Sáng ngày 27-5, Quốc hội đã nghe Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Bộ trưởng Công an cho biết thời gian qua Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị đã có nhiều chỉ đạo về phát triển công nghệ thông tin, du lịch. Tuy nhiên qua rà soát các quy định của hai luật này thì thấy chưa đáp ứng được các chủ trương, chính sách của Đảng nên cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách này.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (Ảnh: Quốc hội) |
Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 76/2022/QH15, Quốc hội đã đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam và giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để triển khai thực hiện; nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi khoản 3 Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
So với thời điểm năm 2019 (trước khi bùng phát dịch bệnh Covid-19), năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 32,6%.
“Qua rà soát, các quy định của hai luật chưa đáp ứng được các yêu cầu chính trị, pháp lý và thực tiễn, do đó, việc xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và tiến trình cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số của Chính phủ” - Bộ trưởng Công an Tô Lâm nêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới. (Ảnh: Quốc hội) |
Trình bày báo cáo thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đã nhấn mạnh tính cần thiết của dự án luật.
“Việc sửa luật giúp tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Tạo điều kiện thuận lợi, thu hút hơn nữa người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19” - ông Tới nói.
Liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Điều 2 dự thảo Luật), ông Tới cho hay Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với quy định thị thực điện tử (ký hiệu EV) có giá trị nhiều lần thay vì chỉ có giá trị một lần như trước đây. Đồng thời nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng.
"Các quy định mới sẽ mang lại sự ưu ái đặc biệt cho khách nước ngoài và thuận lợi trong việc thực hiện trình tự, thủ tục của cơ quan quản lý, tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam, góp phần phục hồi, phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung” - Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh.