Mới đây, VKSND tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm do TAND thị xã Tây Ninh xét xử trước đó. Viện đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh Tây Ninh giám đốc thẩm bản án trên theo hướng hủy toàn bộ bản án, giao về cho cấp sơ thẩm xét xử lại vì vi phạm nghiêm trọng hàng loạt thủ tục tố tụng.
Công ty đã chấm dứt tồn tại
Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 6 đến tháng 11-2009, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ NV bán cho Công ty TNHH MTV TP hơn 2,6 tấn xi măng. Đến đầu năm 2010, Công ty TP chỉ thanh toán được hơn 2,6 tỉ đồng, số tiền còn nợ lại là trên 150 triệu đồng. Do vậy, Công ty NV khởi kiện ra TAND thị xã Tây Ninh yêu cầu tòa buộc Công ty TP phải thanh toán số tiền còn lại.
Ngày 20-10-2011, TAND thị xã Tây Ninh ra thông báo thụ lý giải quyết vụ án. Xét thấy yêu cầu của Công ty NV là có căn cứ, mặc dù tòa đã triệu tập nhiều lần nhưng đại diện phía Công ty TP không đến nên tòa quyết định xét xử vắng mặt.
Xử sơ thẩm ngày 14-6-2012, tòa tuyên buộc Công ty TP phải có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty NV trên 150 triệu đồng và phải chịu tiền án phí hơn 7,5 triệu đồng.
Trong khi trước đó, ngày 21-6-2011, Công ty TP đã có quyết định gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh về việc giải thể doanh nghiệp do kinh tế khó khăn, việc kinh doanh không có hiệu quả. Căn cứ theo quy định của Luật Doanh nghiệp, quyết định giải thể của Công ty TP, ngày 15-7-2011 Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh) đã có thông báo về việc xóa tên và thu lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty TP.
Do vậy, khi biết TAND thị xã Tây Ninh xét xử vắng mặt, phía Công ty TP đã có đơn đề nghị giám đốc thẩm bản án trên gửi VKSND tỉnh Tây Ninh.
Xác định sai tư cách bị đơn
Kháng nghị của VKSND tỉnh Tây Ninh cho rằng việc tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành tống đạt văn bản tố tụng trực tiếp cho Công ty TP mà chỉ niêm yết công khai sau đó xét xử vắng mặt là vi phạm tố tụng. Theo đó, “người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng phải trực tiếp chuyển giao cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng có liên quan”. Việc “niêm yết công khai chỉ được thực hiện khi không rõ tung tích của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo hoặc không thể thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp…”.
Từ đó, viện cho rằng tòa án cấp sơ thẩm còn vi phạm tố tụng trong việc xác định sai tư cách của bị đơn. Ngày 15-7-2011, Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh đã có thông báo về việc xóa tên và thu lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty TP. Như vậy, đến thời điểm ngày 20-10-2011, tòa án thụ lý giải quyết vụ án thì Công ty TP không còn tồn tại nên việc xác định Công ty TP tham gia tố tụng với tư cách bị đơn là không đúng.
Đồng thời, quá trình giải quyết vụ án, tòa án cấp sơ thẩm còn vi phạm về thu thập tài liệu, chứng cứ vụ án. Cụ thể, tòa đã không thu thập giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty TP là vi phạm Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự; thu thập giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty NV là bản sao không có công chứng, chứng thực là vi phạm Điều 83 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Với những vi phạm tố tụng đã chỉ ra, ngoài việc đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh Tây Ninh hủy bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, quyết định kháng nghị còn tạm đình chỉ thi hành bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
HỒNG TÚ
Công ty giải thể thì kiện chủ sở hữu công ty Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, việc TAND thị xã Tây Ninh xác định Công ty TP tham gia tố tụng với tư cách bị đơn trong vụ án là không đúng. Bởi trước khi tòa thụ lý giải quyết vụ án, Công ty TP đã bị Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh xóa tên và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Vậy trường hợp này nguyên đơn phải kiện ai để đòi quyền lợi của mình? Khoản 1 Điều 63 Luật Doanh nghiệp quy định: Công ty TNHH MTV là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty”. Căn cứ vào quy định trên, người được xác định tham gia tố tụng với tư cách bị đơn phải là chủ sở hữu của Công ty TP. Người này sẽ chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ của Công ty TP trong phạm vi vốn điều lệ đã đăng ký. Luật sư CAO QUANG THUẦN, Đoàn Luật sư TP.HCM |