Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Người dân đang được hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến qua điện thoại thông minh để nộp hồ sơ xin cấp hộ chiếu phổ thông. Ảnh: BCA |
Theo đó, tại Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (viết gọn là Luật số 49); tập trung vào một số nhóm nội dung sau:
Đối với nhóm nội dung để cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử:
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung hình thức nộp hồ sơ trên môi trường điện tử đối với thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, báo mất hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử, khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông.
Bãi bỏ quy định nộp bản chụp CMTND hoặc thẻ CCCD đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất và bãi bỏ quy định nộp bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi.
Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 28 Luật số 49 để phân cấp giải quyết việc trình báo mất hộ chiếu phổ thông từ cấp Cục Quản lý xuất nhập cảnh về Công an cấp tỉnh, từ Công an cấp tỉnh về Công an cấp huyện, từ Công an cấp huyện về Công an cấp xã.
Đối với nhóm nội dung sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Dự thảo Luật đã sửa đổi khoản 3 Điều 6 Luật số 49 để bổ sung thông tin “nơi sinh” trên giấy tờ xuất nhập cảnh; sửa đổi khoản 11 Điều 8 để bổ sung quy định người giữ các chức vụ từ Phó Tùy viên Quốc phòng trở lên tại cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, phái đoàn thường trực Việt Nam tại các tổ chức quốc tế liên Chính phủ, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài thuộc trường hợp được cấp hộ chiếu ngoại giao.
Sửa đổi khoản 2 Điều 17, khoản 2 Điều 18 Luật số 49 sửa đổi các quy định về các trường hợp, trình tự, thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn theo hướng mở rộng đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn, quy định về thủ tục cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn trong một số trường hợp đặc biệt cấp bách.
Sửa đổi khoản 1 Điều 27 để bổ sung quy định về việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông đối với các trường hợp đã được cấp hộ chiếu mà không đến nhận kết quả.
Bên cạnh đó, sửa đổi quy định tại Điều 45, Điều 46 Luật số 49 để thống nhất cơ quan chủ trì đề xuất đàm phán, ký kết các Điều ước quốc tế, Thỏa thuận quốc tế liên quan đến nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú.
Điều 2 dự thảo Luật sửa đổi 8 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) (viết gọn là Luật số 47), tập trung vào hai nhóm nội dung sau:
Đối với nhóm nội dung sửa đổi các quy định của Luật số 47 để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam.
Sửa đổi, bổ sung quy định tại các điều 7 và 9 Luật số 47 để nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên ba tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần;
Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 19a để mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ;
Sửa đổi, bổ sung Điều 31 để nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú.
Đối với nhóm nội dung sửa đổi để quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội:
Sửa đổi, bổ sung Điều 33 Luật số 47 để bổ sung trách nhiệm của Cơ sở lưu trú;
Sửa đổi khoản 2 Điều 44 Luật số 47 để bổ sung nghĩa vụ của người nước ngoài trong việc xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam cho cơ sở lưu trú để thực hiện khai báo tạm trú theo quy định;
Sửa đổi tên Chương VII Luật số 47 và bổ sung một Điều quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan hoạt động của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.