng lợi ích từ huy động vốn, sản phẩm dịch vụ, dòng tiền, điểm tín dụng… chứ không chỉ tính đơn thuần mỗi lãi suất cho vay.
Hơn nữa, mỗi doanh nghiệp có tình hình tài chính khác nhau, mức độ rủi ro khác nhau. Vì thế công khai lãi suất cho vay chỉ phù hợp với đối tượng khách hàng cá nhân, còn với khách hàng tổ chức thì không đơn giản”.
“Chế tài của dư luận mới là cái khó”
Về việc các ngân hàng thương mại ngại khó khi công khai lãi suất bình quân, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định: Ngay từ đầu, quan điểm của NHNN là không có chế tài, không xử phạt và cũng không biểu dương việc các ngân hàng thương mại không công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.
Việc niêm yết lãi suất cho vay bình quân lên website của ngân hàng thương mại vừa đảm bảo quyền lợi cho người đi vay, đồng thời đảm bảo quyền lợi của chính ngân hàng thương mại trong môi trường cạnh tranh lãi suất.
Tổng Giám đốc LPBank Hồ Nam Tiến chia sẻ kinh nghiệm cho thấy dù đã được hưởng lãi suất ưu đãi trong 1-2 năm đầu, các khoản vay cũ cũng được giảm 1,5%-2%/năm. Thậm chí có khách hàng được giảm tới 3%/năm, đưa về quanh mức 10,5%-11%/năm nhưng vẫn sẽ tiếp tục phàn nàn về mức lãi suất (so với lãi suất cho vay bình quân được công bố).
Có chung nỗi lo trước phản ứng của khách hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, băn khoăn việc nếu ngân hàng công bố lãi suất cho vay bình quân là 12%, trong khi lãi suất đầu vào chỉ có 4%-5% thì sẽ tạo ra những thông tin suy xét bất lợi từ phía khách hàng.
Bởi khi người dân thấy ngân hàng này niêm yết lãi suất quá cao thì ngay lập tức họ sẽ chuyển sang ngân hàng đang công bố lãi suất thấp hơn để vay.
“Trước mắt, các đồng chí không thực hiện thì chưa có chế tài nhưng cái chế tài của dư luận mới là cái khó” - ông Tú nói.
Cụ thể hơn, ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh Đà Nẵng, cho rằng: “Thay vì các ngân hàng thương mại công bố lãi suất bình quân, dựa trên báo cáo hằng tháng về lãi suất cho vay, lãi suất huy động của từng ngân hàng thương mại, NHNN sẽ thực hiện việc công bố lãi suất cho vay bình quân của từng ngân hàng hoặc bình quân cả hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo thông tin lãi suất bình quân mà NHNN công bố, khách hàng sẽ đưa ra quyết định vay của mình”.
Đồng thuận với chủ trương công khai lãi suất cho vay, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội, nêu đề xuất: “Nên niêm yết riêng lãi suất bình quân kỳ hạn ngắn - trung hạn - dài hạn, lãi suất bình quân của khách hàng cá nhân riêng, lãi suất bình quân của khách hàng doanh nghiệp riêng…
Như vậy, thông tin niêm yết sẽ rộng hơn, bao quát hơn và người đi vay dễ dàng xác định mức lãi suất nào phù hợp để tham gia”.
NHNN cũng thông tin đang tổng hợp ý kiến của các ngân hàng thương mại về những khó khăn, vướng mắc cũng như các kiến nghị đề xuất liên quan đến việc công khai lãi suất cho vay bình quân, xem xét và sớm đưa ra các giải pháp phù hợp.
NHNN dự kiến lập website để ngân hàng thương mại công bố chi tiết các gói tín dụng ưu đãi, lãi suất chi tiết của từng nhóm khách hàng.