COVID-19: Nguồn lây xuất phát từ khu 3 BV ở Đà Nẵng

Ngày 4-8, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo, chủ trì cuộc họp.

Tình hình ở Đà Nẵng, Quảng Nam đang được kiểm soát

Tại cuộc họp, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết qua phân tích gen của virus gây bệnh trên các bệnh nhân, có thể khẳng định đây là nguồn mới xâm nhập, từ một điểm phát ra (khu ba bệnh viện ở Đà Nẵng)… Do virus lần này đã đột biến, dẫn đến tình trạng lây nhiễm trong gia đình, lây nhiễm chéo cao.

Về công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới, GS-TS Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế sẽ tiếp tục “tăng quân” vào khu vực này nhằm đẩy nhanh hơn nữa tiến độ truy tìm các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng để kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch, nhanh chóng kiểm soát tình hình, giảm thiểu tối đa tử vong.

Sau khi nghe các ý kiến từ phía chuyên gia, Bộ Y tế, ban chỉ đạo thống nhất nhận định tình hình ở Đà Nẵng và Quảng Nam đang được kiểm soát. Dự báo trong những ngày tới đây sẽ tiếp tục phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng và nhiều khả năng sẽ còn các ca tử vong là những bệnh nhân nặng đang điều trị tại các khoa chạy thận nhân tạo, hồi sức cấp cứu, tim mạch. Nguy cơ dịch bệnh luôn thường trực, phải thiết lập trạng thái bình thường mới.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu trong thời gian tới, một mặt phải tập trung dập dịch nhanh nhất có thể. Mặt khác cũng phải siết chặt lại kỷ cương, “lên dây cót” cả hệ thống, trước hết trong ngành y tế.

“Cuộc chiến này còn dài đến khi nào có vaccine, thuốc đặc trị. Chúng ta mới thắng từng trận đánh, từng chiến dịch, chứ chưa thắng cả cuộc chiến” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Điều dưỡng Lê Hữu Trạng (bìa trái) và điều dưỡng Nguyễn Trần Đức (thứ hai từ phải sang)  của BV Chợ Rẫy chia tay đồng nghiệp, ra Đà Nẵng chi viện. Ảnh: BVCR

Chủng virus mới có tốc độ lây lan nhanh

Cùng ngày, Bộ Y tế công bố thêm hai ca nhiễm COVID-19 tử vong là bệnh nhân (BN) 426 và 496. Tính đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng số tám trường hợp không qua khỏi vì dịch bệnh này.

Trước việc liên tiếp có các ca nhiễm tử vong, một số ý kiến cho rằng độc lực của virus SARS-CoV-2 mới tại Đà Nẵng cao hơn nhiều so với chủng trước đây.

Trả lời vấn đề này, BS CKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết đợt dịch lần này ở Đà Nẵng rơi vào ba nhóm BN rất nguy hiểm, gồm BN suy thận mạn, chạy thận nhiều năm; BN ở khoa ung bướu và BN khoa hồi sức.

Theo ông Cấp, nhóm BN này dù không mắc COVID-19 cũng đã tiềm ẩn nguy cơ tử vong. Việc bị nhiễm SARS-CoV-2 chỉ như “giọt nước tràn ly”, dẫn đến tử vong cao bất thường, chứ không phản ánh sức khỏe cộng đồng hay độc lực của virus.

Cũng theo thống kê, số ca mắc COVID-19 đợt này tăng nhanh. Kết quả giải trình tự gen cho thấy đây là chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỉ lệ lây nhiễm cao.

Chỉ số lây nhiễm khoảng 5-6, cao hơn gần ba lần so với lần trước khoảng 1,8-2,2. Bên cạnh đó, nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng cũng xuất hiện.

Tại Đà Nẵng, cơ quan chức năng ghi nhận sáu ca trong cộng đồng nhưng chưa phát hiện được nguồn lây.

GS-TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho hay chủng virus SARS-CoV-2 mới được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần, tuy nhiên độc lực không thay đổi so với chủng cũ. Việc nắm rõ về tốc độ lây lan, độc lực của chủng SARS-CoV-2 mới sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan bệnh COVID-19 một cách hiệu quả.

Đội phản ứng nhanh BV Chợ Rẫy tiếp tục chi viện tâm dịch

Chiều 4-8, BV Chợ Rẫy (TP.HCM) tiếp tục cử thêm Đội phản ứng nhanh số 5 lên đường ra Đà Nẵng để hỗ trợ BV Phổi Đà Nẵng chăm sóc các BN mắc COVID-19.

Thành viên của đội phản ứng nhanh gồm: ThS điều dưỡng Nguyễn Trần Đức (Khoa thận nhân tạo), cử nhân điều dưỡng Lê Hữu Trạng (Khoa hồi sức ngoại thần kinh).

