“Sở GTVT TP.HCM vừa có kiến nghị gửi Thường trực UBND TP.HCM về biện pháp phòng, chống dịch COVID-2019 trên phương tiện vận tải hành khách công cộng” - ngày 25-3, trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, thông tin.
Xe buýt vẫn muốn được chạy
Cụ thể, theo ông Lâm, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị các phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, vận tải hành khách liên tỉnh, đưa rước công nhân, xe hợp đồng…) trên địa bàn TP vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, mỗi xe không được chở quá 50% sức chứa và tối đa chỉ được chở 20 người.
Sở GTVT cũng đề nghị các đơn vị liên quan hướng dẫn hành khách tại các bến, điểm đón, nhà chờ, trạm dừng, trạm trung chuyển phải đứng cách nhau tối thiểu 2 m. Các nhà xe phải trang bị nước rửa tay cho hành khách lên xe trước khi vào vị trí ngồi. Hành khách trên xe được nhân viên phục vụ trên xe bố trí, hướng dẫn ngồi xen kẽ, mỗi hàng ghế chỉ ngồi một ghế, không bố trí ngồi gần nhau với khoảng cách an toàn nhất.
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM cho dừng hoạt động tất cả xe buýt trong nội thành. Sở Y tế nêu quan điểm: Dù lượng hành khách đi xe buýt tại TP ngày càng giảm nhưng đây vẫn là lựa chọn của một bộ phận người dân như học sinh, sinh viên, người cao tuổi. Việc không sử dụng xe buýt sẽ giúp người dân tránh tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh...
Chiều 25-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về hai đề xuất trên, đại diện HTX 19/5 xác nhận do diễn biến dịch bệnh phức tạp, lượng hành khách đi xe bị giảm rất nhiều so với trước. Tuy nhiên, giữa hai đề xuất của Sở Y tế và Sở GTVT thì HTX 19/5 lựa chọn phương án vẫn duy trì hoạt động của xe buýt để tiếp tục được phục vụ hành khách. “Các HTX phải đưa ra phương án đảm bảo an toàn tối đa cho hành khách, tài xế và tiếp viên. Theo tôi, phương án ngồi so le, mỗi hàng ghế chỉ ngồi một người là hoàn toàn hợp lý trong thời điểm hiện nay” - đại diện HTX 19/5 nêu quan điểm.
Hiện nay HTX 19/5 đã yêu cầu tiếp viên, tài xế đeo khẩu trang 100%, bố trí nước rửa tay và khuyến khích hành khách đeo khẩu trang trước khi lên xe. HTX cũng tiến hành khử trùng, sát khuẩn đối với các vị trí dễ tiếp xúc như tay cầm. Một số HTX khác cũng thực hiện tương tự và tất cả cùng đang chờ quyết định chính thức của lãnh đạo TP.
Theo kiến nghị của Sở GTVT gửi Thường trực UBND TP.HCM thì xe buýt vẫn hoạt động bình thường nhưng không chở quá 20 người/xe. Ảnh: ĐÀO TRANG
Buýt đường sông tạm ngưng hoạt động
Đối với tuyến buýt sông số 1 của Công ty TNHH Thường Nhật, Sở GTVT đã đồng ý chủ trương ngưng hoạt động trong hai tuần, từ ngày 25-3 đến 5-4. Nguyên nhân là do nhu cầu đi lại giảm, chủ yếu chỉ phục vụ khách nước ngoài và việc chấp hành đeo khẩu trang của họ chưa tốt.
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, cho biết thêm những tháng gần đây lượng khách của buýt đường sông hay các phương tiện công cộng khác cũng đều bị giảm vì COVID-19 và đây là điều khó tránh.
14.573 chuyến xe buýt (trên 132 tuyến) hoạt động mỗi ngày ở TP.HCM, vận chuyển hơn 251.000 hành khách. Xe khách liên tỉnh có 85 chuyến/ngày, phục vụ khoảng 5.800 hành khách. Riêng bến phà phục vụ khoảng 40.000 khách/ngày, còn vận tải khách đường thủy hoạt động 20 chuyến/ngày, phục vụ hơn 400 hành khách. (Nguồn: Sở GTVT TP.HCM) |
“Mặc dù chúng tôi luôn yêu cầu hành khách phải đeo khẩu trang nhưng một số người không chấp hành, do vậy buýt sông vẫn có nguy cơ lây nhiễm cao. Trong thời điểm hiện nay, tôi đồng ý chủ trương phải ngưng hoạt động các phương tiện công cộng cho tới khi dập tắt dịch. Trước mắt, để đảm bảo an toàn, tránh lây lan virus, công ty và cơ quan chức năng đã thống nhất tạm dừng hoạt động buýt sông số 1 trong hai tuần. Sau đó tùy diễn biến dịch bệnh, chúng tôi sẽ tiếp tục tính toán” - ông Toản chia sẻ.
Bên cạnh đó, Sở GTVT cho biết các bến phà sẽ vẫn hoạt động bình thường để phục vụ người dân. Hành khách đi trên phà phải đứng cách xa tối thiểu 2 m và bắt buộc đeo khẩu trang.
Bến xe Miền Đông yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang 100% Bến xe Miền Đông yêu cầu toàn bộ tài xế, nhân viên phục vụ trên xe, nhân viên bán vé phải đeo khẩu trang y tế trong suốt thời gian làm việc. Đồng thời, những người này phải thường xuyên rửa tay bằng cồn khi tiếp xúc với hành khách, không khạc nhổ bừa bãi, bỏ khẩu trang, khăn giấy đã qua sử dụng vào thùng rác có nắp... Tài xế, nhân viên phục vụ trên xe đi từ vùng dịch về phải lập danh sách hành khách, thu thập thông tin về sức khỏe của hành khách trong suốt lộ trình. Khi phát hiện khách có các triệu chứng đáng ngại, nhân viên cần hướng dẫn khách liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, thăm khám. Các đơn vị vận tải phải chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết cho nhân viên của mình như quần áo sử dụng, găng tay, khăn giấy, túi đựng rác... Khi kết thúc ca làm việc, cần làm vệ sinh và vứt bỏ túi chứa khăn giấy vào thùng rác có nắp theo quy định. |