ThS Nguyễn Trần Đức, điều dưỡng trưởng Khoa thận nhân tạo, chia sẻ hy vọng đem kinh nghiệm của mình giúp đỡ các đồng nghiệp ở Đà Nẵng nhằm hạn chế biến chứng xảy ra cho các BN đang chạy thận nhân tạo. Trước khi đi, anh đã bàn giao các biện pháp quản lý, phòng ngừa rủi ro cho BN tại khoa trong thời gian công tác tại tâm dịch.

BS CKII Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy, cho biết Đà Nẵng hiện là ổ dịch COVID-19 khá phức tạp, việc hỗ trợ giải quyết ổn thỏa tâm dịch cũng giúp các địa phương khác phòng thủ tốt hơn.

“Vì thế, bệnh viện đã ưu tiên cử năm đội phản ứng nhanh ra hỗ trợ cho các bệnh viện ở Đà Nẵng, cụ thể là BV Phổi Đà Nẵng và BV đa khoa Trung ương Quảng Nam. Đồng thời, bệnh viện cũng phối hợp với công ty cung cấp trang thiết bị, hỗ trợ máy móc để xây dựng các bệnh viện ngoài Đà Nẵng thành nơi điều trị COVID-19 mà BV Chợ Rẫy sẽ hỗ trợ chính” - BS Việt chia sẻ.

Không để quay lại giãn cách xã hội ở quy mô toàn quốc

Ở đâu đó có làn sóng dịch bệnh thứ hai nhưng Việt Nam quyết tâm không để xảy ra. Không để câu chuyện quay lại giãn cách xã hội trên diện rộng, ở quy mô toàn quốc. Chúng ta phải khoanh vùng nhỏ nhất có thể, còn những nơi khác phải ở trong trạng thái bình thường mới để phát triển.

Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM 

Hải Phòng, Bình Định cấp tốc đáp lời chi viện Đà Nẵng

Chiều cùng ngày, nguồn tin từ UBND TP Đà Nẵng cho hay TP kết nghĩa Hải Phòng đã ngay lập tức có phương án hỗ trợ TP sau văn bản “cầu viện” của Đà Nẵng.

Cụ thể, TP Hải Phòng đã cử đoàn cán bộ 33 người, gồm tám bác sĩ và 25 điều dưỡng vào TP Đà Nẵng hỗ trợ điều trị, phòng chống dịch COVID-19.

Đồng thời, TP Hải Phòng cũng quyết định hỗ trợ Đà Nẵng 5 tỉ đồng để thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19. Hải Phòng cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ Đà Nẵng 200.000 khẩu trang y tế.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay đã nhận được công văn của UBND TP Đà Nẵng đề nghị chi viện nhân lực, hỗ trợ chống dịch COVID-19.

“UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở Y tế tổng hợp danh sách bác sĩ, điều dưỡng để UBND tỉnh lập ngay đoàn tăng cường hỗ trợ cho TP Đà Nẵng chống dịch. Có thể ngay hôm nay (5-8), tỉnh Bình Định sẽ tổ chức đoàn cán bộ y tế lên đường ra Đà Nẵng. Tinh thần là tỉnh Bình Định sẽ làm hết sức mình vì cả nước, vì Đà Nẵng để góp phần nhanh chóng dập dịch” - ông Thanh thông tin.

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 4-8, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký văn bản gửi TP Hải Phòng và tỉnh Bình Định về việc hỗ trợ nhân lực y tế phòng chống dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Văn bản cho hay dịch bệnh COVID-19 tại Đà Nẵng đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, nhân lực ngành y tế Đà Nẵng đang ở vào thời điểm rất khó khăn.

“Trong bối cảnh nêu trên, nhằm giúp TP Đà Nẵng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế với phương châm dồn lực dập dịch ở Đà Nẵng, góp phần vào hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên cả nước, UBND TP Đà Nẵng rất mong nhận được sự hỗ trợ điều phối đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên y tế từ các tỉnh, TP bạn xung phong, tình nguyện đến Đà Nẵng cùng quyết tâm khống chế dịch bệnh đợt này” - văn bản nêu.

Thêm 28 ca nhiễm mới gồm một bác sĩ ở Đồng Nai

Chiều 4-8, Bộ Y tế công bố thêm 18 ca mắc COVID-19 mới (BN 653-670), trong số này có 16 ca tại Đà Nẵng, một ca tại Đồng Nai có liên quan đến BV Đà Nẵng và một ca từ Guinea Xích đạo sau xét nghiệm lần hai.

Trong đó, ca bệnh 669 (BN 669) là bác sĩ LĐN (50 tuổi, công tác tại BV đa khoa Đồng Nai), là chồng của BN 595. Đây là ca dương tính với COVID-19 thứ hai ở tỉnh Đồng Nai.

Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ Y tế cũng cho biết Việt Nam ghi nhận thêm 10 ca mắc COVID-19 (BN 643-652), trong số này có bảy ca tại Đà Nẵng, ba ca tại Quảng Nam có liên quan đến BV Đà Nẵng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm